18/09/2019 05:50 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nó không là chuyện mới nữa, nếu không muốn nói là rất cũ. Chấn thương, lại là chấn thương trong bóng đá - môn thể thao nặng tính đối kháng, luôn là nỗi ám ảnh với bất cứ ai. Họa, một chấn thương có thể triệt tiêu luôn cả sự nghiệp thi đấu của cầu thủ. Từ Trần Minh Chiến, đến Anh Khoa, Thái Học và gần nhất, Đình Trọng cũng đã tái phát, lần thứ 2 phải lên bàn mổ trong 2 năm liên tiếp...
Những năm trước, khi y học thể thao Việt Nam còn chưa phát triển, các cầu thủ gặp chấn thương hoặc nhắm mắt để các bác sỹ chuyên xương khớp “mổ banh”, hoặc mong các chuyên gia nước ngoài qua Việt Nam như "gà con mong mẹ". Giờ thì đỡ nhiều rồi. Dù các bác sỹ Việt Nam đã rất lên tay, nhưng phần lớn cầu thủ chuyên nghiệp vẫn tìm đường ra nước ngoài mổ.
Về giá cả và chất lượng các ca mổ trong và ngoài nước, cũng như vấn đề “thị phần” và “tiếp thị bệnh nhân”, chúng tôi sẽ đề cập trong một chuyên đề khác. Giờ trở lại với vấn đề “biết rồi khổ lắm nói mãi”, đấy là các ca chấn thương khi cầu thủ được gọi lên Tuyển, tập luyện hoặc thi đấu cho các ĐTQG. Có đôi khi “may hơn khôn”, hoặc nữa là nhờ quan hệ tốt, mới mong được hỗ trợ điều trị, một số đáng kể phải tự thân vận động.
Các CLB khi chia sẻ quân cho Tuyển, nói thẳng, tự hào (như bầu Đức chẳng hạn) thì ít, mà lo lắng thì nhiều. Họ lo thiệt quân trong giai đoạn nước rút, ở đủ các mặt trận và xa hơn là nỗi lo khi cầu thủ trở về mắc bệnh ngôi sao, dẫn đến mầm loạn. Ngoài ra, nỗi lo thường trực khác là chấn thương có thể khiến đội bóng, trước là lo chữa trị (tốn phí), sau là phải “nuôi báo cô” cầu thủ.
Những tranh chấp vì thế xảy ra liên miên, giữa CLB và các ĐTQG. Với nhiều cầu thủ (và đại diện của họ), được lên Tuyển là nấc thang danh vọng, tiền bạc; song cũng không ít người cố báo chấn thương để ở lại CLB, vì biết lên cũng "xách nước, bổ cam" do không có dây, cạ.
Phần lớn chúng ta chỉ nhớ những lúc vinh quang, khi cầu thủ và đội bóng thành công. Rất ít cảm thông, chia sẻ lúc họ dính chấn thương, và vì thế mà đánh mất phong độ. Phàm là cầu thủ, không ai mong mỏi điều tồi tệ, nhưng nó vẫn xảy ra như cơm bữa. Nên, đừng nghĩ họ như những cỗ máy, mà ngay cả cỗ máy cũng cần được nghỉ ngơi, bảo dưỡng.
Việc tận thu những tuyển thủ quốc gia cũng cần phải tính lại. Nghiêm túc, bởi nền bóng đá còn nhiều những mục tiêu cao hơn, mà rõ nhất là chiến dịch Vòng loại World Cup 2022. Đừng để mất bò mới lo làm chuồng.
Tùy Phong
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất