Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ: Khái niệm sạch chỉ tương đối

16/07/2010 14:35 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Chưa bao giờ ông Chủ tịch VFF thừa nhận V-League lẫn hạng Nhất sạch sẽ cả, đấy cũng là sự dũng cảm và dám nhìn thẳng vào thực trạng của BĐVN trong thời kỳ quá độ. TT&VH  phỏng vấn ông Hỷ, bên lề sân chơi U17 đang diễn ra ở Đà Nẵng.

* Đây là thời điểm các giải trẻ diễn ra. Ở góc nhìn của mình, ông đánh giá thế nào về thực trạng công tác đào tạo trẻ ở ta, và riêng VCK U17 năm nay.


- Tích cực, dĩ nhiên là thế. Một sự khác biệt rất rõ là các giải trẻ đều “sạch sẽ”, ở góc độ tính trung thực về tuổi tác cầu thủ. Đấy là bước tiến dài trong ý thức của các đội. Trước đây, họ đã bị bệnh thành tích đè nặng, thành ra ứng xử vô lối, bất chấp luật và sự phẫn nộ của dư luận để ăn gian tuổi.


Vấn nạn này đã được dẹp bỏ thì chẳng lý do gì bóng đá trẻ không phát triển. Cộng thêm vào đó, bóng đá chuyên nghiệp đã mang đến cuộc sống sung túc cho cầu thủ. Thế nên, các cầu thủ trẻ cũng đã sớm hình thành ý thức phấn đấu để một ngày được chơi bóng chuyên nghiệp. Về phía Liên đoàn, chúng tôi ý thức việc kích thích sự phát triển của bóng đá trẻ. Ví như không chỉ riêng VCK U17 năm nay mới có nhiều phần thưởng cho các danh hiệu. Với bóng đá trẻ, mỗi danh hiệu đều ghi đậm kỷ niệm với các em. Thậm chí, nó tạo sức bật cho không ít số phận cầu thủ trẻ.



Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ thừa nhận V-League và giải hạng Nhất vẫn chưa sạch 100% như mong đợi

* Đúng là vài ba năm qua, phong trào “xây nhà từ móng” đã được nhân rộng khắp cả nước. Tuy thế, không phải địa phương nào cũng có đội bóng đỉnh cao để tài năng trẻ không bị thui chột. Nhìn nhiều đội trẻ của bóng đá địa phương tỉnh lẻ đăng quang rồi giải tán mà  đau lòng.

- Đấy là hạn chế có tính lịch sử. Nhưng tôi nghĩ chỉ dăm năm nữa thôi, tốc độ  xã hội hóa bóng đá mạnh mẽ như hiện nay sẽ  khiến cho sự phát triển của bóng đá đỉnh cao chuyển dịch rộng và sâu hơn. Bạn có thể thấy nhiều địa phương đá dám tung tiền để có đội bóng đỉnh cao rồi đấy.


* Ông rất lạc quan với sự sạch sẽ của bóng đá trẻ. Vậy bóng đá “già”, cụ thể V-League và hạng Nhất thì sao?


- Tôi nhiều lần trải lòng rồi, dù cải thiện nhiều nhưng 2 giải đấu trên vẫn chưa thể sạch được. Hay nói cách khác, cái sự “sạch” chỉ là tương đối. Đấy là điều không thể phủ nhận được. Hiểu rõ và dám nói như thế  là điều cần thiết. Chẳng hạn như bạn, tôi không tin bạn không cá độ, dù ít hay nhiều. Bạn cũng không thể thuyết phục được mọi người rằng bạn không từng một lần cá độ. Tình yêu bóng đá là phổ biến, thậm chí như thuộc tính của mỗi con người, và sức hút của trò đỏ đen với trái bóng cũng ghê gớm mà không phải ai cũng dễ dàng chối bỏ. Cầu thủ cá độ dẫn đến có hành vi tiêu cực trên sân thiết nghĩ trách nhiệm trước hết CLB phải nhận.


* Sau World Cup, nếu thật lòng ông thấy có biểu hiện gì tiêu cực ở 2 giải đấu trên?


- Nhiều trận đấu bất thường đã xảy ra, cũng như giới cầu thủ không ít anh cũng có biểu hiện xao nhãng trên sân. Chẳng hạn như SHB.Đà Nẵng thua N.Sài Gòn đấy, khó có thể chấp nhận được Tôi vừa hỏi anh Hòa (TGĐ Công ty CP thể thao SHB.ĐN) tư tưởng cầu thủ có tiêu cực không mà đá kiểu thế. Anh Hòa nói rằng đơn giản do lực lượng thiếu hụt và bị ì sau quãng nghỉ.


* CLB quản lý và chịu trách nhiệm về thái độ thi đấu là chủ yếu. Nhưng, phía VFF cũng cần phải có động thái mạnh tay để ngăn ngừa tiêu cực ở 8 vòng đấu cuối. Ông cũng thấy, mùa nào BTC giải cũng không kiểm soát được tình hình những vòng đấu cuối.


- Đến thời điểm này thì tôi khẳng định VFF vẫn kiểm soát được 2 giải đấu cao nhất, kể cả người của BTC giải cũng như trọng tài. Chúng tôi đã phối hợp tích cực với C14 và họ cũng tăng cường quân rải đi các điểm nóng hơn. Bất cứ diễn biến bất thường nào cũng được kiểm soát chặt chẽ. Bản thân tôi ngày nào cũng nhận được tin nhắn về vấn đề  tiêu cực. Nặc danh có, từ các đội bóng hay những người liên quan đến bóng đá nước nhà cũng có. Nhiều khi cũng đau đầu, thậm chí tôi phải chuyển cho công an. Có điều, qua xác minh thì đa số những phản ánh đều thiếu cơ sở. Ví dụ như vụ Hải Nhân Tiền Giang, có gì đâu mà ầm ỹ thế. Công an họ chỉ cần vài động tác nghiệp vụ là phơi bày ra hết, nếu như cầu thủ Tiền Giang tổ chức bán độ.


Nếu nói đâu là điều khó kiểm soát nhất những vòng đấu cuối, tôi nghĩ đấy là bóng đá tình cảm vẫn còn nặng nề ở VN. Cầu thủ, các HLV họ thương nhau, không muốn nhấn chìm nhau nên có thể đá nương chân. Chúng tôi rất khó xử lý những trận đấu này vì bằng chứng thiếu thuyết phục.


* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi thẳng thắn.


HỮU QUÝ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm