03/12/2011 10:53 GMT+7 | Thế giới
(TT&VH) - Theo văn bản Bộ LĐTB&XH trình Thủ tướng Chính phủ, thay vì hưởng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán ngắt quãng, dự kiến công chức, viên chức sẽ được nghỉ liền 9 ngày, bắt đầu từ 21 - 29/1/2012 (tức từ 28 tháng Chạp đến mùng 7 Tết Nhâm Thìn).
Đây là vấn đề liên quan đến hàng triệu người lao động trong cả nước, xung quanh vấn đề này, TT&VH có cuộc trao đổi với TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra Dư luận Xã hội (Viện Xã hội học).
TS Trịnh Hòa Bình
* Việc kiến nghị dồn ngày nghỉ để kéo dài kỳ nghỉ Tết, theo ông xuất phát từ đâu?
- Câu chuyện tính dồn, ghi nợ ngày nghỉ, cộng lại để thành chuỗi ngày nghỉ Tết dài chỉ có khi Luật Lao động thừa nhận Việt Nam có hai ngày nghỉ cuối tuần. Khi đó, thường với những kỳ nghỉ 2, 3 ngày liền sẽ có trường hợp là ngày thứ 7 hoặc Chủ nhật vừa là ngày nghỉ lễ, vừa là ngày nghỉ theo tiêu chuẩn. Từ đấy mới nảy sinh chuyện ngày làm việc cách nhật, xen vào giữa những ngày được nghỉ theo luật.
Nói riêng tại khu vực hành chính sự nghiệp (chưa nói đến khu vực doanh nghiệp), thực tế chỉ ra rằng, những ngày đi làm xen vào giữa những ngày nghỉ dài thường không có hiệu quả. Mọi người có đến cơ quan để làm những công việc không có tính dài hạn, không cần tra sổ sách giấy tờ, chứng lí nhiều, tức là các việc giản đơn, hoặc làm công việc cá nhân. Hiệu quả công việc thấp. Thậm chí nhiều người nếu thấy guồng máy công việc chung không đụng chạm đến, hoặc lãnh đạo, tổ chức không yêu cầu thì không đến cơ quan.
Điều này phổ biến tại các cơ quan sự nghiệp mà công việc không liên quan đến ứng xử hành chính với dân, không phải là cơ quan cung ứng dịch vụ công. Thêm nữa, vào những ngày đó, tâm lí người dân đến cơ quan hành chính cũng không nỡ đòi hỏi quá nhiều.
Sau khi luật lao động cho phép nghỉ 2 ngày, nhiều cơ quan cung ứng dịch vụ công đã quyết định thứ 7 vẫn làm việc nhưng trên thực tế, hiệu quả cũng rất thấp.
Từ hiệu quả thấp cộng với sự suy giảm tiền lương trên thực tế khi đối chiếu với thời gian lao động nên gần đây mới có sáng kiến tăng ngày nghỉ lên, như vậy cũng có thể hiểu là một hình thức “tăng lương”, tính theo thời gian đi làm tuyệt đối.
* Nhưng nghỉ Tết 9 ngày liệu có quá nhiều, có tạo ra sức ì, thưa ông?
- Nghỉ Tết 9 ngày, mới nghe có vẻ quá nhiều… nhưng tôi cho rằng khối sự nghiệp hành chính không có vấn đề gì cả. Bởi nếu không cho họ nghỉ, trên thực tế ngày công lao động cũng không có ý nghĩa, huống chi nhiều người không đến cơ quan.
Cho nên nếu thừa nhận trên thực chất số ngày nghỉ tuyệt đối như vậy còn tốt hơn là duy trì thứ hình thức vỏ bọc không thực chất.
Hơn nữa, viên chức được tăng số ngày nghỉ liền kề chứ không phải tăng tổng số ngày nghỉ, họ phải làm bù. Việc làm bù ở đây cũng tốt bởi một chuỗi công việc tiến hành trong những ngày liên tục với nhau sẽ thuận lợi hơn bị cách nhật.
Còn đối với khu vực doanh nghiệp, sản xuất, trong chủ trương Bộ LĐTB&XH nói rõ là tùy các đơn vị sắp xếp.
* Mới đây, Bộ LĐTB&XH đề xuất thêm một ngày nghỉ Tết hằng năm, nhưng Chính phủ chưa đồng ý vì cho rằng đề xuất này chưa được nghiên cứu kỹ. Ông có đồng tình với đề xuất này?
- Xét về khả năng thỏa mãn của nền kinh tế, khi sức sản xuất lớn hơn, đồng vốn lớn hơn, chúng ta có của ăn, của để thì về nguyên tắc, thời gian lao động tuyệt đối của người lao động sẽ giảm xuống, đó cũng là cải thiện cuộc sống của người lao động.
Tư tưởng tăng thêm một ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán có ý hướng tích cực, nhất là chúng ta chưa có điều kiện tăng được nhiều hơn vào hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng thì chỉ có thể tăng vào dịp Tết âm lịch thôi. Trong chừng mực nào đấy nó cho thấy tính ưu việt của hệ thống chính trị. Tuy nhiên, việc đó có được chấp nhận hay không là phụ thuộc vào sức chịu đựng của nền kinh tế, cần tính toán đầy đủ.
Tôi ví dụ, như khi Quốc hộ thảo thuận về dự án Luật Giáo dục, vấn đề dạy thêm đã có tranh luận rất gay gắt. Có ý kiến không cho phép dạy thêm bởi khi xét về bình quân lao động, người dạy đã đạt ngưỡng rồi, dạy thêm là bóc lột sức khỏe. Nhưng có ý kiến cho rằng cho phép dạy thêm để giáo viên cải thiện cuộc sống. Như vậy, vấn đề ở đây là câu chuyện tiền lương. Lương không đủ sống thì người ta buộc phải dạy thêm, chứ không phải ai cũng thích dạy thêm. Cũng như nghỉ nhiều ai cũng muốn, nhưng thu nhập phải đảm bảo.
Người dân có nhiều thời gian thưởng thức không khí Tết hơn
* Về khía cạnh kinh tế, ngày nghỉ dài có ý nghĩa lớn trong kích cầu tiêu dùng?
- Theo thói quen, không chờ đến lúc nghỉ Tết mà chính trong giai đoạn chuẩn bị nghỉ người ta đã hối hả mua sắm các vật dụng để tiêu dùng trong dịp Tết. Như trong đề án của Bộ LĐTB&XH, ngày nghỉ trước Tết ngắn, ngày nghỉ sau Tết sẽ kéo dài hơn nên nó không có ý nghĩa kích cầu nhiều. Tuy nhiên, nghỉ Tết dài sẽ kích thích người dân chi phí ở hoạt động du lịch và các nhu cầu vui chơi. Vui chơi trong dịp Tết, người ta chỉ mua sắm nhỏ lẻ, cho nhu cầu tức thì chứ không phải sắm cho cả dịp Tết. Tuy vậy, do nghỉ dài nên người dân có thể mua nhiều đồ để dùng trong những ngày nghỉ hơn, kỳ nghỉ dài có tính kích cầu ở chỗ đó.
Thêm vào đó, trong ngày nghỉ, người ta chấp nhận mua hàng hóa, chi trả các dịch vụ với giá tiền cao hơn, người ta chấp nhận mua đắt hơn. Cũng bát phở nhưng vào ngày nghỉ tết người bán hàng có thể lấy đắt gấp đôi hay gấp rưỡi.
Có sự chấp nhận mua đắt bởi quan niệm của chúng ta bao giờ cũng là “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Và những người bán hàng cũng có tâm lý ganh với người đi mua sắm, khi mọi người được nghỉ, họ vẫn phải đi làm. Hơn nữa, các hàng hóa cung ứng trong hệ thống dây chuyền dịp nghỉ Tết không phải lúc nào cũng đầy đặn như một dòng chảy tuần tự như trước Tết, mà nó bị nghẽn lại. Chuỗi cung cấp bị ngắt quãng, nhát gừng nên giá cả tăng.
Hình thành thói quen nâng giá vô tội vạ ngày Tết ấy là thói quen tiểu nông. Việc tăng giá này cũng làm xuất hiện một số người bất chấp kì nghỉ đó để sản xuất tăng thu nhập.
* Ông đánh giá như thế nào về những tác động về mặt văn hóa xã hội của kỳ nghỉ dài này?
- Khi tăng ngày nghỉ thì người lao động cũng có nhiều thời gian đi lại về quê ăn Tết, sẽ đỡ vất vả. Các nhà ga, bến xe cũng đỡ bị quá tải, nếu trước và sau dịp nghỉ Tết ngắn ngày, người dân chen lấn đi lại, nhất là tình trạng dồn ứ về 2 thành phố lớn là HN và TP.HCM. Còn đường phố sẽ đỡ ùn tắc vì ngày nghỉ người ta tự do, tùy nghi về thời điểm ra khỏi nhà, không tạo ra các giờ cao điểm trong giao thông.
Đối với văn hóa, tôi nghĩ rằng, trong tương lai, khi nền kinh tế lớn hơn nữa thì người ta có nhu cầu vui chơi, giải trí lớn hơn nữa, các lễ hội chỉ có mở thêm chứ không thể ít đi. Sức sống cộng đồng, nhu cầu văn hóa tự thân nó rất mạnh. Xét về các khu vực cộng đồng tương đối, không có cộng đồng nào chấp nhận đứng sau hay hòa tan trong cộng đồng khác trong dịp lễ Tết cổ truyền dân tộc. Khu vực nào cũng muốn có lễ hội riêng, về mặt văn hóa, lễ hội là niềm tự hào của các cộng đồng ấy.
Ở bình diện cải thiện đời sống văn hóa tinh thần về nguyên tắc thì tăng ngày nghỉ người ta có nhu cầu văn hóa cao hơn. Như vậy nó nâng cấp, phát triển hơn nữa các vật phẩm, các sản phẩm văn hóa, đó là điều kiện để đưa những đặc trưng của văn hóa truyền thống về với người dân cộng đồng.
* Ông có nghĩ đến những mặt trái của kỳ nghỉ dài?
- Đó là vấn đề an toàn giao thông, cũng cần phải lường trước, bởi khi tăng ngày nghỉ vào dịp Tết thì có khả năng tăng tai nạn, nhất là những tai nạn lớn gây thương vong. Người dân du lịch, đi chúc Tết nhiều nên các phương tiện chạy trên đường nhiều hơn. Đó là chưa kể vào những ngày Tết, mọi người thường gặp gỡ, sử dụng rượu bia nhiều, nên dễ vi phạm Luật giao thông, để xảy ra tai nạn...
* Xin cảm ơn ông!
Thảo Vy (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất