Cần cả trăm tỷ đồng để chôn lấp (Bài 3 & hết)

05/07/2011 11:23 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Trong chuyến thực địa, chúng tôi nhận thấy quá nhiều hộ dân sống ngay sát sân bay Biên Hòa. Điều nguy hiểm, hầu hết những gia đình này sử dụng giếng nước ngầm để sinh hoạt, đây là một mối họa lớn cho thế hệ tương lai.

Theo báo cáo của Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh Đồng Nai, thì sân bay Biên Hòa là một kho hóa chất lớn, lúc cao điểm đã tập kết đến 750 nghìn thùng phuy của Mỹ để mang rải khắp nơi tại Việt Nam.

Chất độc vẫn dai dẳng

Với gần 10 triệu lít hóa chất diệt cỏ, trong đó có trên 50% là chất da cam được quân đội Mỹ phun rải trên 56% diện tích đất rừng, đất nông nghiệp. Có nhiều nơi bị rải nhiều lần, nhất là khu vực Trị An, Hiếu Liêm, Mã Đà, Gia Huynh, Trảng Táo, núi Mây Tàu (thuộc tỉnh Đồng Nai)... đã làm cho trên 13.000 người bị nhiễm, trong đó có 8.000 người là nạn nhân, hơn 3.000 trẻ em bị dị dạng.

Quân đội Mỹ tập kết chất độc da cam/dioxin
trong chiến tranh. Ảnh tư liệu

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân da cam/dioxin Đồng Nai, cho biết: “Tôi sống ở Biên Hòa đã lâu, nhưng mãi đến năm ngoái mới được đặt chân vào trong sân bay này. Từ sau giải phóng quân đội tiếp quản, không một ai được vào, nên tôi cũng không biết bên trong thế nào. Sân bay Biên Hòa là một kho chứa chất độc, hiện các khu vực trong sân bay đã và đang được khảo sát. Như khu Z1, nơi trước kia là kho chứa chất độc có diện tích 4,7 ha với mức độ nhiễm độc lên đến 35.900 ppt (picrogram bằng 1 phần tỉ của mg), trong khi chỉ vài ppt cũng gây tác hại lớn đến sức khỏe con người. Nơi này, cách đấy mấy năm, Chính phủ đã chi gần 70 tỷ đồng để chôn lấp được 94.000 m3 đất để chống lây lan. Vị trí khu Z1 nằm rất gần với khu dân cư phường Tân Phong và Trung Dũng, chỉ cách một bức tường rào”.

“Khu Nam trong sân bay với tổng diện tích 1,2 ha có nồng độ nhiễm dioxin là 65.500 ppt. Hiện khu vực Tây Nam có diện tích 20 ha đang được khảo sát và có nồng độ nhiễm từ 561 ppt đến 28.600 ppt. Còn 4 hồ trong sân bay Biên Hòa có độ nhiễm từ 330 ppt đến 675 ppt và ngay cả hồ Biên Hùng (nằm ngay trung tâm Biên Hòa, cách sân bay khoảng 1km) cũng nhiễm dioxin với nồng độ cao. Trong khi mức độ ô nhiễm dioxin cho phép chỉ là 0,1 ppt”- bà Hạnh nói.

Tuy các nhà khoa học đã khuyến cáo về mức độ nhiễm dioxin của hồ Biên Hùng, nhưng nhiều người vẫn thường ra đây câu cá về ăn. Việc sử dụng rau xanh, cá, gà, vịt... ở những khu vực nhiễm độc, sẽ rất nguy hiểm bởi hầu hết chất dioxin khi vào cơ thể động vật thường tích tụ cao ở mỡ.

“Trước đây, chúng tôi có tuyên truyền người dân không được ăn tôm, cá tại các hồ chứa nước trong sân bay, còn đối với hồ Biên Hùng thì chưa” - bà Hạnh thừa nhận.

Bà Hạnh cũng cho biết, trong tháng 7 này, Ban chỉ đạo 33 thực hiện công tác khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, sẽ có cuộc họp để lên kế hoạch tẩy độc sân bay Biên Hòa, Đà Nẵng và Phù Cát (Bình Định). Theo dự kiến sẽ tốn 1.000 tỷ đồng cho hoạt động này. Riêng sân bay Biên Hòa sẽ bỏ ra 100 tỷ để chôn lấp.

Cánh đồng rau ở phường Tân Phong sử dụng nước giếng để tưới

Nguy cơ từ nguồn nước ngầm

Hiện nay tốc độ phát triển dân cư nhanh tại các khu vực sát sân bay như khu phố 10, 11, phường Tân Phong, TP Biên Hòa và xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu. Hiện có hàng ngàn người dân sinh sống ngay vành đai của sân bay Biên Hòa, thực tế, việc đánh bắt cá tại các hồ nhiễm dioxin vẫn còn tiếp diễn do một số người dân không ý thức được nguy hiểm.

Hơn nữa, việc sử dụng nước ngầm đang là mối hiểm họa cho hàng ngàn hộ dân sinh sống sát sân bay tại khu phố 10, 11, phường Tân Phong và xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cữu.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, cán bộ Ban Gia đình và trẻ em xã Bình Hòa kể: “Giếng khơi thì chỉ cần sâu xuống 5-10 mét là có nước. Mùa mưa thì nước trong, nhưng đến mùa nắng nước có phèn vàng như nghệ. Đó là một nguy cơ dẫn đến việc nhiễm chất độc da cam/dioxin cho người dân và các thế hệ tiếp theo”.

Thiết nghĩ, điều cấp bách lúc này là đưa nguồn nước máy về những khu vực này. Còn giải pháp lâu dài là cần di dời người dân sống gần vùng ô nhiễm ra ngoài bởi để tẩy sạch dioxin cho nơi đây không còn là “vùng đất chết” sẽ còn tốn nhiều thời gian và kinh phí nữa.

Phóng sự của Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm