16/08/2015 19:47 GMT+7
(Thethaovanhoa.vn) - Tôi không bao quên cái cảnh này: sau mỗi bàn thua là đội bóng của tôi phải bò lổm ngổm trên mặt đất để chui qua háng đội vừa sút thắng đội. Đám kia sung sướng lắm, đứng thành hàng, háng dạng ra (ông nào thấp thì kiễng chân lên), ré lên thích thú khi chúng tôi lóp ngóp bò qua.
Đối với những đứa trẻ mà lòng kiêu hãnh mới bắt đầu nhen nhóm trong nhân cách đang hình thành thì thua đã là một điều rất buồn bực, nhưng chui háng một người khác-một sự đầu hàng vô điều kiện và là một sự thất bại đau đớn khi bị người khác coi khinh, là một nỗi nhục không gì tiêu hóa nổi.
Cũng phải 30 năm trôi qua ngày ấy rồi, nhưng cái dư vị đắng ngắt của việc bị người khác làm nhục, đúng hơn là mình đã tạo điều kiện để họ coi thường mình, dù chỉ là trong một trận bóng đá, vẫn còn đọng lại và hình thành một ý chí phục thù bất cứ kẻ nào làm nhục mình, theo một cách lương thiện.
Thế nên, lớn lên, đi làm, trở thành một người viết báo và đi đó đây trong một sự nghiệp của những chuyến đi dài, cứ sự kiện gì dính đến chữ "nhục", dù theo ngôn ngữ nào đi nữa, tôi cũng cố gắng xem xét và tìm hiểu nguyên do. Khi người ta cảm thấy hoặc bị làm nhục, ít khi họ công khai cho người khác thấy, vì họ vẫn muốn giữ thể diện. Nhưng kể từ khi mạng xã hội bắt đầu lan tỏa trong cuộc sống hàng ngày, hàng giờ, vào trong bữa ăn của gia đình, trong các câu chuyện quán trà đá cà phê vỉa hè, nỗi nhục không còn của riêng ai nữa. Nỗi nhục của một người được chia sẻ nhanh chóng trong cả một cộng đồng để trở thành nỗi nhục tập thể của biết bao người.
Và khi người ta gán những chuyện gì đó cho chữ "quốc thể" thì một cơn lên đồng tập thể của đạo đức xảy ra. Một người đàn ông quỳ lạy một kẻ lừa đảo liên quan đến một chiếc iPhone ở Singapore trở thành "nhục quốc thể". Một người khách tham quan Nhà Việt Nam ở EXPO, sau khi phản ánh những điều mà người này chưa hài lòng, thất vọng, cũng trở thành câu chuyện về "nhục quốc thể". Một cô hoa hậu ngủ hớ hênh trên máy bay bị chụp trộm chưa thành "nhục quốc thể" (may mắn thay!), nhưng cũng đã tạo một diễn đàn kinh khủng đa chiều cho mọi người thể hiện quan điểm của mình. Facebook đã nhanh chóng thay thế các quán nước trong việc phát huy vai trò lan truyền thông tin xã hội đầy hiệu quả và hậu quả (với việc làm nhiễu loạn các giá trị thông tin và tốn thời gian vô ích vào những chuyện vô bổ).
Trở lại câu chuyện ở EXPO Milan 2015, Facebook trở thành một kênh thông tin phản biện mạnh mẽ cho việc đang diễn ra ở đó, sự nhếch nhác, cẩu thả, sơ sài mà người viết Facebook chứng kiến và cho đó là "nhục quốc thể" đã làm xôn xao dư luận. Nhưng thực sự đó có phải là "nhục quốc thể", nghĩa là đụng chạm đến thể diện quốc gia, hay chỉ là quan điểm của người đó, thấy nhục và muốn mọi người cảm nhận điều ấy, hay là điều gì khác bên trong đó?
Báo chí nhìn thấy chữ "nhục" ngay lập tức khai thác góc độ đó và không quan tâm đến những góc nhìn khác, nhân chứng khác, thậm chí những người khách nước khác đến thăm căn nhà đại diện cho quốc gia, từ đó đẩy vấn đề lên mức cực đoan theo quan điểm của một vài cá nhân. Chữ "nhục" khiến người ta chạm tự ái hơn, đụng chạm cả sự tự ti và buộc phải xả những bức xúc ra, như trút một gánh nặng và tăng thêm sức mạnh tinh thần cho bản thân mình.
Trong một xã hội có nhiều thứ khiến người ta sợ hãi, ngờ vực và lo lắng, những điều to tát có liên quan đến đạo đức số đông dễ lan tỏa và được chia sẻ một khi đụng đến chữ "nhục". Anh nhục, tôi nhục, chúng ta cùng nhục, vì một chuyện mà tôi hoặc anh cho là "quốc nhục". Nhưng làm thế nào để thoát khỏi nỗi nhục ấy thì là việc của vĩ mô. Còn tôi, còn anh, còn chúng ta... tất cả vẫn như thế, vượt đèn đỏ, nhậu nhẹt tối ngày, sinh hoạt bừa bãi và cẩu thả, làm những việc đáng xấu hổ ở nước ngoài.
Giá trị của mỗi quốc gia nằm trong mỗi cá nhân và mỗi xã hội mà người đó đang sống trong đó. Quốc thể không nằm trong những cuộc vận động như một làn sóng trên mạng xã hội, vốn dễ bị kích động khi ai cũng nhận mình là người tốt và yêu nước, nhưng làm rất ít để mọi thứ tốt đẹp hơn. Nhục quốc thể nhiều khi lại là việc chúng ta tự làm nhục lẫn nhau trong một cơn ám ảnh trên bàn phím.
Hãy để cho quốc thể yên. Việc một quốc gia bị đánh giá là không chịu phát triển có phải là nhục quốc thể không? Nếu có, hãy làm gì đó để nó nhúc nhích đi thôi.
Anh Ngọc (Từ Rome, Italy)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất