Chi ngàn tỷ, di sản vẫn chưa được bảo tồn như ý

11/07/2013 07:15 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo số liệu được Bộ VH,TT&DL đưa ra, tới hết năm 2013, tổng vốn đầu tư cho các dự án về di sản trong khuôn khổ chương trình Mục tiêu Quốc gia về Văn hóa sẽ lên tới hơn 1.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong 3 năm thực hiện, kể từ 2011, các dự án này vẫn gặp một số hạn chế cơ bản.

Cụ thể, trong 6 dự án lớn của chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTGQ) giai đoạn 2011- 2015, 2 dự án liên quan tới di sản bao gồm chống xuống cấp, tu bổ tôn tạo di tích và sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản phi vật thể. Tới hết năm 2013, số kinh phí được đầu tư bao gồm 855 tỷ đồng để tu bổ tổng thể 104 di tích (đã hoàn thành 70 di tích), 334 tỷ đồng để hỗ trợ chống xuống cấp cho 619 di tích, và 62,5 tỷ đồng để sưu tầm, bảo tồn 230 di sản văn hóa phi vật thể.

1. Trong hội thảo sơ kết 3 năm đầu thực hiện chương trình MTQG vào sáng 10/7 (tại Hà Nội), Bộ VH,TT&DL đánh giá: Ở lĩnh vực tôn tạo di tích, dự án đã đạt kết quả tốt khi tu bổ, tôn tạo kịp thời nhiều di tích quan trọng như Côn Sơn Kiếp Bạc (Hải Dương), khu văn hóa Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), đền Đồng Cổ (Thanh Hóa), thành Hoàng Đế (Bình Định), đình Chu Quyến và khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (đều tại Hà Nội).

Ngược lại, một số hạn chế cũng được chỉ rõ: Nhiều dự án tu bổ bị kéo thời gian ra quá dài như trường hợp cố đô Huế, di tích Lam Kinh (Thanh Hóa)... Hoặc, trong việc kết hợp với các kế hoạch về nâng cấp hạ tầng cơ sở, quy hoạch phát triển giao thông của địa phương, nhiều dự án vẫn  lúng túng, thiếu đồng bộ, dẫn tới tình trạng chưa phát huy được giá trị phát triển du lịch sau khi trùng tu.


Người dân Phố cổ Đồng Văn (Hà Giang) lên tiếng đòi trả lại danh hiệu vì mòn mỏi chờ được cải tạo nhà xuống cấp

Đặc biệt, với việc chưa thu hút được nhiều nguồn vốn xã hội hóa, cũng như nguồn vốn từ địa phương vào dự án, việc triển khai bảo tồn các di tích quan trọng phần nào còn  thiếu đồng đều.

Điển hình, theo ông  Hoàng Văn Kiên, Giám đốc Sở VH,TT&DL Hà Giang, khoản ngân sách 21,1 tỷ đồng từ chương trình MTQG mà Hà Giang nhận được trong ba năm gần đây là quá ít so với nhu cầu bảo tồn những di tích tại tỉnh. Chẳng hạn, tại phố cổ Đồng Văn, dự kiến vào cuối năm 2013, tỉnh Hà Giang mới có thể thu xếp huy động ba tỷ đồng để trùng tu khẩn cấp 10 căn nhà cổ đang xuống cấp nghiêm trọng - cho dù số liệu cho thấy có ít nhất 18 ngôi nhà cổ trên 100 tuổi đang ở vào diện này.

"Hiện đã có khoảng 10 hộ dân bức xúc đòi trả lại danh hiệu Di tích Quốc gia" - ông Sùng Đại Hùng, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn cho biết - “Bà con đòi trả lại, chúng tôi chỉ còn cách vận động. Nhưng chờ vài năm nay, huyện vẫn chưa nhận được đồng ngân sách nào, bà con bức xúc bảo lãnh đạo huyện nói dối". Theo lời ông Hùng, các hộ gia đình tại di tích được công nhận vào năm 2009 này cũng ở vào trường hợp tương tự như Đường Lâm: nhà cửa xuống cấp, nhưng lại không được phép xây dựng, cải tạo…

2. Tương tự, ở lĩnh vực di sản phi vật thể (DSPVT), báo cáo tổng kết nhắc tới việc lập hồ sơ và trình UNESCO công nhận 2 di sản cấp thế giới trong thời gian qua (Hát xoan và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương) và việc sưu tầm tư liệu về hàng trăm di sản khác, bao gồm văn bản truyền khẩu, ảnh, video tư liệu...

Tuy nhiên, theo phân tích, khá nhiều dự án chủ yếu mới dừng lại ở việc sưu tầm, lưu giữ mà chưa phát triển sang giai đoạn nghiên cứu, phục dựng bởi thiếu tư liệu chuyên môn. Đó cũng là lý do một số di sản văn hóa của các dân tộc ít người vẫn chưa được sưu tầm một cách đầy đủ và hệ thống.

"Có những vấn đề cấp thiết mà chúng ta chưa thực hiện được" - PTS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật VN (đơn vị thực hiện dự án), nhận xét - "Chẳng hạn, nghị định về xét duyệt và chế độ với nghệ nhân dân gian hiện vẫn chưa được công bố - trong khi họ chính là những người đang nắm giữ di sản văn hóa phi vật thể và có khả năng trao truyền cho thế hệ sau".

Ông Bền cũng nhắc tới việc chậm trễ trong quá trình thực hiện các cam kết về chương trình hành động quốc gia bảo vệ năm di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh, cũng như khả năng trên lý thuyết về việc UNESCO có thể thu hồi lại danh hiệu đã công nhận cho các di sản này nếu có sự thiếu hợp lý trong bảo tồn...

Đầu tư một khoản tiền rất lớn, chương trình MTQG về văn hóa có thể đạt những kết quả cao hơn, nếu có sự phân bổ, điều chỉnh hợp lý về chính sách đầu tư. Và, ở một góc độ khác, nếu có cơ chế hợp lý để tận dụng nguồn lực xã hội hóa, hẳn chương trình này cũng sẽ không rơi vào cảnh phải loay hoay "cõng" cả gánh nặng di sản trên lưng - trong khi một số ít địa phương lại dễ hình thành tâm lý ỉ lại...

Chương trình MTQG về Văn hóa được đầu tư trong 5 năm 2011- 2015 với tổng kinh phí 7.399 tỷ đồng, trong đó 3.231 tỷ đồng rót từ ngân sách trung ương (số còn lại dự kiến lấy từ ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác).

6 dự án chính được đầu tư trong chương trình bao gồm: chống xuống cấp, tu bổ và tôn tạo di tích; điều tra sưu tầm và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; tăng cường đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thể thao các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo; hỗ trợ phát triển khu vui chơi giải trí cho trẻ em khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa biên giới và hải đảo; đầu tư phát triển các hệ thống nghệ thuật truyền thống; tăng cường năng lực cán bộ cơ sở.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm