Charlie Nguyễn: Không hứng thú với phim Tết!

21/02/2011 07:25 GMT+7 | Phim

(TT&VH Cuối tuần) - Từ Mỹ trở về Việt Nam với giấc mơ được làm phim từ Nỗi buồn chiến tranh, tâm đắc từng cảnh trong truyện dài Cánh đồng bất tận, ấp ủ cho riêng mình kịch bản viết trong 3 năm về trẻ em bụi đời… nhưng mối duyên của Charlie Nguyễn với những tác phẩm này đều hoặc muộn màng hoặc dang dở. Ngược lại, là dòng phim giải trí: sau Dòng máu anh hùng, Để Mai tính, Charlie vừa bắt tay với dự án mới, Long ruồi.

* Khi chấp nhận làm phim giải trí, anh nghĩ thế nào về sự nghiệp của mình?

- Từ trước giờ tôi vẫn nghĩ làm phim là làm gì đó cho mình chứ không phải cho mọi người. Nhưng tôi chưa được những cơ hội như vậy. Mọi chuyện phụ thuộc vào duyên, nếu duyên chưa đến mà ép buộc thì chẳng những làm khổ chính mình mà còn làm khổ những người chung quanh nữa.

* Tiêu chí để anh phân biệt phim giải trí và phim nghệ thuật là gì?

- Cũng đơn giản thôi. Phim nghệ thuật gần như là những cảm xúc rất riêng tư của cá nhân người biên kịch hay đạo diễn. Họ muốn truyền tải vào tác phẩm, bất kể người xem là ai, bao nhiêu người, bất kể cả những yếu tố công thức, doanh thu… Còn phim giải trí thì đạo diễn và biên kịch phải luôn đặt mình trong điều kiện thu hút khán giả, kinh phí, doanh thu. Nói nôm na, là khi làm phim giải trí thì đạo diễn bớt cực đoan, “cứng đầu” đi.

* Làm phim giải trí là sản phẩm của tập thể và mang tính thương mại chứ hoàn toàn không mang dấu ấn cá nhân của đạo diễn. Anh có cho rằng điều này đi ngược lại với con người sáng tạo không?

- Đúng. Vì đã có những cái khuôn hoàn hảo cho mỗi thể loại của phim giải trí. Tuy nhiên, không đến nỗi trắng đen như thế. Cứ thử xét đến bộ phim giải trí đầu tiên của điện ảnh, khi chưa có cái “khuôn”, thì sẽ gọi nó là giải trí hay nghệ thuật, có phải nó là phim mang dấu ấn cá nhân của một đạo diễn nào đó không?

Nói là công thức, nhưng khi làm Để Mai tính, tôi vẫn muốn làm một cái gì đó khác với mô-típ “happy ending” theo kiểu phim giải trí kiểu tình cảm - lãng mạn - hài hước thông trường. Có lẽ cái kết vượt qua bao nhiêu gian khổ, cuối cùng hai người vẫn không đến được với nhau là chút gì đó “của tôi” trong bộ phim này, để đem đến cho khán giả chút bất ngờ.

“Với phim giải trí, đề tài tôi làm không hẳn là hoài bão, là cái tôi muốn sống chết với nó. Sự chuyên nghiệp ở chỗ mình phải tìm trong đề tài đó cái gì đó gần với mình, để có thể làm tốt nhất” - Charlie Nguyễn.

Với trường hợp của Dòng máu anh hùng trước đây thì ngược lại. Kịch bản đầu tiên chỉ đơn giản là đường dây hành động, mang tính giải trí rất rõ ràng. Khi làm, tôi quyết định tự làm lại về mặt câu chuyện, cảm xúc, những khoảnh khắc lắng đọng, diễn tả nội tâm... Tôi rất thích, nhưng cuối cùng, trong phòng dựng, phải chấp nhận bỏ những cảnh đó. Chính xác không phải tôi bỏ mà chính tính thể loại của phim đã đẩy những cảnh này ra, vì chúng không có vị trí trong phim. Tôi luôn luôn nhớ nguyên tắc làm phim thì phải triệt để tuân theo tính thể loại.

* Anh nghĩ gì về mong muốn “vừa làm phim nghệ thuật vừa bán vé được”?

- Tôi vẫn không tin. Đây không phải là kết luận thiếu căn cứ. Ngay bên Mỹ, thời tôi học đại học, quận Cam có khoảng 50 phòng chiếu phim - trong đó có 4-5 dùng chiếu phim nghệ thuật, còn lại là phòng chiếu phim giải trí. Nhưng bây giờ, cả khu chỉ còn một rạp chiếu phim nghệ thuật, vì họ không đủ tiền để thuê chỗ, nhân viên… trong khi khán giả đến xem ngày càng ít đi.

Có một lần, tôi đi vào rạp chiếu phim nghệ thuật, người quản lý rạp bước ra và có lời kêu gọi, nếu quý vị còn yêu thích phim nghệ thuật thì xin mời bước ra ngoài mua bắp rang và nước uống. Lý do chỉ vì “một vé mà quý vị mua không để đủ để nuôi rạp phim này”. Đến bây giờ thì rạp chiếu phim nghệ thuật đó đã được dời vào một trường học, ở một nơi rất xa trung tâm. Ở Mỹ, tại thành phố đông dân thì phòng phim nghệ thuật còn được duy trì, còn ở những thành phố thưa dân thì gần như lụi tàn hẳn.

Ở Việt Nam tôi thấy còn tệ hơn vì chẳng thấy rạp nào dành cho phim nghệ thuật cả.

Charlie Nguyễn (giữa) trong buổi ra mắt đoàn làm phim Long Ruồi. Ảnh: Gia Tiến

* Thị trường phim giải trí Việt Nam đang còn đồng nghĩa phim giải trí với phim Tết. Bỏ qua yếu tố về mặt doanh thu, theo anh, phim Tết hiện nay có đáp ứng được tiêu chí của giải trí?

- Tôi hoàn toàn không có hứng thú với phim Tết. Tôi có cảm giác là người ta xem phim Tết vì Tết chứ không phải vì phim. Nếu làm phim, trình chiếu vào dịp Tết và người ta đi xem, tôi cũng không biết có sướng không nữa?

Đầu tiên, nhìn đi nhìn lại tôi toàn thấy phim Tết là phim hài, trong khi giải trí không có nghĩa chỉ là hài. Bản thân phim hài cũng có nhiều cấp bậc. Đa số phim Tết đang làm theo cách là cố tình gắn hài vào để kiếm tiếng cười khán giả chứ hài không xuất phát từ tính cách nhân vật và chính nội dung của bộ phim.

Thứ nữa, có vẻ vì tâm lý làm cho Tết nên người làm phim cũng có phần dễ dãi. Tôi nghĩ vấn đề cũng nằm ở nhà sản xuất, họ không cho đạo diễn cơ hội để làm phim mà chỉ cho điều kiện để làm phim Tết. Thành công về doanh thu không phản ánh đúng chất lượng. Chỉ khi phim làm ra, không trình chiếu vào dịp Tết, mà vẫn bán được vé và đạt doanh thu thì mới có thể nói là phim ăn khách – theo đúng tiêu chí của phim giải trí được.

* Phim của anh hoàn toàn không được trình chiếu vào Tết. Đó có phải là điều kiện của anh với nhà sản xuất những phim giải trí mà anh đã cộng tác? Anh có điều kiện nào nữa không khi chấp nhận làm phim giải trí?

Long Ruồi là bộ phim thứ ba do Charlie Nguyễn đạo diễn tại Việt Nam. Phim sẽ bấm máy vào cuối tháng Hai này để ra mắt khán giả vào dịp 2/9 tới. Phim do hãng phim Thiên Ngân phối hợp cùng BHD và Early Riser sản xuất, thể loại hành động, hài hước, lấy đề tài về thế giới xã hội đen. Trong phim này Thái Hòa sẽ vào vai kép với hai tính cách trái ngược: Tèo-một chàng trai quê mùa và Long Ruồi, một đại ca xã hội đen.

- Đúng là từ góc độ đạo diễn, tôi không thích phim của mình chiếu vào dịp Tết. Còn từ góc độ nhà sản xuất, mong muốn phim của mình chiếu Tết cũng là chính đáng thôi.

Còn điều kiện của tôi với nhà sản xuất trước khi làm một phim giải trí thì rất nhiều. Tiên quyết là tôi được chọn diễn viên, quay phim, người làm nhạc, trợ lý đạo diễn, người dựng phim, âm nhạc, chỉnh màu, không có sự can thiệp của nhà sản xuất trên trường quay, kiểm soát những yếu tố liên quan đến kịch bản, bản dựng cuối cùng... Tất nhiên, trong những điều kiện như vậy, nhưng không quá căng cơ, mà làm việc trên tinh thần vì một bộ phim tốt.

Trong một chừng mực nào đó tôi nghĩ mình cũng có sự bảo thủ và cực đoan nhất định. Một khi tôi đã tin tưởng vào điều gì đó rồi thì tôi sẽ ra sức thuyết phục, không tại chỗ thì 10-20 ngày sau.

Nếu không làm theo ý của mình, khi phim không đạt chất lượng tôi sẽ hối hận vì không bảo vệ ý kiến ban đầu. Còn nếu phim hay thì tôi nghĩ tôi cũng không vui vì đó không phải là thành công của mình. Trong trường hợp này, đạo diễn cũng cần có kỹ năng thuyết phục.

* Anh không chọn ngôi sao vào phim của mình để đảm bảo doanh thu cho nhà sản xuất. Anh đã thuyết phục họ thế nào?

- Có nhiều lần nhà sản xuất cũng nói với tôi điều này, họ đưa ra rất nhiều ngôi sao, tôi cũng đồng ý đưa vào casting, nhưng không thấy ai hợp vai hơn những người mà tôi đã chọn. Như đã nói, cuối cùng vẫn là “vì một phim hay”.

* Thái Hòa trong Long Ruồi có phải vì sự an toàn, sau thành công của Hội trong Để Mai tính?

- Không hẳn. Chúng tôi có định thực hiện phim tiếp theo, Để Hội tính, trong trường hợp này thì có thể nói lựa chọn Thái Hòa là an toàn. Nhưng trong Long Ruồi, tôi chọn Thái Hòa vì sự tò mò. Tôi nghĩ rằng mình sẽ đi tìm được rất nhiều nhân vật khác nhau trong khả năng diễn xuất của anh ta.

Đỗ Duy (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm