Chật vật nghề "trang điểm" cho người đã khuất

04/06/2010 14:42 GMT+7 | Thế giới

Dưới ánh đèn vàng, anh Yên nhặt vội thỏi son, hộp phấn bông lúa, đôi bút kẻ mày, chiếc xi lanh kèm foocmon vào chiếc hộp gỗ cũ kỹ, liếc vội gương mặt tươi tắn nằm trong áo quan, anh thở phào nhẹ nhõm...

Nghề chọn người

Anh Yên đã có gần 10 năm làm việc ở nhà tang lễ T.N, từng chứng kiến rất nhiều “cái chết ai oán.” Ngày nhiều bù cho ngày không có đám nào, tính trung bình, mỗi ngày anh Yên "phục vụ tang lễ” cho năm, sáu đám ma. Công việc chính của đội phục vụ nhà tang lễ là tắm rửa, thay quần áo và trang điểm cho người quá cố, trước khi đưa họ nhập quan.

Anh bộc bạch:  “Làm cái nghề suốt đời phải đối diện với đau thương, mất mát dù có vững vàng đến mấy thì cũng có lúc anh phải nghẹn lòng.”

“Lâu năm thành quen, chứ những ngày đầu mới vào nghề, ám ảnh của công việc khiến việc sinh hoạt của những người trong tổ đảo lộn tất cả. Hình ảnh những tử thi xấu số ám ảnh suốt cả ngày, trong bữa cơm, trong giấc ngủ  thậm chí đến cả lúc vui chơi cùng gia đình…” anh Yên bùi ngùi nói tiếp.

Mới đầu theo học việc, anh Yên chỉ làm những khâu đơn giản là tắm rửa, mặc quần áo cho các thi thể. Thời gian gần đây, khi đã bớt "run tay" và quen dần với hơi lạnh của những người cõi âm, anh mới kiêm thêm dịch vụ trang điểm cho người đã khuất.


Những người làm nghề trang điểm cho xác chết thường phải giấu nghề

Anh kể: "Trước khi trang điểm, phải tiêm foocmon vào vùng mặt tử thi để da dẻ hồng hào hơn. Với những thi thể là đàn ông thì chỉ 'đánh' nhẹ nhàng để nhìn họ như đang ngủ, còn với đàn bà thì phải trang điểm đậm hơn..."

Theo anh Yên, khó trang điểm nhất là những người bị tai nạn giao thông vì có thể khuôn mặt của họ bị chấn thương, hoặc sây sát. Những người bị bệnh xơ gan cổ chướng cũng là những ca khó vì họ hay bị phù thũng hoặc màu da bị biến sắc rất nhiều.

Làm nghề trang điểm cho người chết sợ nhất là phục hồi cho những thi thể bị chết trôi hoặc chết cháy. Với những người chết trôi, vì bị ngâm dưới nước lâu ngày, người đã bị trương phồng như quả bóng, chỉ cần chạm nhẹ đã rữa ra, vì thế trước khi trang điểm cần phải trích rồi hút hết nước và hơi trong người.

Còn với người chết cháy, toàn thân người chết đã bị biến dạng, chân tay co quắp, da thì cháy đen, khét lẹt. Với những trường hợp này thì phải dùng “chuyên môn” làm cho chân tay người chết duỗi được thẳng, rồi mặc áo quần. Sau đó, trang điểm cho khuôn mặt người chết đến khi giống như họ đang ngủ mới "đạt tiêu chuẩn."

Việc trang điểm để người chết được coi là đẹp thì trông họ phải thật phúc hậu và giống như khi còn sống. Làm được như vậy cũng giúp cho thân nhân của người chết phần nào vơi đi nỗi đau.

Anh Yên tâm sự: “Lúc đầu làm thì cảm thấy rất ghê tay nhưng lâu dần thành quen, bây giờ mình không chỉ làm vì nhiệm vụ nữa mà còn để lấy phúc cho con cháu.”

“Không biết chia sẻ cùng ai…”

Tuy đã có xấp xỉ một thập kỷ làm nghề nhưng chỉ hơn một năm nay gia đình mới biết anh Yên làm nghề này. Vì “dạo trước mình giấu gia đình không cho biết làm ở nhà tang lễ. Nhưng thời gian gần đây thì đành phải nói ra nhưng cũng may vợ và con mình đều thông cảm…”

Những năm mới đi làm, sau khi hoàn thành công việc ở nhà tang lễ xong không bao giờ anh Yên đi về nhà ngay bởi lẽ “sợ mang hơi lạnh chết chóc về nhà nên có khi mình đi chạy xe ôm hết cả đêm đến gần sáng mới về. Hoặc la cà đi đâu đó cho bay hết mùi tang tóc…”

Phải lao động trong môi trường rất "đặc biệt" như vậy nhưng thu nhập của những người làm nghề make-up cho xác chết cũng không đáng là bao. "Tiền công là do nhà tang lễ trả theo tháng, người làm lâu năm thì còn được vài triệu, những người mới làm cũng chỉ nhàng nhàng đủ ăn. Thi thoảng cũng được các gia quyến bồi dưỡng thêm nhưng chỉ là tiền nước thuốc cho anh em trong đội..." anh Quang làm việc tại nhà tang lễ P.H phân trần.

Không chỉ vậy, những nguy hiểm trong qua trình làm việc luôn rình rập đối với những người làm nghề "make-up" cho người chết. "Cách đây hai năm, mình có nhận trang điểm cho một thanh niên bị tai nạn giao thông, trong quá trình khâu lại các vết rách trên mặt không may làm kim khâu đâm vào tay. Ngay sau đó mình phải đi thử máu, đợi chờ ba tháng ròng không  cả dám ăn uống cùng mâm với gia đình... Cũng may khi về sau nhận được kết quả âm tính," một người trong đội anh Quang kể lại.

Tuy vậy, anh Yên, anh Quang còn hạnh phúc hơn rất nhiều người làm ở nhà tang lễ vì đã được gia đình thông cảm và sẻ chia. Ở nhà tang lễ T.N hay ở những nơi khác có rất nhiều người làm nghề “phục hồi sắc đẹp cho người thượng cổ” phải coi công việc của mình như một bí mật không thể tiết lộ...

Anh Khoa cũng đã có hơn chục năm gắn bó với nghề "make-up đặc biệt", đang làm việc cùng đội của anh Quang tâm sự: “Nếu như còn làm công việc này thì đến chết cũng phải giấu nghề."

Rồi anh kể về kỷ niệm buồn đối với anh “Mấy năm trước kia, khi vẫn chưa có bếp ăn tập thể, anh em phải ra ngoài ăn cơm bụi. Không ít lần vào quán cơm, bị người bên cạnh phát hiện ra làm việc ở nhà tang lễ, thế là khách cứ lặng lẽ bỏ cơm mà đi, nhất định không dám ngồi cùng.”

Hay cũng có lúc đi chơi với bạn bè, đang vui vẻ, gặp người biết mình làm ở nhà tang lễ, họ bảo “chào anh Khoa làm ở nhà tang lễ”. Lúc đó, mặc cảm nghề nghiệp và xấu hổ đến nỗi chỉ muốn “độn thổ” để tránh đi những nụ cười đầy mỉa mai của những người xung quanh.

Chính vì những người sự mặc cảm với nghề nghiệp này mà không nhiều người làm việc tại các nhà tang lễ dám công khai công việc của mình thậm chí “chỉ sợ đứa con trai mình biết được nó bỏ ra ở riêng thì buồn lắm.” một người trong đội anh Yên bày tỏ.


Theo Vietnam+

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm