Arsenal-MU: Trận chiến của mùa giải, triều đại và lối đi

08/11/2008 10:29 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(TT&VH) - Wenger từng tiết lộ rằng, ông thường mất ngủ sau mỗi thất bại của Arsenal. Nhưng nếu bị M.U đánh bại ở Emirates đêm nay, hệ quả không chỉ là mất ngủ. Đó là sự trắng tay của mùa giải thứ 5 liên tiếp, là sự mất phương của con đường và cũng là dấu chấm hết của một triều đại.

Một năm về trước

Ngày 3/11/2007, cũng chính ở Emirates và tại vòng 12: Arsenal - M.U. Thời điểm ấy, Arsenal đã chiếm lĩnh ngôi đầu, cùng được 26 điểm như M.U nhưng còn trong tay một trận chưa đấu. Đó được xem là trận CK của lượt đi khi kẻ chiến thắng sẽ độc chiếm vị trí cao nhất. Chelsea đang ở đâu? Trong cơn rối loạn bởi sự ra đi của Mourinho, Chelsea bị đẩy xuống thứ 4, kém hai đối thủ trực tiếp trên đến 5 điểm. Liverpool còn tệ hơn, nằm tít vị trí thứ 6, kém Chelsea 1 điểm và một lần nữa sớm giương cờ trắng ở cuộc đua tiến đến ngai vàng Premier League.

Kết quả hòa 2-2, trong một trận đấu mà M.U liên tục vươn lên dẫn trước còn Arsenal rượt đuổi đến phút cuối cùng. Ai cũng muốn thắng trận ấy nhưng sẵn sàng chấp nhận một trận hòa. Cuộc đua song mã M.U - Arsenal đã kéo dài đến 3/4 chặng đường của mùa giải trước khi Arsenal hụt hơi. Mùa giải ấy, với sự tỏa sáng của bộ đôi Fabregas - Adebayor, Arsenal nhanh chóng khiến người ta quên đi hình bóng của một Henry vừa ra đi và chẳng ai dám khinh thường họ. Với M.U, một thế hệ vàng đã ra đời.

Chỉ sau một năm, những điểm số trong nhóm Tứ đại gia vẫn thế: 26, 26, 21 và 20. Nhưng chủ nhân của các vị trí đã đảo lộn. Đồng sở hữu ngôi đầu bây giờ là Chelsea và Liverpool. M.U chỉ vừa nhảy vào tốp 4 trong khi Arsenal suýt bị đá văng ra khỏi đây. Ở Emirates đêm nay, cả Arsenal lẫn M.U đều muốn thắng. Nhưng không phải vì sự thống trị độc tôn mà vì sự sinh tồn. Thất bại, Arsenal sẽ mất tất. Thua trận, M.U phải đối mặt với núi khó khăn, nhất là khi trong tháng 12 tới, họ sẽ càng bị tụt lùi ở phía sau vì bận tham dự Cúp các CLB thế giới.
 
Thắng MU bằng cách nào đây, Wenger?

Arsenal & thời khắc của sự thật

Tình cảnh của Arsene Wenger bây giờ có nhiều nét giống với của Alex Ferguson ở mùa 2005-2006. Mùa giải đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của gia đình Glazer cũng là mùa đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ, M.U không vượt qua nổi vòng bảng Champions League và trắng tay ở Premier League. Lúc bấy giờ, đã có tin đồn những ông chủ người Mỹ cân nhắc khả năng thay thế Ferguson. Nhưng may thay, CĐV vẫn đứng về phía ông và luôn mang theo băng rôn biểu ngữ ủng hộ Ferguson ở các trận đấu trên sân nhà. Bản thân Sir Alex một lần nữa chứng tỏ bản lĩnh của mình, với chức VĐ Premier League ngay mùa sau đó.

Ở Arsenal, lần đầu tiên trong vòng 12 năm, cụm từ "cân nhắc vị trí của Wenger" đã xuất hiện. CĐV tôn trọng, ngưỡng mộ và khâm phục những đóng góp của HLV người Pháp. Nhưng trong cơn khủng hoảng của hiện tại, họ đã không chỉ trích ông và cũng không tuyệt đối đứng về phía ông. Chỉ có sự im lặng đáng sợ, đến mức khiến Wenger rối trí, hết đổ lỗi thất bại cho những pha vào bóng của các hậu vệ đối phương lại quay sang những sai lầm của trọng tài. Bản thân Wenger hiểu ý nghĩa của sự im lặng ấy: niềm tin dành cho ông đã lung lay dữ dội.
 

Trận chiến với M.U đêm nay sẽ là thời khắc của sự thật. Sự thật về sức mạnh của Arsenal, vì thất bại sẽ phơi bày điểm yếu liên quan đến chiều sâu của đội hình, kinh nghiệm và sự thiếu vắng những ngôi sao lớn; đồng thời nó cho thấy sự đi xuống tồi tệ của một đại gia, giò đã dễ dàng bị đánh bại hơn bao giờ hết, dù trước đối thủ yếu, trung bình hay mạnh. Sự thật về tương lai của Arsenal mùa này, vì trắng tay ở ngay tại Emirates sẽ đồng nghĩa trắng tay cả cuộc đua (khi ấy, khoảng cách kém đội đầu bảng có thể là 9 điểm). Sự thật về của lối đi, vì Arsenal sẽ không còn gì để bao biện cho chính sách "tiết kiệm và tin dùng tài năng trẻ" nếu giương cờ trắng trước đối thủ nhiều ngôi sao đỉnh cao và được đầu tư mạnh về tài chính. Và cuối cùng là sự thật về số phận của triều đại mang tên Arsene Wenger. Thất bại, trước đối thủ lớn nhất của ông, sẽ đồng nghĩa với sự kết thúc đối với Wenger và con đường mà ông đã chọn. Một HLV của đội bóng lớn không nên và không xứng đáng ở lại sau 5 năm trắng tay liên tiếp, dù với lý do gì đi nữa.

Đồng tiến biết "nói" đấy, Wenger!

Chỉ cần so sánh về giá trị của đội hình chính thức hai đội cũng có thể nhận thấy rõ sự khác biệt. Trong khi M.U có thể tung ra đội hình có giá lên tới xấp xỉ 180 triệu bảng, trong đó riêng hàng thủ đã trị giá 44,5 triệu bảng, bằng hai phần ba giá trị đội hình chính thức của Arsenal. Trong đội hình của các Pháo thủ, Gallas là cầu thủ đắt nhất, nhưng giá trị cũng chỉ bằng nửa Rooney hay Berbatov, còn đẳng cấp thì dĩ nhiên không bằng.

Với 65,8 triệu bảng, đội hình của Arsenal tất nhiên có giá trị kém nhất trong tốp 4. Liverpool không siêu giàu nhưng đang có giá 100,3 triệu bảng. Đội hình chính của Chelsea hiện tại là 143 triệu bảng.

Arsenal

Almunia (3 triệu bảng) - Sagna (7), Toure (0,15), Gallas (16), Clichy (0,25) - Walcott (13), Fabregas (CNTD), Denilson (3,4), Nasri (13) - Van Persie (3), Adebayor (7)

Tổng cộng: 65,8 triệu bảng

M.U

Van der Sar (2) - Brown (đội trẻ), Ferdinand (30), Vidic (7), Evra (5,5) - Ronaldo (12,3), Anderson (19), Carrick (18) - Tevez (24), Rooney (31), Berbatov (30,75)

Tổng cộng: 179,55 triệu bảng

19h30 ngày 8/11, sân Emirates: Arsenal - M.U

M.U lại dùng đòn phủ đầu?

Arsenal: Người đâu mà đá?

Như muốn nhấn chìm Arsenal và Wenger, virus chấn thương đang hoành hành ở Emirates. Trong trận chiến sinh tồn đêm nay, Wenger chắc chắn mất 5 gương mặt từng là trụ cột của họ mùa trước: Eduardo, Rosicky, Eduardo, Adebayor và van Persie. Thảm họa chưa dừng tại đây khi khả năng có mặt của Walcott, Gallas, Sagna và Silvestre là rất thấp. Trong trường hợp phải gắng gượng ra sân, chắc chắn họ không thể có được tình trạng thể lực tốt nhất.

Nhìn vào cuộc khủng hoảng lực lượng ấy là đủ nhận ra những khoảng trống to đùng trong đội hình Arsenal. Nổi bật nhất là hàng công. Không Adebayor, Van Persie và Eduardo, Wenger không còn cách nào khác là phải dùng 2 gương mặt trẻ non nớt kinh nghiệm cho trận chiến lớn là Bendtner và Carlos Vela, lần lượt sinh nằm 1988 và 1989. Với việc sử dụng những chân sút quen đá... Cúp Carling, Arsenal coi như chấp nguyên hàng công. Còn khoảng trống to đùng thứ 2 nằm ở hành lang cánh phải của hàng thủ. Nếu Sagna không kịp bình phục trong thời điểm đã mất Eboue, Djourou có thể được sử dụng. Chuyên gia dự bị này không đủ khả năng để ngăn chặn tốc độ khủng khiếp của Nani. Trong trường hợp Ronaldo đảo sang cánh trái, Djourou sẽ phải đối mặt với 90 phút khủng khiếp.

Không thể phủ nhận cuộc khủng hoảng lực lượng đã hủy diệt Arsenal thời gian qua. Nhưng Arsenal lại không được phép đổ lỗi thất bại cho tình trạng này. Chelsea vẫn có thể thẳng tiến ở ngôi đầu dù nhiều trận liền mất đến 10 gương mặt quen thuộc. Như vậy, vấn đề nằm ở khâu chuyển bị, ở chiều sâu của lực lượng. Ở Anh đến 12 năm, Wenger không thể không hiểu rõ điều này.

M.U: Sự lợi hại của đòn phủ đầu

Một điều dễ nhận thấy, Alex Ferguson của M.U rất thích sử dụng đòn phủ đầu ở những trận chiến lớn. Trước Liverpool ở vòng 4, M.U đã tấn công ồ ạt trong những phút đầu và nhanh chóng vươn lên dẫn trước, với pha làm bàn của Tevez. Đến trận đấu với Chelsea, M.U bất ngờ đẩy cao đội hình và tốc độ ngay từ đầu, dù biết rằng đang đá ở Stamford Bridge. Sự mạo hiểm ấy đã mang lại kết quả tức thời, với bàn mở tỷ số của Park Ji-Sung (cầu thủ người Hàn Quốc lại rất được trọng dụng ở trận đấu lớn).

M.U không thắng ở 2 trận ấy, bị Liverpool lội ngược dòng và Chelsea gỡ hòa. Nhưng rõ ràng, đòn phủ đầu là vũ khí cực kỳ lợi hại. Trước Arsenal, M.U hoàn toàn có thể sử dụng đòn đánh này. Đơn giản vì Arsenal có sự xáo trộn rất lớn về nhân sự và khó có thể đá ăn ý, gắn kết trong những phút đầu tiên. Vấn đề còn lại của M.U là làm sao tránh được bài học từ 2 trận gặp Liverpool và Chelsea, đừng nên sớm nhường thế trận cho đối phương và lùi về phòng ngự quá sâu.

DỰ ĐOÁN: 1-3

LỰC LƯỢNG

Arsenal: Khả năng ra sân của Walcott (vai), Gallas (đùi) là 50-50. Sagna nhiều khả năng bị loại. Wenger sẽ chơi đánh bạc nếu dùng Silvestre, vốn bị vỡ mũi. Eboue (đầu gối), Adebayor (đầu gối) và van Persie (treo giò) vắng mặt. Eduardo và Rosicky phải nghỉ dài hạn.

M.U: Ngoài 2 chấn thương dài hạn Hargreaves và Scholes, M.U chỉ mất thêm Wes Brown (mắt cá chân).

ĐỘI HÌNH DỰ KIẾN

Arsenal: Almunia - Djourou, Toure, Silvestre, Clichy - Walcott, Fabregas, Denilson, Nasri - Bendtner, Vela.

Man Utd: Van der Sar - Neville, Ferdinand, Vidic, Evra - Ronaldo, Carrick, Anderson, Nani - Berbatov, Rooney.

PHONG ĐỘ

ĐỐI ĐẦU

13/04/08 Man Utd-Arsenal 2-1

16/02/08 Man Utd-Arsenal 4-0

03/11/07 Arsenal-Man Utd 2-2

21/01/07 Arsenal-Man Utd 2-1

17/09/06 Man Utd-Arsenal 0-1

PHONG ĐỘ

Arsenal

05/11/08 Arsenal-Fenerbahce 0-0

01/11/08 Stoke-Arsenal 2-1

29/10/08 Arsenal-Tottenham 4-4

26/10/08 West Ham-Arsenal 0-2

21/10/08 Fenerbahce-Arsenal 2-5

Man Utd

05/11/08 Celtic-Man Utd 1-1

01/11/08 Man Utd-Hull 4-3

29/10/08 Man Utd-West Ham 2-0

25/10/08 Everton-Man Utd 1-1

21/10/08 Man Utd-Celtic 3-0
 
ĐỨC LỘC

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm