Hôm nay, Serie A khởi tranh: Giữ mãi những nụ cười Cassano

22/08/2009 13:25 GMT+7 | Bóng đá Italy

(TT&VH) - Gạt sang bên hoài niệm về những mùa bóng cũ: Kaka và Ibra đã ra đi và không thể trở lại. Vô ích khi than vãn về những thất bại của các CLB Italia trên đất châu Âu. Quên đi những lo lắng về phong độ của Azzurra trước World Cup 2010. Mùa này là để xem, suy ngẫm và buồn vui. Mọi thứ khác không tính tới.

Hãy tập cho mình thói quen đôi khi là một CĐV trung lập. Không Inter, Milan hay Juve. Không thích cũng chẳng ghét Mourinho. Chỉ đơn giản là một người yêu thích calcio cũng như Italia cháy bỏng, muốn được nhìn thấy qua thứ bóng đá mà họ chơi mỗi tuần những mảnh cắt cuộc sống nước Ý, những buồn vui, trăn trở và đôi chút hoài niệm, thứ ngày càng trở nên phố biến trong thời buổi khủng hoảng, khi những giá trị cũ kĩ là luôn gợi nên những tiếng thở dài. Phải khẳng định một điều: Serie A không còn là giải đấu hay nhất thế giới như nước Ý đã từng hãnh diện thưở nào. Khi những ngôi sao lần lượt bỏ đi, giải đấu trở thành một khách sạn xập xệ chỉ còn thích hợp với những kẻ phiêu lưu theo dạng “low-budget” (kinh phí thấp) và những ánh hào quang của chiến thắng ở Berlin 3 năm trước đã lùi xa tựa như 3 thế kỉ, nỗi buồn là không tránh khỏi. Nhưng những ai đã yêu calcio cũng như Italia hết mình phải chấp nhận điều đó, và vẫn nuôi cho tình yêu ấy ngày một lớn lên. Đấy mới là yêu.

Serie A cần tìm lại niềm vui như nụ cười của Cassano

Calcio bây giờ giống hệt Cassano, ở đường đời của anh và những giá trị mà anh đem lại. Thành đạt và bùng nổ từ khi còn rất trẻ, trải qua biết bao sóng gió trong cuộc đời vì cá tính và một quá khứ gắn liền với khu Barivecchia bất hảo nơi anh đã lớn lên, Cassano đã trưởng thành và gạt những cơn điên của anh sang bên. Anh trở thành một người đem đến cho chất khô cứng của calcio những cảm hứng mà từ thời Baggio chưa ai mang lại. Nhưng cũng như Baggio đã phải ngồi nhà xem World Cup 2002 qua tivi, Cassano cũng hầu như chắc chắn sẽ vắng mặt ở World Cup 2010. Cũng như Baggio, anh chỉ chơi cho một CLB trung bình (Sampdoria), vì những đội bóng lớn không tin anh. Những giá trị của calcio không hề mất đi khi những ngôi sao ngoại quốc rời đến một chân trời khác. Chỉ có những ngôi sao phản bội calcio, các tifosi không bao giờ, bởi họ đã gắn bó máu thịt với một giải đấu, dù những giá trị của nó đang ngày càng mai một. Không đến được các CLB lớn, không được gọi vào ĐTQG, vẫn luôn chịu những định kiến lớn lao về nhân cách, Cassano vẫn vui đùa với trái bóng trong chân, vẫn nở những nụ cười thơ trẻ trên gương mặt hơi rỗ, hệt như Baggio vẫn đem đến bao niềm đam mê cho người hâm mộ trong những năm cuối sự nghiệp. Đấy là những giá trị trường tồn dù Kaka hay Ibra có đến hay đi.

Gương mặt Serie A đã ngày càng biến đổi. Bạo lực chưa bao giờ mất đi trong và ngoài sân cỏ. Những cái chết của Sandri vẫn có thể lặp lại. Những cuộc phá sản vẫn diễn ra đâu đó phía dưới hạng A và bất chấp chính sách thắt lưng buộc bụng của tất cả các đội bóng, nguy cơ sụp đổ vẫn lơ lửng trên đầu. Truyền hình đến mọi ngóc ngách của SVĐ đã làm thay đổi hình thức thể hiện những nỗi đam mê của các tifosi. Những sự lừa dối với người hâm mộ vẫn xảy ra một điều hiển nhiên từ các ông chủ. Điều mà nhiều tifosi cho là kinh khủng hơn cả, là đối đầu với những nỗi ám ảnh thất bại ở Cúp châu Âu và cúp thế giới. Nhưng những nỗi đam mê nguyên thủy vẫn tồn tại và đang bùng lên khi bắt đầu lăn ở tất cả những nơi gắn bó với calcio. Có gì ngạc nhiên đâu khi một nhà văn đã viết nước Ý chỉ sống trong 9 tháng, từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau, thời gian của một mùa bóng? Hỡi Eto’o, hãy đưa Inter đến Champions. Del Piero và Diego thân mến, hướng Juve về Scudetto. Này Pato, Milan trên vai anh. Kìa Cassano, đừng để mất đi nguồn cảm hứng bất tận. Ngôi sao đến, ngôi sao đi. Calcio trầm, calcio thăng, chỉ tình yêu với nó là không đổi.

Scudetto là một cuộc chơi thú vị. Nhưng ai thắng trong cuộc chơi đó đôi khi không quan trọng bằng việc giữ mãi những niềm vui rạo rực kiểu Cassano. Nếu có đôi lúc, Cassano không cười nữa, điều gì sẽ xảy ra?

Serie A 20 đội: Tấn công những kỉ lục

CLB: Inter Mancini đã lập kỉ lục với 97 điểm mùa 2006/07. Chưa hết, họ còn xô đổ một loạt kỉ lục đã tồn tại hơn nửa thế kỉ khác, với số điểm sân nhà nhiều nhất (49), số trận thắng sân khách nhiều nhất (15), số trận thắng tổng cộng (30). Mùa 1949/50, Milan ghi 118 bàn thắng (73 sân nhà). Liệu 60 năm sau, Milan Leonardo có ghi được đến nửa số này không? Mùa 1946/47, Torino lập kỉ lục về tỉ lệ bàn thắng/bàn thua là 2,971 (104 bàn thắng, 35 bàn thua). Mùa trước, InterMourinho “chỉ” làm được 2,18 (70 bàn thắng, 32 bàn thua). Không ai muốn theo chân Treviso lập những kỉ lục tồi tệ thế này mùa 2005/06: số điểm ít nhất (21), thắng ít nhất (3) và thua sân nhà nhiều nhất (13).

Cầu thủ: Chưa ai phá được kỉ lục ghi 35 bàn mùa 1949/50 của tiền đạo Milan Nordahl (Toni chỉ còn cách ông 4 bàn mùa 2005/06). Milito hiện đang giữ kỉ lục với 22/24 bàn mùa trước ghi được ở hiệp 2. Kỉ lục về số bàn thắng ghi được trong thời gian ngắn nhất là của Mazzola lập trong trận Torino-Vicenza năm 1947 (3 bàn trong 2 phút). Acquafresca bị thay ra nhiều nhất với 26 trận mùa trước. Mùa 2004/05, Borriello là cầu thủ dự bị được đưa vào sân nhiều nhất, 25 lần. Mùa 2007/08, Carrozzieri đi vào lịch sử với tư cách cầu thủ đá bẩn nhất: 18 thẻ vàng, 3 thẻ đỏ.
 
Anh Ngọc (Roma, Italia)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm