'Chef' - phim hiếm hoi không nói xấu mạng xã hội

11/05/2014 02:23 GMT+7 | Phim

(Thethaovanhoa.vn) - Mạng xã hội trong phim Hollywood thường được mô tả như “ác quỷ”, làm con người cô độc, vô cảm và tách rời nhau ra. Nhưng Chef, một phim hài độc lập quy tụ một dàn sao lớn, đã có cách nhìn khác.

Tờ The Atlantic cho biết bộ phim của đạo diễn Jon Favreau (kiêm diễn viên chính) đã đưa ra cái nhìn tích cực và lạc quan hơn về mạng xã hội Twitter. Phim vừa khiến khán giả ngạc nhiên vừa làm họ tin tưởng hơn ở tương lai của con người, thứ chắc chắn sẽ gắn chặt với công nghệ và các mạng xã hội. Diễn xuất bên cạnh đạo diễn trong bộ phim là dàn sao “lấp lánh” gồm Sofía Vergara, Scarlett Johansson, Dustin Hoffman và Robert Downey, Jr. Phim vừa ra mắt hôm 9/5 tại Mỹ.

Đề tài quen thuộc mà vẫn khó

Trong những năm gần đây, các nhà làm phim gặp một vấn đề rất thời sự là phản ánh như thế nào về truyền thông số, để vừa chân thực vừa có được sự đồng cảm của khán giả. Khán giả đến rạp để xem diễn viên biểu lộ cảm xúc bằng cơ thể, ánh mắt…. Nhưng trong đời sống thực, con người ngày càng bộc lộ bản thân bằng những cách thoạt nhìn có vẻ vô cảm như nhắn tin, đăng bài lên Twitter, chat video thông qua một màn hình kỹ thuật số nằm gọn trong bàn tay.

Giữa thập niên 90, các phim đầu tiên về Internet như The Net and Hackers sử dụng hình ảnh những chiếc máy tính mà ngày nay trông cổ lỗ đến buồn cười, thậm chí có thể vẽ trực tiếp lên màn hình. Phim You’ve Got Mail nổi tiếng (1998) là tác phẩm đầu tiên đề cập đến sự thay đổi của công nghệ đối với đời sống. Nhưng vì chuyển thể từ một phim cũ năm 1940 The Shop Around the Corner nên trong You’ve Got Mail, thư điện tử chỉ dừng lại ở việc thay thế thư giấy.

Công nghệ ngày càng phổ biến thì càng không dễ phản ánh trong phim ảnh. The Social Network thành công vang dội vài năm trước nhờ tập trung vào cuộc đời nhân vật chính, nhà sáng lập Facebook Mark Zuckerberg, hơn là do mô tả ảnh hưởng của công nghệ đến đời sống. Năm ngoái, phim về khủng bố máy bay Non-Stop có một chi tiết công nghệ ấn tượng: màn hình tin nhắn biến đổi phụ thuộc vào hoàn cảnh, nhòe đi khi nhân vật quay mặt đi và rung lắc dữ dội khi bị nhiễu.

Nhưng có lẽ không có phim nào tiếp cận chủ đề công nghệ độc đáo như Chef của Jon Favreau. Mang tên là Bếp trưởng, phim dễ khiến người ta nhầm tưởng sẽ nói về ẩm thực. Nhân vật chính là Carl Casper, một bếp trưởng cao cấp ở Los Angeles, người sa cơ lỡ vận phải kiếm sống bằng cách mở một nhà hàng lưu động trên xe tải và rong ruổi khắp nơi. Đó là chỉ là câu chuyện bề mặt, còn ở dưới, Chef nói về một người đàn ông có cuộc đời bị hủy hoại và rồi được vực dậy nhờ mạng xã hội.

Mạng xã hội là tấm gương của đời thực

Chef có cách thể hiện độc đáo. Chẳng hạn, các tin nhắn Twitter được hiển thị bằng những dòng chữ xuất hiện trong không khí và sau khi được gửi thì bay vèo đi như những chú chim (ý tưởng của mạng xã hội Twitter là tiếng chim kêu). Không chỉ là phương tiện thể hiện cảm xúc, Twitter trong phim còn là chất xúc tác cho quá trình biến đổi của nhân vật chính.

Bếp trưởng Carl vốn là một người lớn tuổi và xa lạ với công nghệ, hầu như cả đời ông sống “offline” (không nối mạng), không liên quan nhiều đến Internet. Ông có địa chỉ thư điện tử và cũng biết đến trang web YouTube, nhưng không hiểu mạng xã hội hoạt động thế nào và để làm gì.

Sự thiếu hiểu biết này dẫn đến tình tiết hy hữu là Carl vô tình đăng nhầm các tin nhắn Twitter riêng tư mà ông gửi cho một nhà phê bình ẩm thực lên mạng. Đó là những lời chửi rủa tục tĩu vì nhà phê bình kia đã chê bai món ăn của ông. Điều này khiến cả hai cãi vã ầm ĩ tại nhà hàng của Carl. Sau đó cảnh này bị quay phim và tung lên mạng, khiến Carl bị sa thải. Tồi tệ hơn, không nhà hàng nào muốn thuê ông nữa.

Có vẻ như mạng xã hội đã hủy hoại cuộc đời Carl. Nhưng đó chỉ là khởi đầu. Từ bỏ công việc đầy áp lực. Carl mở nhà hàng xe tải và cùng con trai làm một “chuyến lưu diễn” đến các thành phố ẩm thực Mỹ như New Orleans hay Austin. Hành trình của họ được con trai cập nhật bằng cả ngôn ngữ và hình ảnh trên Twitter và Instagram nên ở mỗi điểm đến, họ đều được đông đảo thực khách chào đón.

Riêng tình tiết mạng xã hội trong phim đưa con người “lên voi xuống chó” đã nhận được sự đồng cảm của khán giả, bởi ngày nay hiện tượng đó quá phổ biến. Qua Chef, người ta thấy rằng chính những lúc khủng hoảng cũng giúp con người tiến bộ không ít. Trước vụ bê bối Twitter, Carl rất sợ mất việc. Nhưng sau đó, ông khám phá ra rằng mình có thể tự kinh doanh thành công và tận hưởng cuộc sống tự do hơn.

Nhưng trên hết, Chef mang lại thông điệp đặc biệt, đó là mạng xã hội phụ thuộc vào đời thực chứ không hề tách rời. Nhân vật chính Carl đã phải chịu mọi hậu quả lẫn thành quả qua mạng xã hội, nhưng nguyên nhân nằm ở chính hành động của ông trong cuộc sống.

Điểm đáng chú ý nữa là các ngôi sao lớn đều nhận những vai phụ trong phim. Cụ thể Sofía Vergara vào vai vợ cũ Inez của Carl, Scarlett Johansson vai cô phục vụ bàn Molly, Oliver Platt vai nhà phê bình ẩm thực, Dustin Hoffman vai ông chủ nhà hàng và Robert Downey, Jr. vai một chồng cũ khác của Inez.

Hạ Huyền
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm