27/06/2022 07:47 GMT+7
Cuối tuần trước, lễ khai mạc Ngày hội gia đình Việt Nam 2022 đã diễn ra tại Trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Đây là sự kiện thiết thực chào mừng Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
“Gia đình bình an, xã hội hạnh phúc” là chủ đề của tháng hành động quốc gia phòng chống bạo lực gia đình năm nay, đó cũng là những tiêu chí nhiều người mong muốn tạo dựng và duy trì cho chính gia đình mình. Thông thường, bình an được hiểu là không gặp những biến cố trở ngại cho đời sống, không bệnh tật, không tai nạn. Trong đời thường, chúng ta vẫn thường hay chúc nhau “thượng lộ bình an”, hoặc là “vạn sự bình an”.
Riêng trong đạo Phật, khái niệm bình an được hiểu sâu sắc hơn, đó là tâm an ổn, trong không bị các phiền não tham lam, ganh ghét, đố kỵ, kiêu mạn, sân hận… chi phối; ngoài không bị các duyên tác động.
Bình an là nền tảng của hạnh phúc, không bình an thì không có hạnh phúc. Vậy thì làm sao để có được sự bình an?
Hãy bắt đầu từ các gia đình, những tế bào xã hội nhỏ nhất. Tôi nhớ thời kỳ bao cấp, một gia đình có nhà cửa khang trang, vợ/chồng có công ăn việc làm ổn định, con cái học hành tốt và ngoan ngoãn, được làm điều mình yêu thích, có chút tài sản hoặc tiền mặt trong ngân hàng, như vậy được coi là có cuộc sống bình an.
Nhưng, thực tế vì sao hiện nay, nhiều gia đình đã có được những điều đó, nhưng họ vẫn không thấy an? Tôi cho rằng, gia đình muốn có được sự bình an thì việc tạo dựng môi trường sống là điều rất quan trọng. Chúng ta có thể tạo ra sự bình an nếu như các thành viên trong nhà cùng nhau chung sức, tạo ra một bầu không khí ấm áp, chan hòa, có sự sẻ chia, gánh vác công việc. Mà những việc này đều bắt đầu từ giai đoạn “Dạy con từ thủa còn thơ”, tức là khi bắt đầu hình thành một gia đình nhỏ là chúng ta đã cùng nhau làm điều này.
Trường học có thể cho con em chúng ta kiến thức vào đời, nhưng giáo dục gia đình rất quan trọng, nhân sinh quan cho bọn trẻ bắt đầu từ trong gia đình, chỉ cho các em các kỹ năng sống để vào đời. Một ví dụ, trong tác phẩm “Bố già” mà tôi rất thích ông trùm Corleone luôn dạy các thành viên trong gia đình không được nói hoặc bàn công việc làm ăn trong bữa cơm, trước mặt con cái.
Trong một số gia đình, khi có chuyện không hay xảy ra, chúng ta thường đổ lỗi cho thời cuộc, cho xã hội. Nhưng cần nhớ rằng, khoảng cách giữa gia đình và xã hội là những cánh cửa. Việc gia đình tiếp nhận hoặc là cho phép cái gì từ xã hội vào trong gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào việc đóng/mở cửa đúng thời điểm.
Ở công ty chúng tôi, trong rất nhiều buổi giao ban, tôi thường chia sẻ với nhân viên rằng trong công việc và cuộc sống hàng ngày, muốn được bình an thì hãy làm ba điều. Thứ nhất là làm thật tốt công việc của mình, tiếp đến là đừng quan tâm quá nhiều đến chuyện của người khác. Và cuối cùng là đừng lo việc của ông trời. Thực hành ba điều này hàng ngày đi xem sự bình an có đến không. Ngoài ra mỗi cá nhân cũng cần phải biết thanh lọc, giảm bớt những nhu cầu cá nhân để bớt đi cái tham, cũng là cách để tập suy nghĩ lại sự khác biệt trong tâm niệm và niềm tin. Hàng ngày biết sử dụng thời gian hợp lý cho các công việc, cố gắng rèn luyện những suy nghĩ tích cực. Hãy rèn luyện thói quen để mọi việc diễn ra thuận theo tự nhiên, đừng để cái tôi mong cầu kiểm soát và xoay chuyển tình thế quá nhiều lên mọi việc. Cuộc sống có cách vận hành riêng, có những việc suy nghĩ nát óc vẫn không đi theo cách cái tôi muốn. Nên suy nghĩ ít và sắc bén còn hơn suy nghĩ nhiều và mông lung, đầy tạp niệm.
Để kết thúc bài viết, tôi xin mượn lời GS Phong Lê trong một bài viết về gia đình. Ông cho rằng “Nhân loại dù có văn minh đến đâu, con người có thay đổi đến đâu, vẫn không thể cắt rời với cuống nhau gia đình, nó là hạt nhân, là gốc rễ cho sự hình thành và phát triển một nhân cách xã hội”.
Chúc tất cả mọi gia đình có được sự bình an, không chỉ trong Ngày Gia đình, 28/6.
Quốc Khánh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất