Tuần di sản

30/06/2013 07:16 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Tới phiên họp thường niên lần thứ 37 của Ủy ban di sản thế giới diễn ra cuối tuần qua tại Phnom Penh, Campuchia, ngọn núi nổi tiếng bậc nhất của Nhật Bản, núi Phú Sĩ, mới được công nhận là Di sản thế giới. Trong khi ở Quảng Nam tuần qua, Lễ hội hành trình di sản lần thứ năm đã khai mạc, thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế.

Cùng với núi Phú Sĩ, 18 trong tổng số 34 di tích đề cử lần này đã được tổ chức Unesco công nhận Di sản thế giới. Nổi bật trong số các Di sản thế giới mới được công nhận, ngoài núi Phú Sĩ (Nhật Bản) là biển cát Namib (Namibia) và cổ trấn Kaesong (Bắc Triều Tiên). Việt Nam không có di tích nào được Unesco xét duyệt trong lần này. (Hình 1)

(Hình 1)

Lễ hội di sản duy nhất được tổ chức ở Việt Nam hiện nay, Festival di sản Quảng Nam 2013 khai mạc cuối tuần qua (Hình 2). Lần thứ năm tổ chức, lễ hội năm nay quy tụ gần 500 thí sinh dự thi hợp xướng quốc tế, hàng trăm diễn viên đến từ các nước ASEAN, sự tham gia của các địa phương có di sản được UNESCO công nhận, những địa phương đang lập hồ sơ trình công nhận di sản, hàng trăm hãng lữ hành trong nước và quốc tế (Hình 3). Điểm nhấn của lễ hội năm nay là triển lãm Không gian di sản văn hóa Việt Nam ASEAN, Hội thi Hợp xướng quốc tế lần thứ III và Chung kết cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam 2013. Hoạt động tái hiện đêm phố cổ Hội An đầu thế kỷ XX, cuộc trưng bày cổ vật văn hóa Đông Sơn – Sa Huỳnh – Óc Eo quy tụ hơn 1.000 cổ vật từ đồng gốm, đồng, trang sức, công cụ lao động, đồ tùy táng… xuất xứ từ nhiều vùng có niên đại hàng nghìn năm cũng là những sự kiện thu hút du khách. Cũng trong dịp này, tháp G thuộc khu di tích Mỹ Sơn mở cửa cho công chúng tham quan sau hơn 10 năm trùng tu và tôn tạo (Hình 4).  Không chỉ hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế với những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất di sản, đây cũng là một trong số ít lễ hội tổ chức thành công theo phương thức xã hội hóa, huy động sự tham gia của cộng đồng người dân, doanh nghiệp, du khách… Tổng số kinh phí tài trợ mà Festival di sản Quảng Nam 2013 huy động được lên tới 34.5 tỷ đồng.


Hình 2

Hình 3

Hình 4

Giữa lúc Festival di sản Quảng Nam đang nhộn nhịp thì xuất hiện tin tức thành cổ Luy Lâu với lịch sử tồn tại hơn 2.000 năm đang bị xâm hại tới mức báo động. Mới đây, Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Ninh đã gửi công văn tới UBND tỉnh này đề nghị có quy hoạch tổng thể để khẩn cấp giải cứu thành cổ từng là trung tâm Phật giáo đầu tiên của Việt Nam. Một số thửa đất với diện tích khoảng 40.000 m2 trong khu vực thành cổ đã được UBND xã Thanh Khương giao ổn định cho các hộ canh tác và còn đặt mộ táng, xây cất hơn 100 mộ phần trong khu vực nội tự thành cổ. Ngay lối vào thành cổ, chợ mọc lên và kéo theo rác rến ngập ngụa. Theo lãnh đạo phòng văn hóa tỉnh, cần tới hàng trăm tỷ đồng để bảo tồn di tích này.

Nói tới di tích là xâm phạm, nói tới thi thố thường…lắm chuyện lùm xùm. Tuần này, chuyện lùm xùm nổ ra tại cuộc thi thơ Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 5, năm 2012 vừa bị dư luận phát hiện bất bình thường ở 11 bài thơ lọt chung khảo. Có tới 6 bài không đáp ứng được cuộc thi do lạc đề và diễn đạt lủng củng. Không chỉ thế, những nghi án đạo thơ cũng được đặt ra với hàng loạt dẫn chứng. Có lẽ vì vậy mà dù phát động từ tháng 4/2012 và kết thúc nhận tác phẩm từ tháng 9/2012 nhưng tới nay, giải thưởng của cuộc thi này vẫn chưa ngã ngũ.

Làng nhiếp ảnh cũng có “chuyện”: 3 tác phẩm được chụp ở một địa phương nhưng lại nhận được giải thưởng, được triển lãm ở 3 địa phương khác nhau. Đó là trường hợp tác phẩm Chế biến kẹo mè của nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Kim Tuấn ở Phú Yên từng được giải nhì cuộc thi Phú Yên – Đất nước – Con người 2012; tác phẩm Thác vàng của Lê Minh Thế ở Quảng Ngãi được chọn trưng bày tại LH ảnh Nghệ thuật khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên 2012 ở Kon Tum và bức Công đoạn cuối của Văn Báu ở Nghệ An, được trưng bày triển lãm tại LH Ảnh nghệ thuật khu vực Bắc miền Trung 2013 ở Thừa Thiên – Huế. 3 bức ảnh chụp cùng một sự việc, ở cùng một địa điểm với cùng những nhân vật nhưng được 3 tác giả ghi chú rằng chụp ở 3 địa phương khác nhau nhằm tuân thủ quy định “ảnh chỉ được chụp trên địa bàn nơi tổ chức cuộc thi”. Hiện BTC các cuộc thi ảnh này đang xem xét khả năng rút lại giải thưởng . (Hình 5)


(Hình 5)

Tại triển lãm quốc tế Phim và công nghệ truyền hình vừa diễn ra ở Hà Nội, tiền - vấn đề muôn thuở của ngành phim ảnh lại được đặt ra. Chi phí sản xuất phim truyền hình ở Việt Nam thấp nhất trong khu vực, chỉ từ 130 triệu đến 200 triêu/tập phim, trong khi ở nhiều nước khác, mức chi tối thiểu là 15.000 USD và tối đa thì lên tới 2 triệu USD/tập phim! Bạn bè quốc tế có mặt tại hội thảo này cũng bày tỏ bất ngờ khi biết đoàn làm phim của ta thường thiếu nhiều vị trí và một người lại kiêm nhiệm nhiều vị trí khác nhau. Một điều khác cũng khiến họ bất ngờ là phim của ta vẫn còn lồng tiếng, trong khi nước bạn không chênh ta mấy về kinh tế, sự phát triển là Malaysia thì đã bỏ lồng tiếng phim từ 12 năm nay.

Một chỉ thị rất liên quan đến hình ảnh đất nước vừa được Cục Hàng không Việt Nam ký và yêu cầu thực hiện: Các doanh nghiệp kinh doanh tại các cảng hàng không trên cả nước phải tuân thủ quy định về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và niêm yết giá công khai theo quy định. Các Cảng vụ hàng không ở 3 miền phải tăng cường rà soát, kiểm tra, khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phi hàng không trên địa bàn cảng hàng không sân bay thực hiện nghiêm túc chỉ thị này. Như vậy, tình trạng “mỳ chém, phở chặt” ở sân bay sẽ được kiểm soát. Trước đó, báo chí đưa tin đồ ăn ở sân bay Cam Ranh có giá vào hàng đắt nhất thế giới và nạn chặt chém diễn ra ở nhiều sân bay và giá được quy định vô tội vạ bởi các chủ doanh nghiệp.

Bàn phím
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm