18/08/2011 11:14 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Một người cởi mở và chân thành. Đó là ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp NSƯT Đặng Hùng. Anh trò chuyện về cuộc ra đi năm 1987 đế tới mảnh đất phương Nam và cả những suy nghĩ trong sâu thẳm của người cha về con gái Linh Nga.
So với những người kinh doanh, tôi lời hơn
* Trong đêm diễn Sen, anh có nói rằng, chương trình là lời tri ân dành cho Hà Nội?
- Hà Nội nuôi tôi từ những năm tháng chiến tranh. Năm 1972, tôi bắt đầu vào trường múa. Thời kỳ Hà Nội còn đang bị ném bom, tôi là một trong số 15 người được Nhà nước tuyển chọn làm hạt giống sau này cho nghệ thuật múa. Sau đó, hết trung cấp, tôi được cử sang Liên Xô cũ học đại học từ 1981-1986. Cuối 1987, vợ chồng tôi vào TP.HCM và trụ ở NH Bông Sen cho tới nay.
* Xem một chương trình múa hiếm hoi ở Hà Nội, tôi mới nhận thấy hóa ra, múa vẫn còn “đất sống”...
- Tôi biết điều đó lâu rồi. Từ năm 1986 về nước đến giờ, tôi có làm gì đâu ngoài múa để nuôi 2 con ăn học. Nếu nói múa không sống được thì hãy xem lại mình trước đã, xem đã chuyên nghiệp chưa, đã làm cho múa hấp dẫn khán giả chưa? Múa khó ở chỗ không thể “nhép”. Tất cả những gì khó nhất là ở múa. Khó và khổ luyện...
NSƯT Đặng Hùng (bìa phải) cùng vợ và con trên sân khấu chương trình Sen
* Anh quyết định vào TP.HCM có phải là đi tìm “đất sống” cho múa?
- Tôi tìm đất sống cho chính bản thân. Tôi là một trong những người đầu tiên xé rào khỏi biên chế Nhà nước để vào TP.HCM làm hợp đồng. Từ “hợp đồng” ngày trước còn bị coi là mang tính tư hữu... Câu hát: “Từ ngày tôi ra đi, xa quê hương... trong lòng tôi bao mến thương...” trên nền nhạc bài Bonjour Việt Nam được đặt lời theo ý của vợ chồng tôi.
Tôi phải ra đi tìm đất sống cho chính nghề mà Nhà nước dạy, chứ tôi không làm bất kỳ công việc nào khác. Nếu bỏ ra kinh doanh, tôi có thể phát tài lâu rồi. Nhưng giả sử tôi có làm như vậy thì gia tài tiền bạc mà tôi có sẽ không bằng gia tài bây giờ tôi đang có. Nếu so sánh với những người kinh doanh khác, tôi lời hơn.
Ngày đó, sáng ở khách sạn, ăn cơm bà Cả Đọi vì không ăn được đồ nấu kiểu miền Nam. Thế nhưng ở cái đất đó lại sống được. Tôi đi biểu diễn, dạy múa... Các khoản thu nhập đủ để hai vợ chồng nuôi con. Lúc ở Hà Nội, tôi từng nghĩ đến việc mở một cửa hàng buôn bán nhỏ. Đã đi xem mặt bằng, đã định đi theo con đường đó. Nhưng về nhà nghĩ, sao lại sống thế nhỉ, nếu làm thế thì việc gì phải mất bao nhiêu năm đi học? Thế là quyết đi, tự tìm hợp đồng. Rồi chúng tôi đã phát triển được múa ballet, dân tộc, khiêu vũ... Hồi đó chưa dám đưa con đi. Sau quyết tâm hơn thì đón con vào, và để củng cố hơn thì đưa cả bà ngoại vào. Nghĩ lại, không hiểu sao mình đủ can đảm? Nghị lực ở đâu sao nhiều thế?
Lúc mới vào Sài Gòn, bố tôi hay viết thư nói rằng, chúng tôi không biết đến bước phát triển của Linh Nga, nó đáng yêu lắm. Vợ tôi đọc thư và khóc. Nhưng chúng tôi vẫn phải hy sinh, phải xa con để được làm nghề, quyết không làm nghề khác. Vì thế, đến giờ, chúng tôi vẫn vương vấn về mảnh đất mình đã ra đi.
Linh Nga hoàn thành vai trò con dâu
* Hiện giờ, Linh Nga đã có cả sự nghiệp và hạnh phúc riêng. Anh có cảm thấy hài lòng về điều đó?
- Rất tự hào và hài lòng với sắp đặt cuộc sống của Linh Nga từ lúc 9 tuổi. Day dứt nhất là khi cho con đi sang Trung Quốc. Về nước rồi, tôi và Vương Linh vẫn không biết quyết định như thế có đúng không? Khi con gọi điện về vừa khóc vừa nói, sao đang học ở Ngôi sao nhỏ vui thế, bố mẹ đưa sang đây rồi quẳng con ở lại. Đau lắm. Quyết định gì đó, với mình thì mình trả giá được, nhưng đây là với con...
Ngay cả việc Linh Nga có người yêu, là chồng bây giờ. Đó là người đầu tiên Linh Nga mang về giới thiệu với gia đình. Bố mẹ cũng băn khoăn, cậu này là công an, không biết có chăm sóc cho con gái như bố chăm sóc cho mẹ không? Nghệ sĩ múa vất vả lắm, họ cần nhiều sự cảm thông và chia sẻ. Nên khi đó vợ chồng tôi tự hỏi, cậu ấy có đủ tất cả những điều Linh nga cần không? Thương con nghĩ theo chiều thương con mà. Nhưng khi Linh Nga nói có tình yêu thì tôi tin vào quyết định của con.
Trong mọi chuyện, tôi tin vào “nhân - quả”, nhưng nó là lô-gic chứ không phải mê tín đâu. Linh Nga bây giờ yêu các em nhỏ như tôi chăm con ngày xưa. Đó là cái được lớn nhất mà có tiền cũng không mua được.
* Trong những sắp đặt của anh chị, có bao giờ Linh Nga phản ứng?
- Có chứ. Linh Nga có quan điểm riêng. Nhưng rất biết nghe. Khi đã thành công, thành danh nhưng về nhà vẫn là con, là học trò của bố mẹ. Biết nghe đã giúp Linh Nga trưởng thành nhiều. Con gái nào chả muốn chụp hình quảng cáo, muốn được lăng-xê qua phim ảnh. Lĩnh vực điện ảnh “lên” nhanh nhất, tốn thời gian ít nhất... Nhiều đoàn phim ngỏ lời mời, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: em không tự tin đến với điện ảnh. Kể cả quay quảng cáo, Linh Nga cũng sử dụng nghề múa.
* Với Linh Nga, anh còn điều gì phải lo lắng?
- 10 phần tôi đã yên tâm 8. Còn 2 phần không yên tâm cũng phải cần thời gian đó là kinh nghiệm cuộc sống và kinh nghiệm làm nghề.
Bây giờ, lấy chồng, Linh Nga được gia đình chồng cưng lắm. Con rể tôi bảo, bố mẹ con bây giờ suốt ngày gọi điện cho Linh Nga. Con tôi tương đối hoàn thành vai trò con dâu, được mẹ chồng hài lòng. Còn gì vui mừng hơn khi con gái đi lấy chồng được nhà chồng trân trọng. Khi diễn Sen, nhận được sự ủng hộ hết mực của gia đình nhà chồng, Linh Nga mới đi cả tháng trời vào TP.HCM tập luyện chứ. Hôm diễn báo cáo, chồng Linh Nga cũng có mặt. Đêm diễn ở Hà Nội, chồng cũng đến xem, đêm còn đưa vợ đi ăn. Đó là điều hạnh phúc.
* Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Hà Chi (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất