30/06/2014 14:00 GMT+7 | Trong nước
(Thethaovanhoa.vn) - Hiện tượng Trái Đất nóng lên có thể khiến cho loài chim cánh cụt hoàng đế suy giảm số lượng cá thể nghiêm trọng, thậm chí đối mặt với nguy cơ "gần như tuyệt chủng" vào năm 2100. Đây là dự báo mà các nhà khoa học vừa đưa ra trong một nghiên cứu công bố trên tạp chí chuyên về biến đổi khí hậu Nature Climate Change.
Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) cho thấy, số lượng cá thể trong các quần thể chim cánh cụt hoàng đế sẽ suy giảm ít nhất 19% vào năm 2100. Khoảng 2/3 trong tổng số 45 quần thể chim cánh cụt hoàng đế hiện tại, có nguy cơ suy giảm hơn 50% số lượng cá thể và khoảng 1/5 số lượng quần thể đối mặt với nguy cơ "gần như tuyệt chủng".
Nguyên nhân là do hiện tượng ấm lên toàn cầu khiến cho diện tích băng ở Nam Cực suy giảm. Băng tan sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sinh sản và nuôi con của chim cánh cụt hoàng đế do các hoạt động này của chúng chủ yếu diễn ra ở băng trên mặt biển. Hơn nữa, băng tan cũng ảnh hưởng đến các loài cá và nhuyễn thể - vốn là thức ăn chính của chim cánh cụt hoàng đế.
Tuy nhiên, mức độ suy giảm cá thể ở các quần thể chim cánh cụt hoàng đế khác nhau. Các quần thể chim cánh cụt sống ở các khu vực từ phía Đông biển Wedell đến phía Tây Ấn Độ Dương có nguy cơ suy giảm mạnh nhất, trong khi các quần thể sống tại biển Ross sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn.
Các nhà khoa học kêu gọi đưa chim cánh cụt hoàng đế vào danh mục "đang nguy cấp" (đang bị đe dọa tuyệt chủng) trong Sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN); đồng thời, đề xuất thành lập một khu bảo tồn sinh vật biển ở biển Ross và ngoài khơi phía Đông của Nam Cực, hạn chế các hoạt động du lịch và đánh bắt cá ở khu vực này nhằm bảo tồn môi trường sống của chim cánh cụt hoàng đế. Các nhà khoa học khẳng định, đây là giải pháp tốt nhất để bảo vệ các loài chim cánh cụt nói chung và chim cánh cụt hoàng đế nói riêng.
Hiện có khoảng 600.000 cá thể chim cánh cụt hoàng đế sống ở Nam Cực. Chúng là loài chim lớn nhất và nặng nhất trong số tất cả những loài chim cánh cụt sống và đặc hữu ở Nam Cực.
TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất