Chu Chí Thành & nửa thế kỷ với 'Hai người lính'

26/01/2023 11:00 GMT+7 | Văn hoá

Trong 18 tác giả, đồng tác giả được tặng, truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2022 có nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, với bộ ảnh Hai người lính (gồm 4 ảnh). Từng là phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), Chu Chí Thành đã chụp hàng ngàn bức ảnh về cuộc kháng chiến chống Mỹ, trong đó, nổi tiếng nhất có lẽ phải kể đến bộ ảnh được trao giải kể trên.

Những bức ảnh không những thể hiện khát vọng thống nhất, hòa hợp, dự báo ngày hòa bình mà còn chứa đựng cả tư tưởng nhân văn của người Việt Nam.

Nửa thế kỷ "Hai người lính"

50 năm đã trôi xa, nhưng trong ký ức của nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành vẫn vẹn nguyên như tạc giây phút ra đời bức ảnh Hai người lính. Năm 1973, ông được cơ quan TTXVN cử vào Quảng Trị để theo dõi sự kiện trao trả tù binh khi Hiệp định Paris được ký kết.

"Trong khi chờ đợi các cuộc trao trả tù binh diễn ra bên sông Thạch Hãn, có những ngày nghỉ, chúng tôi đã tranh thủ đi đến vùng giáp ranh để xem xét tình hình. Hôm đó, vào khoảng cuối tháng 3/1973, chúng tôi đến vùng giáp ranh ở chốt Long Quang thuộc xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Đến nơi, tôi đã rất bất ngờ khi thấy một tốp lính Sài Gòn đi qua "giới tuyến" (gọi là giới tuyến nhưng chỉ mang tính chất tượng trưng, có chỗ chăng dây, có chỗ là mô đất, có chỗ là dòng lạch nên hai bên đối mặt nhau) sang địa phận quân giải phóng để chơi. Đó là cuộc sang chơi bình thường nhưng khi ấy tôi cũng thấy làm lạ. Bởi, tôi là phóng viên ngoài Bắc vào, lần đầu tiên được nhìn thấy khuôn diện cụ thể của một người lính Sài Gòn" - nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành kể.

Chu Chí Thành & nửa thế kỷ với 'Hai người lính' - Ảnh 1.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành

Ông Thành kể tiếp: "Khi tốp lính Sài Gòn sang, có mấy anh bộ đội của ta ra đón. Lúc sau, họ hồ hởi nói chuyện và vỗ vai nhau. Thế rồi, những người lính Sài Gòn còn bắt tay với các cô du kích của xã Triệu Trạch. Đó là một khoảnh khắc quá đỗi bất ngờ so với suy nghĩ trước đó của tôi: Một bên là kẻ địch, một bên là ta, tại sao lại có sự thân thiện đặc biệt như vậy?".

"Từ sự bất ngờ cộng với sự nhạy cảm của một phóng viên trẻ (28 tuổi) tôi đã bấm máy chụp lập tức cảnh các chiến sĩ, nữ du kích của ta bắt tay với những người lính Sài Gòn. Cảnh đó rất vui, đúng nghĩa là tay bắt mặt mừng trong không khí vui vẻ, như không có phân chia thù địch" - ông nhớ lại.

Đặc biệt, trong không khí vui vẻ, một anh lính Sài Gòn đã khoác vai một người lính giải phóng. Sau đó, anh ta đột nhiên lên tiếng: "Anh nhà báo ơi, anh chụp cho em một kiểu ảnh với anh lính giải phóng". Trong sự ngỡ ngàng đến lạ lùng, anh phóng viên trẻ Chu Chí Thành khi ấy đã ngay lập tức chụp lại khoảnh khắc hai người lính khoác vai nhau với một kiểu ảnh duy nhất. Đó cũng chính là giây phút bức ảnh Hai người lính lịch sử được ra đời.

Cuộc gặp gỡ rất nhanh, rất vui như một cơn mưa rào, nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành khi ấy cũng không kịp ghi lại thông tin về người lính Sài Gòn. Qua cuộc trò chuyện chốc lát giữa hai bên, chỉ biết rằng anh lính đó là sinh viên năm thứ hai học Văn khoa của Sài Gòn. Đây cũng chính là một trong những dữ liệu quan trọng giúp tác giả có dịp hội ngộ với hai người lính năm xưa trong một cuộc gặp gỡ ngoài sức tưởng tượng vào năm 2018.

Giờ đây, khi ngắm nhìn lại bức ảnh để đời của mình, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành không khỏi bồi hồi: "Chụp được bức ảnh này là may mắn của tôi trong một bối cảnh cực kỳ có giá trị. Đó là lúc lòng mong muốn hòa bình, tinh thần nhân văn của con người được trỗi dậy một cách tự nhiên nhất. Tôi đã gặp được giây phút tự nhiên đó, gặp được những con người tự nhiên đó. Và, bản thân tôi khi ấy cũng là một anh phóng viên cũng rất đỗi hồn nhiên như hai người lính. Ghi lại được hình ảnh này với tôi là một kỷ niệm, một ấn tượng rất đẹp, và rất sâu sắc".

Chu Chí Thành & nửa thế kỷ với 'Hai người lính' - Ảnh 2.

Bức ảnh “Hai người lính”, chụp chiến sĩ quân giải phóng (bìa trái) và anh lính Sài Gòn. Ảnh: Chu Chí Thành

Thể hiện tư tưởng nhân văn của người Việt Nam

Trong bộ ảnh đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật năm 2022 của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, ngoài bức ảnh Hai người lính, và bức ảnh Tay bắt mặt mừng được chụp ở chốt Long Quang, còn có 1 bức ảnh khác trong sự kiện trao trả tù binh năm 1973 tại Quảng Trị. Đó là bức ảnh Những bàn tay lưu luyến được chụp khi những người lính Sài Gòn ngồi trong xuồng máy để chạy về Nam đã quay lại vẫy tay chào đất Bắc, chào những người bộ đội giải phóng. Ở trên bờ, những anh bộ đội của ta, đầu đội mũ tai bèo cũng vẫy tay chào lại rất tự nhiên. Bức ảnh này là một dấu ấn tiếp tục bổ sung cho bức ảnh Hai người lính.  Ba sự việc này được sinh ra trên mảnh đất Quảng Trị tan hoang, mà dấu tích còn lại của ngày đó là cây cầu Quảng Trị đổ nát. Ảnh cầu Quảng Trị là bối cảnh khủng khiếp đã khép lại, khiến những người lính có cơ hội xích lại với nhau.

"Bộ ảnh đã nói lên tình cảm rất nhân văn, tinh thần rất độ lượng của người Việt Nam chúng ta . Và có lẽ chính điều này đã giúp dân tộc ta dập tắt chiến tranh và tạo ra chiến thắng" - nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành cho hay.

Chu Chí Thành & nửa thế kỷ với 'Hai người lính' - Ảnh 3.

Bức ảnh “Tay bắt mặt mừng”, chụp cảnh người lính Sài Gòn bắt tay nữ du kích xã Triệu Trạch. Ảnh: Chu Chí Thành

Thời điểm bức ảnh Hai người lính lần đầu tiên được công bố rộng rãi vào năm 2007 tại 2 triển lãm Những thời khắc không quên (Hà Nội) và Ký ức chiến tranh (TP.HCM) của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, nhiều người cho rằng đây là "bức ảnh dự báo ngày hòa bình" hay "bức ảnh hướng tới tương lai". Điều này, đã được chính tác giả cảm nhận ngay ở giây phút bấm máy.

Sau cùng, sự ghi nhận với bức ảnh Hai người lính không chỉ là giải thưởng hay danh hiệu, mà quan trọng hơn là tư tưởng nhân văn của người Việt Nam được thừa nhận. Từ đó, để thấy con người Việt Nam cao cả và lớn lao trong tầm vóc của chiến thắng chính nghĩa.  

"Không gì bằng có máy ảnh"

Vốn là sinh văn khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp, song lại trở thành phóng viên ảnh chiến trường của TTXVN, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành vẫn luôn tâm niệm: "Đó là nghề chọn người".

Ông Thành kể: "Năm 1966, khi mới học hết năm thứ ba, chuẩn bị sang năm thứ tư, chúng tôi được TTXVN từ Hà Nội đưa xe lên đón ở Đại Từ (địa điểm học sơ tán của khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp). Khi ấy, các thầy chỉ nói là cần một số anh em sinh viên ra trước một năm để phục vụ chiến trường B.

Thanh niên, sinh viên khi nghe có cơ hội đi Nam chiến đấu đều rất phấn khởi. Do vậy, chúng tôi rất vui vẻ lên xe của TTXVN về Hà Nội, sau đó được cơ quan đưa lên địa điểm sơ tán ở Hà Tây để học lớp thông tin - báo chí.

Trong lớp học, có 2 chương trình: Viết tin và nhiếp ảnh. Khi ấy, tôi chỉ có một ý nghĩ rất đơn giản: Đi vào Nam, làm phóng viên chỉ bằng cây bút và trí nhớ sẽ rất hạn chế. Không gì bằng có máy ảnh, chụp ảnh có thể dùng ngay, hoặc không dùng để lâu dài làm tài liệu. Khi về cứ hoặc chiến tranh kết thúc sẽ có tài liệu ảnh viết rất sinh động, cụ thể. Từ ý nghĩ đó, tôi đã xin học lớp nhiếp ảnh".  

Chu Chí Thành & nửa thế kỷ với 'Hai người lính' - Ảnh 4.

Ảnh cầu Quảng Trị là bối cảnh khủng khiếp đã khép lại. Ảnh: Chu Chí Thành

"Cuối năm 1967, chúng tôi kết thúc lớp đào tạo nghiệp vụ của TTXVN với tinh thần sẵn sàng đi B. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Mỹ đánh phá ra miền Bắc ác liệt, cơ quan yêu cầu "xẻ" đôi lớp học với một nửa lực lượng sinh viên vào Nam, một nửa ở lại ngoài Bắc. Tôi được phân công ở lại ngoài Bắc và được đưa về tổ ảnh quân sự của TTXVN - tổ ảnh mũi nhọn khi chiến sự ở đâu nổ ra căng thẳng nhất, gay go nhất đều có mặt" - nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành kể tiếp.

Kể từ khi được phân công vào tổ ảnh mũi nhọn của TTXVN, phóng viên chiến trường Chu Chí Thành lăn xả khắp các trận địa cao xạ từ Hà Nội vào đến Quảng Bình, Vĩnh Linh suốt những năm 1967-1973. Chiến trường thu vào ống kính của người phóng viên ấy vô vàn những khoảnh khắc sống động với khí thế hừng hực như nòng súng cao xạ vươn lên trời cao.

Nhớ lại giây phút lâm trận đầu tiên, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành bồi hồi: "Tháng 4/1968, tôi cùng phóng viên Lương Nghĩa Dũng, đi từ Hà Nội vào Cầu Cấm (Nghệ An). Chúng tôi vừa vào buổi trưa, buổi chiều địch đã đánh phá lập tức. Khi đang chụp các đơn vị pháo cao xạ, nhưng do ụ pháo quá cao, chúng tôi đứng ở ngoài nên chụp rất khó. Nhanh trí, tôi đã nhặt hòm đạn bằng gỗ cầm theo và đặt xuống đất vững vàng để đứng lên chụp, trong khi bom vẫn đang dội xuống trận địa. Lúc đó, tôi còn chụp được cả khói bom đang bốc lên. Tuy nhiên, ảnh chụp bị chao mờ vì đứng cập kiễng, hơn nữa đây cũng là cú thử tay nghề đầu tiên của tôi. Nhưng sau đó, tôi cũng chọn được một số ảnh chụp trung cảnh úp xuống các động tác của pháo thủ rất sinh động".

"Khi ấy, tôi thấy các anh pháo thủ sao lại gan dạ đến thế? Có lẽ, chính sự gan dạ, bình tĩnh của pháo thủ đã truyền sang cho những phóng viên ảnh chiến trường như chúng tôi sức mạnh và tự tin để quên đi mưa bom bão đạn. Từ đó, để chúng tôi cố hết sức thể hiện được khí thế của người lính qua ống kính. Bởi thế, bước vào cuộc chiến giống như say mùi thuốc súng, nhưng thực chất chính là không khí chiến đấu khiến con người ta trở nên hăng hái".

"Vũ khí" là chiếc máy ảnh trong tay, phóng viên chiến trường Chu Chí Thành từng "tung hoành" khắp các mặt trận trong thời kỳ cuối thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ trước. Tác nghiệp trong điều kiện mưa bom bão đạn, ranh giới sống chết cận kề, song lớp thanh niên như nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành ngày đó luôn trong tư thế sẵn sàng chấp nhận hy sinh, coi chuyện hy sinh là lẽ thường.  

Những lần chết hụt

Thật thế! Trong ký ức của tác giả Hai người lính không ít lần chết hụt trong quá trình tác nghiệp khi ở trận địa cao xạ, khi trong vòng vây bom bi, khi tại tuyến lửa B-52.

Nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành kể: "Năm 1968, tôi vào mặt trận của Quảng Bình. Trước khi vào trận, anh em đã phổ biến, khi nghe tiếng kẻng của đại đội trưởng bắt buộc phải xuống hầm tránh bom bi.

Lần đó, tôi đang đứng chụp ảnh, ngắm tư thế của những người lính cao xạ bắt mục tiêu và chờ đầu pháo lóe lửa để bấm máy. Ở chiến trường bom đạn nổ át tiếng kẻng nên tôi không nghe thấy báo hiệu, nhưng anh vệ binh đi cạnh vừa kéo tôi xuống vừa gọi lớn: "Anh…, bom bi…". Thế rồi, tôi và anh bộ đội vừa kịp tụt vào hầm. Lúc sau thì nghe thấy tiếng nổ rộp rộp của bom bi.

Chu Chí Thành & nửa thế kỷ với 'Hai người lính' - Ảnh 5.

Phóng viên chiến trường phóng viên Chu Chí Thành (đứng đầu) tại Quảng Trị năm 1973. Ảnh: Đỗ Tráng

"Đến chiều, có cậu chiến sĩ tên Ngà ở khẩu đội mà tôi đến chụp ảnh, cậu ta dặn: "Anh ơi! Tối nay anh về phân xã tráng phim, nói thực, chúng em lo cho anh hơn chúng em. Bom dội xuống trận địa, chúng em còn có pháo để gạt ra ngoài. Anh đi một mình rất nguy hiểm. Anh phải cẩn thận". Lúc sau, chiến sĩ Ngà mời tôi ở lại ăn cháo gà "giải đen", rồi mới về phân xã tráng phim gửi ra Hà Nội.

Một tuần sau quay lại, tôi nghe tin chiến sĩ Ngà cùng với cả khẩu đội đã hy sinh sau một trận bom đánh trận địa" - nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành kể tiếp.

"Lần khác, tôi và phóng viên Lương Nghĩa Dũng đến xã Vĩnh Thủy. Khi ấy, ông Dũng là người có kinh nghiệm đi trước tôi 1 năm. Tôi quý mến ông như người anh.

Theo sự phân công, tôi ở trong xã để chụp tình hình sản xuất trong chiến tranh của xã Vĩnh Thủy. Còn ông Dũng lên trên đồi để chụp đơn vị cao xạ chiến đấu. Ăn cơm xong, hai anh em chia tay. Buổi trưa, tôi nghỉ lại một mình trong hầm ở Ủy ban xã. Khi đang trong hầm, bỗng dưng tôi nghe thấy tiếng uỳnh uỳnh của bom dội rền. Nhìn ra cửa hầm thì thấy một con lợn lang đen khoảng 40 cân lăn ra chết, con gà đen cạnh đó thì đang rỉa thịt để ăn. Nhìn thấy cảnh tượng đó, tôi rùng mình. Thế rồi lúc sau, tiếp tục một trận bom bi dội xuống hầm, con gà cũng lăn ra chết.

Tôi ngồi trong hầm một mình, chỉ thấy hầm rung lên, một mảng hầm bị bom khoét trắng. Lúc đó, tôi cũng xỉu đi một thoáng vì bị bom ép nhưng tỉnh lại ngay vì sặc mùi từ đèn dầu hỏa đổ ra".

"Mấy phút sau, một cô dân quân chạy qua, cô ấy biết tôi ở hầm đó. Ở cửa hầm, cô gọi lớn: "Anh nhà báo… anh nhà báo… anh có làm sao không?" Tôi đáp: "Không, anh không làm sao cả". Thế rồi, cô ấy mới rời đi.

Lúc sau, ông Lương Nghĩa Dũng chạy từ trận địa cao xạ về để tìm tôi. Trước đó, ông ấy đã nghĩ tôi không qua được vì ở trong vòng B-52. Ở cửa hầm, ông Dũng gọi rất trịnh trọng:

- Đồng chí Thành có làm sao không?

- Không. Em không làm sao cả.

- Không làm sao thì ra đây chụp ảnh thôi chứ.

- Chụp cái gì hả anh?

- Chụp khắc phục hậu quả…

Sau đó, tôi mới tỉnh người ra, thấy đồng nghiệp của mình nhanh nhạy và rất hiểu công việc. Trong cơn hoảng vì vừa thoát khỏi vòng B-52, ông Lương Nghĩa Dũng nói với tôi: "Tao tưởng mày chết rồi. Tao lo quá. Thấy bom B-52, tao phải chạy về, có 5-7 cây số mà tao chạy gần nửa tiếng đồng hồ". Bởi, mỗi lần B-52 dội bom, đất rung lên, mọi người phải nằm xuống, tay ghì trên nền đất đá ong cho người khỏi bật lên. Áo mặc để trần tay nên xước xát đến chảy máu. Lúc ấy, tôi cảm động thấu hiểu tình đồng đội sao mà thiêng liêng đến thế! Trong vòng B-52, vẫn có người đồng nghiệp lao về xem mình sống chết ra sao".

Nhắc nhớ về những kí ức không ít lần chết hụt trong khi tác nghiệp ở chiến trường, nghệ sĩ nhiếp ảnh Chu Chí Thành vẫn chưa một lần hối tiếc hay ân hận khi bỏ văn sang làm ảnh. Giờ đây khi chiến tranh càng lùi xa, thì giá trị tài liệu của những bức ảnh càng trở nên vô giá.

Công Bắc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm