19/05/2023 08:35 GMT+7 | SEA Games 32
SEA Games 32 là một kỳ đại hội thành công của đoàn Thể thao Việt Nam với thành tích nhất toàn đoàn, dù không phải trên sân nhà. Nhưng ASIAD 19 sẽ là một thách thức lớn hơn nhiều.
1. Với 136 HCV, đoàn TTVN đã giành ngôi số một cực thuyết phục khi hơn đoàn thứ hai Thái Lan đến 28 HCV, và bỏ cách đoàn thứ 13 đến… 49 HCV. Quan trọng hơn, đây là lần đầu tiên chúng ta nhất toàn đoàn ở kỳ Đại hội không phải diễn ra trên sân nhà.
Tất nhiên, vẫn phải thừa nhận rằng các VĐV Việt Nam đã nhận được không ít lợi thế nhờ nước chủ nhà Campuchia khi một số môn thế mạnh của Thái Lan bị loại bỏ và họ tẩy chay Kun Khmer, Bên cạnh đó, các môn thể thao thế mạnh của chúng ta như lặn (14 HCV), vật (13 HCV), và vovinam (7 HCV) được đưa vào chương trình thi đấu. Cả cờ ốc – tuy nghe có vẻ mới lạ - nhưng các VĐV cờ vua của Việt Nam lại thích nghi rất nhanh.
Nếu tính riêng một bảng tổng sắp huy chương cho các môn và nội dung sẽ thi đấu ở Olympic Paris 2024 thì Việt Nam vẫn dẫn đầu với 48 HCV, bỏ khá xa hai đoàn phía sau là Thái Lan (38 HCV) và Singapore (36). Song các môn trọng điểm như điền kinh và bơi lội thì không đạt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, điền kinh chỉ giành 12 HCV, kém 10 HCV so với SEA Games 31, và đứng thứ 2 sau Thái Lan (16 HCV). Ngoài ra, trong số 12 HCV thì chỉ có đúng 1 HCV ở là thuộc về điền kinh nam, còn lại là 10 tấm HCV nữ và 1 tấm HCV hỗn hợp.
Sau khi Ánh Viên giải nghệ, bơi Việt Nam đang có một khoảng trống lớn. Việc chỉ giành 7 HCV, kém 3 HCV so với SEA Games 31, và kém xa so với Singapore (22 HCV) là minh chứng. Lý Hoàng Nam (quần vợt) và Nguyễn Thị Tâm (boxing) không giành HCV cũng là những kết quả gây thất vọng tại Phnom Penh
2. Ngôi nhất toàn toàn SEA Games 32 là một cú hích lớn về tinh thần, nhưng không phải bảo chứng cho thành công ở ASIAD 19. Đơn giản vì đó là một sân chơi lớn hơn, cần những mốc thành tích cao hơn thì mới có thể cạnh tranh huy chương.
Chính vì thế việc đoàn TTVN có rất ít kỷ lục ở các môn thể thao Olympic cũng là một vấn đề lớn. Những chỉ số của các VĐV chúng ta ở SEA Games 32, kể cả trường hợp của Nguyễn Thị Oanh vẫn kém xa thành tích để cạnh tranh huy chương ở đấu trường châu lục, thậm chí đều thấp hơn cả thành tích cá nhân của chính cô. Dĩ nhiên, có nhiều yếu tố khách quan dẫn đến tình trạng của Oanh như thời tiết quá nắng nóng, hay lịch BTC xếp quá dày. Nhưng rõ ràng, để vươn tầm châu lục thì VĐV sẽ phải nỗ lực hơn 100% để có thể vượt qua ngưỡng của bản thân mình.
Tại ASIAD 2018, U23 Việt Nam với thế hệ vừa về nhì ở Thường Châu tiếp tục gây ấn tượng khi lọt vào đến tận vòng bán kết (thua U23 Hàn Quốc, đội sau đó vô địch). Nhưng giờ thì rất khó để tái lập thành tích ấy, khi mà thế hệ hiện tại bị đánh giá thấp hơn nhiều so với các đàn anh. Không những thế, VFF cũng chỉ cử đội U20 tham dự ASIAD, còn đội U22 sẽ tập trung chuẩn bị cho vòng loại U23 châu Á 2024. Trong khi đó, bóng đá nữ dù đã lập kỳ tích dự VCK World Cup 2023, nhưng cạnh tranh huy chương ở đấu trường châu lục là chuyện không tưởng khi mà những đối thủ như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Úc vẫn quá tầm so với chúng ta. Sau ánh hào quang ở SEA Games, bây giờ sẽ là thách thức mang tầm châu lục ở ASIAD! Và trong 4 tháng tới, chúng ta sẽ còn rất nhiều việc phải làm.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất