Boris Becker vẫn là một ngôi sao

27/06/2015 20:44 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - 30 năm sau khi gây sốc tại Wimbledon với chức vô địch đơn nam ở tuổi 17, Boris Becker vẫn biết cách làm mình trở thành ngôi sao tại All England Club năm nay.

1. Với tư cách là HLV của tay vợt số 1 thế giới Novak Djokovic và cũng đã giúp anh giành được danh hiệu tại đây năm ngoái, Becker vẫn tỏa sáng như một ngôi sao dù ông không còn cầm vợt. Nơi mà cựu tay vợt người Đức sinh sống cách All England Club không xa, nên London không phải điều gì xa lạ với Becker.

Ở tuổi 47, năm nay, HLV có mái tóc vàng ấy sẽ tiếp tục là ‘hậu phương’ vững chắc của Djokovic trên con đường bảo vệ danh hiệu. Becker kết thúc sự nghiệp với 6 danh hiệu Grand Slam trong đó có 3 Wimbledon (1985, 1986, 1989) và bây giờ thì ông tiếp tục duy trì sự nổi tiếng của mình bằng việc hợp tác với Djokovic. “Chưa bao giờ tôi nghĩ, dù chỉ trong một phút, rằng sau vài tháng làm việc với nhau chúng tôi có thể có danh hiệu Wimbledon”, Becker thừa nhận.

Nhưng  hãy tạm không nhắc đến khía cạnh chuyên môn, khi mà Wimbledon chưa diễn ra, Becker đã biết cách hâm nóng tên tuổi, khiến người ta buộc phải nhắc đến mình theo cách khác, đặc biệt là với cuốn tự truyện mới ra.

2. Cách đây chỉ 1 tuần, báo chí được phen bận rộn với màn đấu khẩu của Becker và Roger Federer. Trong cuốn sách của mình, Becker khẳng định rằng tay vợt người Thụy Sĩ và Djokovic không thích nhau và rằng sự lịch thiệp của Federer không phản ánh đúng bản chất con người anh. Đáp lại, Federer nói anh muốn trở thành hình mẫu của trẻ con và bởi vậy, chẳng có lý do gì để không cư xử đẹp lòng người. “Khi bạn nói quá nhiều, nó sẽ rất nguy hiểm bởi thỉnh thoảng bạn sẽ nói ra những thứ không nên nói. Đúng là có những tin đồn về mối quan hệ giữa tôi và Novak. Nhưng cậu ấy vẫn luôn cư xử rất tuyệt vời và chơi đẹp. Chúng tôi chẳng có vấn đề gì với nhau”, Federer phản bác.

Becker cũng đã tạo ra một cuộc tranh luận sôi nổi về hành xử của các tay vợt bây giờ. Theo ông, tính chính trị của quần vợt đã khiến cho các vận động viên ngại thể hiện cảm xúc thật, trong đó nổi bật nhất là Federer.

Ông cũng tỏ ra rất lo lắng về hình ảnh tương lai của bộ môn này khi cho rằng các tay vợt trẻ hiện nay thiếu nhiệt huyết và tài năng, không thể trở thành những Djokovic, Federer, Rafael Nadal hay Andy Murray. “Câu hỏi được đặt ra là: Mọi chuyện sẽ thế nào nếu Roger quyết định gác vợt hoặc Rafa không thi đấu nữa? Đó là bức tranh ảm đạm khi chúng ta chỉ còn biết trông chờ vào Novak và Andy. Quần vợt nam hiện nay có những cái tên trẻ tới từ Australia như Nick Kyrgios, Thanasi Kokkinakis. Họ đều là những tay vợt thú vị nhưng khoảng cách giữa họ và tốp đầu là quá lớn. Còn lại thì cả một hằng hà sa số những vận động viên mà chúng ta mù tịt thông tin”, Becker nhận xét.

3. Khi Becker giành chiếc cúp Wimbledon đầu tiên, ông mới 17 tuổi và thậm chí không được xếp loại hạt giống. Ông cũng trở thành nhà vô địch trẻ nhất lịch sử giải đấu, nhà vô địch đầu tiên người Đức. Kéo theo sau đó là một sự nghiệp thành công và cuộc sống riêng tư ‘phong phú’ luôn phơi bày trên các tờ báo lá cải. “Điều này sẽ làm thay đổi quần vợt nước Đức. Tôi là nhà vô địch Wimbledon đầu tiên của nước tôi và bây giờ tất cả có một thần tượng”, đó là những gì Becker đã nói sau khi đánh bại Kevin Curren ở trận chung kết năm 1985.

Kể cả khi là tay vợt hay là HLV, Becker vẫn là một cá tính thú vị mà quần vợt có được. Ở ông hội tụ tài năng và phẩm chất của người sinh ra để làm ngôi sao. Becker bộc trực, thẳng thắn dù những lời ông nói ra có thể gây mâu thuẫn và tranh cãi.

Yến Nhi
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm