Antonio Cassano: Hãy xem tôi là ai!

22/06/2008 17:32 GMT+7 | EURO 2008

(TT&VH Online) - Nếu Sampdoria không dang rộng vòng tay đón Cassano trở về từ “địa ngục” Liga, thì giờ này anh không thể có mặt ở sân Ernst Happel để tìm cơ hội cho người TBN biết anh là ai.

“Hấp hối” ở Bernabeu

Đến bây giờ, có lẽ Cassano vẫn chưa thể ý thức được rõ ràng những hệ lụy đến từ tính khí hoang tàng, bốc đồng, cố chấp và rất trẻ con của mình. Chương đen tối nhất trong sự nghiệp của thần đồng bóng đá Italia này đã được mở đầu bằng những lối cư xử rất khó chấp nhận của anh, và càng trở nên đen tối hơn cũng từ những phản ứng không ai ưa đó. Thật may là anh đã kịp thời nhận ra sai lầm của mình để trở lại ấn tượng ở tuổi 26.

Tháng 1/2006, Cassano đã bỏ Roma ra đi không lời từ biệt để gia nhập Real Madrid với giá rẻ mạt 4,5 triệu euro, sau những ngày tháng dỗi hờn không chịu gia hạn hợp đồng và khiến các đồng đội ở Roma thấy “ngứa mắt”. Tưởng là bến mơ, nhưng hóa ra sân Bernabeu với Cassano không khác nào hỏa ngục. Chẳng những không được ra sân (Real Madrid có bao giờ dùng hàng “rẻ tiền” đâu, kể cả khi anh ta là một tên tuổi), Cassano còn gây rối trong phòng thay đồ của đội bằng những trò nổi loạn hết sức thiếu suy nghĩ, gây ảnh hưởng không nhỏ đến bước tiến của Real Madrid. Lúc ấy, Cassano nghĩ mình là Vua, trong lúc người Italia nghĩ anh là một đứa con “giang hồ”, còn người TBN cho anh là một tay “nghịch tặc”.

Sau đó nửa năm, HLV Capello đến Real, nhưng cũng đã không thể “thuần phục” được Cassano như khi cả hai cùng còn ở Roma. Chuỗi ngày thảm hại của Cassano được nối dài thêm một mùa giải đầy những căm hờn nữa, trước khi được “gửi trả” về Serie A. Có những lúc Real Madrid gần như phải van nài ai đó rước anh đi khỏi Bernabeu.

“Hồi sức” ở Marassi
 

Sampdoria đã khơi lại cho Cassano con đường trở lại với ánh sáng. Bất chấp những mối nguy hiểm tiềm tàng từ tính khí “ngựa hoang” của Cassano (tiền đạo này còn được gọi là “Cassanata” – thằng điên), HLV Mazzarri của đội bóng thành Genoa vẫn tin rằng ông biết cách khai thác tiềm lực của cầu thủ này. Ông đã đúng, khi ứng phó với Cassano bằng thái độ vừa cứng rắn vừa mềm mỏng, đồng thời cho phép anh thể hiện sự “điên rồ” trên sân cỏ. Chỉ sau chưa đầy một mùa giải, Cassano đã “lột xác” tại sân Marassi, và trở lại ĐT Italia một cách thuyết phục.

Gặp lại xứ bò tót

Cassano đã chơi rất hay ở trận Italia thắng Pháp 2-0, dù không ghi được bàn thắng nào và cũng không thể hiện được vai trò của một sát thủ đã ghi 10 bàn trong 22 lần ra sân ở Serie A mùa vừa qua. Anh được giao nhiệm vụ cầm bóng quấy rối và đánh lạc hướng các hậu vệ đối phương, tạo điều kiện cho người đá cặp Luca Toni có nhiều khoảng trống hơn, và đã hoàn thành tương đối xuất sắc. Sự hy sinh thầm lặng của anh khiến không ít người bất ngờ, nhưng không khó để lý giải. Khát khao chiến thắng của Cassano đang lớn hơn bao giờ hết, và với những bài học đã qua trong cuộc đời, hẳn là anh đã biết cách chấp nhận dẹp bỏ cá tính để phục vụ lợi ích chung.

Rất có thể anh sẽ được HLV Donadoni tiếp tục tin tưởng ở trận đấu với TBN, đối đầu với những người đồng đội cũ, những người không ưa anh và anh cũng chẳng ưa gì họ. Nhưng anh muốn người TBN phải nhìn anh bằng một con mắt khác. Nếu Cassano “nổi loạn” và sút tung lưới Casillas giúp Italia chiến thắng, người TBN có thể sẽ tiếc nuối. Còn nếu anh chấp nhận làm người hùng lặng thầm vì thành tích của tập thể, hẳn người TBN cũng sẽ phải nghĩ khác về anh.

Tất nhiên, Cassano chỉ có thể làm được những điều ấy nếu anh thực sự chứng tỏ được tài năng của mình, một tài năng suýt nữa bị chôn vùi ở đất TBN.

Đông Khê

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm