Nhà biên kịch Hồng Hoa: Từ "Khát vọng Dam Săn" đến khát vọng bảo tồn văn hóa dân gian

11/04/2025 07:24 GMT+7 | Văn hoá

Tối Chủ nhật (13/4) tới đây, vở ca kịch Khát vọng Dam Săn do Đoàn ca múa dân tộc Đắk Lắk biểu diễn sẽ lần đầu tiên phục vụ khán giả Thủ đô tại Rạp Công nhân (42 Tràng Tiền, Hà Nội).

Trước Hà Nội, ca kịch Khát vọng Dam Săn (từ khi ra mắt tháng 12/2021) đã công diễn 4 lần tại Đắk Lắk, một lần tại TP.HCM và được bà con đồng bào địa phương yêu mến đón nhận. Lần có số lượng khán giả tới xem đông nhất là tại Lễ hội cà phê lần thứ 8 với 20 ngàn khán giả trong nước và quốc tế.

Khát vọng Dam Săn là vở ca kịch do nhà biên kịch Hồng Hoa lấy cảm hứng từ sử thi Dam Săn (hay Đăm San, Đăm Săn) của dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên, tác giả phần âm nhạc là nhạc sĩ Nguyễn Cường,  

Nhà biên kịch Hồng Hoa chia sẻ với Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về lý do chuyển thể sử thi Dam Săn và mối duyên với nhạc sĩ Nguyễn Cường trong ca kịch này:

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Từ "Khát vọng Dam Săn" đến khát vọng bảo tồn văn hóa dân gian - Ảnh 1.

Nhà biên kịch Hồng Hoa

- Từ những ngày tôi và nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng nhau dựng vở thanh xướng kịch "Xương Giang đại thắng, non nước thái hòa", khi ấy tôi là giám đốc sản xuất, nhạc sĩ Nguyễn Cường là tác giả thanh xướng kịch. Ông đã nuôi khát vọng viết vở ca kịch từ sử thi Dam Săn. Như ông từng nói, ai đến với Tây Nguyên, đều bị "ám ảnh" bởi hai chữ Dam Săn. Và tôi cũng đã không thoát khỏi sự "ám ảnh" ấy. Có thể nói, hai chữ Dam Săn cho ta nhiều bay bổng huyền thoại, cho ta mơ về vẻ đẹp hào hùng của núi rừng cao nguyên hùng vĩ, nơi tiếng gió hòa với tiếng chiêng, nơi lời ca và đêm hội cần như hơi thở vậy.

Tôi đã yêu ngay mảnh đất ấy khi lần đầu theo bước chân nhạc sĩ Nguyễn Cường đến với cao nguyên. Và trước đó, tôi đã tương tư mảnh đất này qua âm nhạc của chính nhạc sĩ đã dẫn dụ tôi và bao người khác. Có lẽ bởi sự đồng điệu ấy, tôi đồng ý với nhạc sĩ Nguyễn Cường cùng nhau làm ca kịch Khát vọng Dam Săn.

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Từ "Khát vọng Dam Săn" đến khát vọng bảo tồn văn hóa dân gian - Ảnh 2.

Một vài cảnh trong vở ca kịch "Khát vọng Dam Săn"

* Nhạc sĩ Nguyễn Cường đã nói gì khi chị đưa ra ý tưởng kịch bản?

- Song song với xây dựng bố cục tác phẩm, xây dựng đề án trình UBND tỉnh Đắk Lắk, tôi âm thầm viết kịch bản, tôi muốn tạo cho nhạc sĩ một bất ngờ thú vị khi ông đang xem lại những nốt nhạc còn dang dở cho dự định ấp ủ 34 năm qua về vở ca kịch này. Và khi tôi đưa ông đọc những đoạn viết đầu tiên, thì chính nhạc sĩ Nguyễn Cường mới là người làm tôi bất ngờ. Ông nói: "Lần này, tôi đã chọn đúng người làm kịch bản cho ca kịch của mình rồi!"

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Từ "Khát vọng Dam Săn" đến khát vọng bảo tồn văn hóa dân gian - Ảnh 3.

Ban tổ chức giới thiệu về chương trình tại buổi họp báo chiều ngày 10/4 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

* Sử thi Dam Săn kể khan hàng đêm mới hết, nay làm vở diễn trong 70 phút khiến nhiều người băn khoăn không biết như thế có làm giảm đi giá trị của di sản? Hẳn chị và nhạc sĩ Nguyễn Cường đã tính toán rất kỹ cho việc này?

- Chúng tôi đồng ý quan điểm rằng: Chúng ta sẽ không chuyển thể sử thi Dam Săn. Sử thi Bài ca chàng Dam Săn là lời kể khan của già làng răn dạy con cháu bên bếp lửa nhà dài, ngợi ca về vẻ đẹp dũng mãnh của tù trưởng Dam Săn, một biểu trưng của khát vọng sống mãnh liệt, khát vọng của ấm no, tự do cho buôn làng. Bên cạnh đó, sử thi còn gửi gắm một thông điệp rất sâu sắc về mối quan hệ mang tính bền vững, tựa nương giữa con người và thiên nhiên khi đã dám có ước muốn được cưới nữ thần Mặt Trời. Đây là một ứng xử rất "Tây Nguyên", nó khác xa với những ứng xử như bắn rơi mặt trời, ăn cắp lửa mặt trời trong những câu chuyện thần thoại khác. Đây là một thông điệp rất lớn: khát vọng giao hòa với thiên nhiên.

Vì vậy, bên cạnh những giá trị về văn hóa dân gian của sử thi đã được khẳng định, ca kịch của chúng ta là phải làm sáng rõ thêm hơn  nữa về giá trị này của sử thi Dam Săn.  

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Từ "Khát vọng Dam Săn" đến khát vọng bảo tồn văn hóa dân gian - Ảnh 4.

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Từ "Khát vọng Dam Săn" đến khát vọng bảo tồn văn hóa dân gian - Ảnh 5.

Tiết mục biểu diễn của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk tại buổi họp báo chiều ngày 10/4 tại Hà Nội. Ảnh: BTC

* Trong ca kịch "Khát vọng Dam Săn" chị đã sáng tạo thêm chi tiết nào?

- Để khắc họa sáng rõ về thông điệp ấy, tôi đã để cho nữ thần Mặt Trời, nữ thần quyền uy mà cô đơn trong chính ánh sáng của chính mình khi nàng mê Dam Săn. Chàng Dam Săn, con voi rừng dũng mãnh của đại ngàn, nơi mái ấm nhà dài và vòng xoang đêm hội đã làm nàng khao khát được sống, được yêu thương. Nàng mê Dam Săn chính là yêu văn hóa dân gian của núi rừng tây nguyên hùng vĩ, yêu sức sống của thác núi kì vĩ nơi này. Nàng tương tư Dam Săn, khao khát một lần được gặp chàng. Nàng đã vờ thu lại vầng ánh sáng, để Dam Săn vì sự sống buôn làng sẽ vượt hiểm nguy lên tìm nàng, cầu hôn nàng để mang lại vầng sáng.

Khi Dam Săn lên cầu hôn nữ thần Mặt Trời, đã dâng lên nàng chiếc chiêng mà chàng vượt bao hiểm nguy mang tới, một lần nữa khẳng định giá trị văn hóa dân gian là cầu nối thông linh giữa trời đất, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, là sính lễ quý giá nhất, vĩnh cửu nhất của con người cần được gìn giữ, bảo tồn…

Đôi chân trần với đôi tay gai xước, chiếc chiêng và nỗi đau đáu về sự sống buôn làng của Dam Săn, đã cảm hóa nữ thần mặt trời. Nàng không thể tới buôn làng của chàng để nhún đôi chân khi vòng xoang bắt nhịp, không thể cùng chàng về nơi có đêm, có ngày, có ánh trăng nơi bến nước. Nàng đã tặng cho chàng ánh sáng mầu nhiệm, "và từ đây đôi ta, mãi mãi là giao hòa, đất trời kết ngọt lành hoa trái"…

Dam Săn cũng thể nán lại nơi miền sáng, "một khắc nơi này bằng ba mùa rẫy/ Buôn làng đang chờ ta", với vầng sáng thắp lên trong trái tim mình, Dam Săn cùng ngựa thần "mỗi bước chân ngựa ta qua mấy nhà dài, nhanh hơn tiếng chiêng, mạnh hơn thác xối" một lần nữa vượt qua hiểm huy, mang ánh sáng về với buôn làng.

Nàng H'Nhi, nữ tù trưởng xinh đẹp, vợ của Dam Săn, trong phút giây đón chàng trở lại, khi vầng dương đã đẩy lùi tăm tối, nơi giáp ranh trời đất, khi Dam Săn run lên trong khô khát, nàng đã cắn tay mình mong cứu Dam Săn. Dòng máu từ tay nàng đã không thể cứu chàng, nhưng từ bàn tay ấy, tuôn trào dòng thác đỏ, thác của núi rừng Tây Nguyên nơi miền đất bazan muôn đời hùng vĩ. Sự hi sinh của nàng đã dệt lên sức sống trường tồn.

Khi Dam Săn vượt hiểm nguy trong sự trông cậy của buôn làng tìm ánh sáng nơi nữ thần Mặt Trời, chàng đã nói: Dam Săn ta sẽ đi, ta sẽ mang ánh sáng về. Và khi  chàng ra đi mãi mãi, vẫn là: trở về buôn sang (về buôn làng).

Nhà biên kịch Hồng Hoa: Từ "Khát vọng Dam Săn" đến khát vọng bảo tồn văn hóa dân gian - Ảnh 5.

Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sẽ diễn ra lúc 20h ngày 13/4, tại Nhà hát Kịch Hà Nội (42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội)

* Những sáng tạo mới ấy được công chúng địa phương tiếp nhận như thế nào, thưa chị?

- Khi tôi mang kịch bản với những tình tiết mới chia sẻ với bào con đồng bào Ê Đê, với một vị lão thành cách mạng, đã từng giữ chức vụ cao tại địa phương, thì nhận được sự ủng hộ và khích lệ rất lớn khi họ đều cho rằng hình ảnh của tù trưởng Dam Săn rất đúng với tinh thần của họ: yêu buôn làng, dám hi sinh vì ấm no của cộng đồng, và mang trong mình một khát vọng sống bền bỉ như rừng, như núi, mãi ngát xanh nơi nắng gió đại ngàn.

Bà con nơi đây tự hào vì họ có được sản phẩm văn hóa độc đáo bước ra từ tinh thần sử thi của họ với hình thức cao nhất của nghệ thuật là ca kịch. Và trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện dự án diễn Khát vọng Dam Săn tại sân khấu thực cảnh để Đắk Lắk có thêm sản phẩm văn hóa độc đáo giữ chân du khách.

* Những khó khăn và thuận lợi khi chị và ê-kíp thực hiện dự án này?

- Có thể nói rằng thuận lợi lớn nhất của ê-kíp chúng tôi là ngày từ ngày đầu tiên cho tới sau này, chúng tôi luôn nhận được sự đồng tình và ủng hộ, đón nhận của tỉnh Đắk Lắk. Từ lãnh đạo tỉnh tới Sở Văn hóa, đoàn ca múa, và các nghệ sĩ người Ê đê, luôn đồng hành cùng chúng tôi.

Với riêng tôi, Khát vọng Dam Săn chưa bao giờ cho tôi thấy những khó khăn hiện hữu, có lẽ vì tôi đã sống với khát vọng của chính tác phẩm của mình. Sự yêu mến của bà con nơi đây, khí hậu thiên nhiên luôn cho tôi cảm giác gần gũi, được chấp thuận, được chở che, trân trọng cho mỗi nhọc nhằn, cũng như hạnh phúc.

* Sau "Khát vọng Dam Săn", chị còn dự án nào nữa?

- Tôi cùng nhạc sĩ Nguyễn Cường đã và đang hoàn thành vở ca kịch về người anh hùng Hoàng Hoa Thám. Và một tác phẩm về Phật hoàng Trần Nhân Tông, với bối cảnh từ Thăng Long cho tới khi ngài lập lên thiền phái Trúc Lâm riêng có của Việt Nam và tới khi ngài hóa Phật.

Đây cũng là một tâm huyết của chúng tôi dành cho những ai yêu mến văn hóa dân gian, đặc biệt là dân ca và chèo, yêu và tự hào về Thăng Long với hào khí Đông A.

* Cảm ơn nhà biên kịch Hồng Hoa!

Đề án ca kịch Khát vọng Dam Săn được UBND tỉnh Đắk Lắk phê duyệt ngày 14/4/2021 (Quyết định 843/QĐ-UBND). Đề án ra đời nhằm xây dựng một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, phục dựng, bảo tồn và trình diễn lịch sử văn hóa dân tộc Ê Đê ở Tây Nguyên qua những làn điệu, vũ điệu được sử dụng trong tác phẩm; tạo dựng sân khấu âm nhạc độc đáo bán thực cảnh dành cho lễ hội thường niên của đồng bào Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng, tạo nên một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc chỉ có ở Đắk Lắk, được biểu diễn thường kỳ.

Ca kịch Khát vọng Dam Săn gồm 5 chương: chương 1: Dam Săn và H'Nhi; chương 2: Xử tội Mtao Msei; chương 3: Buôn sang trông cậy; chương 4: Nơi miền sáng; chương 5: Mặt trời lên trên cao nguyên bao la.

Vào lúc 19h30 ngày 12/4, tại khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu, trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (Hà Nội) sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Tiếng gọi Cao nguyên” do Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk thực hiện . Trong chương trình, các nghệ sĩ sẽ mang đến những tiết mục diễn tấu cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, các ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh Đắk Lắk tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2025.

Huy Thông (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm