15/01/2011 14:06 GMT+7 | Thế giới
Từ đê Hồng Hà, phải len lỏi qua những dãy nhà ẩm thấp, xây chằng chịt cho người lao động thuê trọ, rồi qua hàng chục miệng cống lớn lúc nào cũng chảy thứ nước thải đen xì xuống sông Hồng, mới đến được bãi Giữa. Nơi mà những người dân phường Phúc Tân, Phúc Xá gọi là qua “cửa khẩu bên kia”. Gió sông Hồng cũng không đủ xua đi thứ mùi tanh tưởi nơi đây.
Chạy đi đâu cho khỏi rét?
Đến bãi Giữa, đúng như tên gọi của nó, giữa mênh mang sông nước, dù sông Hồng đang vào mùa nước cạn nhưng gió vẫn ù ù thổi, cái giá rét của mùa Đông càng phủ màu ảm đạm xuống túp lều trên những con thuyền rách nát. Gió sông Hồng tứ bề đầy hơi nước táp vào mặt. Chỉ một lúc, mặt chúng tôi như tê dại đi.
Xóm ngụ cư bãi Giữa sông Hồng quần cư ở 2 điểm chính, bãi Phúc Xá và Phúc Tân, nhưng những người lao động nghèo chủ yếu tập trung ở Phúc Xá. Khi chúng tôi đặt chân đến xóm bãi khi nỗi đau kinh hoàng vẫn ám ảnh những người dân nơi đây.
Ông Nguyễn Trung, sống trên thuyền cách không xa thuyền của hai bà cháu kể lại: “Mấy ngày nay, trời lạnh quá nên xóm chài “tùy nghi di tản”, mạnh ai người ấy chạy. Mấy người bán hàng rong hay ngủ luôn ở chợ đợi lấy hàng sớm rồi đi bán luôn. Mấy cậu thanh niên bốc vác ngủ đêm ở chợ Long Biên, hoặc thuê giường ngủ qua đêm cho người lao động ở gần chợ. Tối đến, thuyền nhà ai cũng đóng kín mít, tôi phải lấy giẻ rách nhét hết các lỗ trên phiên tre mà gió vẫn thục vào lạnh buốt.
Tối hôm 11/1, khi thấy tiếng kêu thuyền nhà bà Phương bị cháy, trong xóm ai cũng biết còn hai bà cháu trong thuyền. Nhưng lửa bén nhanh quá, dập được đám cháy thì chỉ kịp vớt thi thể hai bà cháu”.
Theo tay ông Trung chỉ, nơi đậu thuyền của hai bà cháu cũng cách bè gần nhất đến 50 mét. Bãi sông mênh mang thế này, hai bà cháu có kêu cứu, liệu có ai nghe thấy?
Nhìn những túp lều tạm bợ, bao bọc bằng những vật liệu dễ cháy, không khỏi khiến người ta ái ngại. Chị Nguyễn Thị Hành, chuyên gánh hàng thuê ở chợ Long Biên kể: “Bình thường, dân xóm bè chỉ nhóm bếp ở đầu mũi thuyền để nấu cơm, nhưng mấy ngày nay rét quá, nhiều người nhóm bếp ở ngoài rồi kê kiềng bếp vào trong khoang cho ấm. Thuyền nào cũng căng thêm áo mưa, nhét giẻ kín mít mà vẫn lạnh. Chỉ có “chạy” khỏi đây may ra mới đỡ được. Nhưng chạy đến đâu?”.
Bãi Giữa quy tụ dân tứ xứ, hơn 30 hộ gia đình. Những người dân ở đây chủ yếu là dân bốc vác, gánh hàng thuê ở chợ đầu mối Long Biên, buôn bán đồng nát. Những đứa trẻ, ngoài mấy đứa buổi tối đi học lớp học nhân đạo bên bãi Phúc Tân, đứa nào cũng có nghề phụ nhặt rác, đánh giày, bán hàng rong... kiếm tiền phụ giúp gia đình. Nhà cửa, túp lều tạm bợ, đắp đổi qua ngày, vì thế những tấm áo rét cũ nát các em mặc, vẫn quá mỏng manh với mùa Đông Hà Nội, giữa sông Hồng.
Chị Tân, đang nhặt nhạnh những ngọn rau muống xơ táp vì lạnh trên bãi đất kể: “Chúng tôi ở đây là người ngụ cư, quanh năm chỉ đi nhặt rác, buôn đồng nát kiếm sống qua ngày. Tiền đâu mà mua nhiều quần áo cho chúng nó. Mà áo rét năm nay đắt quá. Mấy hôm nay rét không chịu được, nhà có bao nhiêu áo, lấy cho bọn trẻ mặc tất lên người, như thế cũng ấm”.
Trên gò cao bãi Phúc Tân, anh Thành, bốc vác ở chợ Long Biên đang đóng lại mui thuyền. Anh cho biết, gần Tết rồi, hàng về nhiều, hai ngày nay anh ở liền trong chợ Long Biên, làm luôn cả ngày lẫn đêm, vừa tránh rét vừa tranh thủ kiếm cái Tết. Nhưng đến hôm nay, trời lạnh, xót ruột quá, anh về bãi mua tấm tôn lợp lại mui thuyền “để cho ông già đỡ khổ”. Anh bảo, xong cái mui thuyền này, mới yên tâm để “cày” tiền Tết tiếp.
Cũng như nhà anh Thành, nhà nào ở xóm bãi cũng đua nhau “gia cố” lại nơi ở của mình, người có thì mua tấm liếp, tấm tôn mới, người không có thì nilon, giẻ rách vá chằng vá đụp. Mấy chục con thuyền rách rưới nằm liêu xiêu bên mép nước. Đã bao nhiêu năm, những con người sinh ra, lớn lên ở đây chống chọi với cái nghèo cái khổ. Nhưng năm nay, cái lạnh kỷ lục càng làm thảm hại thêm cái nghèo ấy của họ.
Bất chợt, tôi nhớ câu hát “Tôi mong về Hà Nội/ Để nghe gió sông Hồng thổi/ Để thương áo len cài vội/ Một chiều Đông rét mướt”. Quả thực, gió sông Hồng năm nay “rét mướt” hơn người ta vẫn nghĩ.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất