Niềm hi vọng cuối cùng (Bài 2)

04/07/2011 14:06 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Bà Đào Thị Kiều có 8 người con, thì 7 người sinh ra là tật nguyền, chỉ còn người con gái út là lành lặn. “Ông trời thương vợ chồng tôi nên cho tôi đứa con gái út không bị như mấy anh, chị của nó. Vậy là tôi mừng lắm rồi, đời tôi chỉ mong có thế mà thôi” - bà Kiều nói trong nước mắt.

6 người con của bà đã lần lượt ra đi, bà không muốn nhớ các con bà đã mất năm nào vì nỗi ám ảnh đeo riết đến hãi hùng.

Nỗi đau triền miên

Gần 12h trưa, nắng rát mặt, ngoài đường chỉ lác đác người qua lại, bà Nguyễn Thị Tuyết Nga, cán bộ Ban Gia đình và trẻ em xã Bình Hòa vẫn muốn đưa chúng tôi đến thăm gia đình bà Kiều. Theo bà Nga, đây là một gia đình hứng chịu di chứng chất độc da cam nặng nề nhất ở xã nghèo này.

Từ đường nhựa, chúng tôi rẽ vào con đường đất nhỏ và đi một đoạn ngắn nữa, căn nhà nhỏ được bao quanh bởi mảnh vườn với thảm cỏ mọc hoang dại xanh rì. Căn phòng bày biện đơn sơ với chiếc bàn gỗ đã ngả màu, chiếc tủ thờ với di ảnh của chồng bà đã mất năm 2004, ở tuổi 60 sau 7 năm trời vật lộn với căn bệnh ung thư vòm họm và ung thư phổi. Bên cạnh là chiếc bàn nhỏ đang để di ảnh của cô con gái Lâm Ngọc Hường, mất năm 2010, Hường là đứa con thứ 6 bị di chứng chất độc da cam cướp đi mạng sống ở tuổi 35.

Bà Kiều cho con gái tật nguyền ăn trưa

Rót ly nước cho khách, đôi tay run run, bà Kiều lau vội ngấn nước đong đầy nơi khóe mắt, bà chậm rãi kể: “Tôi sinh ra 8 đứa con thì 7 đứa phải mang di chứng chất độc da cam. Tôi không muốn nhớ mấy đứa nhỏ ra đi năm nào, hai vợ chồng tôi đã quá đau khổ vì chuyện này. Tôi chỉ nhớ đứa mới lọt lòng 17 ngày thì chết, hai đứa sống được khoảng 7 tháng, đứa thì hơn 1 tuổi, đứa 37 tuổi và đứa cuối cùng ra đi năm ngoái. Bây giờ tôi còn 1 đứa con gái đầu cũng bị di chứng, nay nó 40 tuổi rồi nhưng chỉ nằm một chỗ không biết gì”.

Bà dắt chúng tôi ra căn phòng nhỏ phía sau, chị Lâm Kim Liên, con gái của bà nằm trên chiếc giường co quắp một mình. Một thân thể vẹo vọ, da bọc xương với đôi chân teo tóp, cánh tay co quắp. Chị không thể nói năng, với mái tóc bị xén cụt, Liên ngước nhìn chúng tôi bằng ánh mắt vô hồn.

Bà Kiều nâng con gái ngồi dậy và đút từng thìa cơm. “Hằng ngày tôi và đứa con gái út chăm sóc cho con bé. Nó không biết gì hết, chỉ nằm đó, không biết đói, không biết no. Mỗi ngày tôi canh giờ cho ăn và đi vệ sinh” - bà Kiều mô tả.

Mỗi buổi sáng bà Kiều phải thức từ 3, 4h sáng để lo cho con gái rồi ra ruộng lo chuyện đồng áng. Cuộc sống của bà vốn đã nghèo, càng khó khăn hơn kể từ khi người chồng của bà lâm bệnh và chết.

Những người dân sinh sống gần gia đình bà, cả những cán bộ địa phương luôn nhìn bà bằng một cái nhìn khâm phục người phụ nữ can trường đã vượt qua nỗi đau tột cùng.

Khu dân cư nằm sát sân bay Biên Hòa

“Đời tôi chỉ mong có thế”

Hai vợ chồng bà đã đau khổ triền miên vì sinh ra những đứa con dị dạng. Bà kể: “Lúc đó chúng tôi không biết vì sao mình lại sinh ra những đứa con bị như thế. Chồng tôi cho rằng mình đã làm điều gì thất đức nên ông trời mới quở phạt như vậy. Kể từ đó chồng tôi chuyển sang ăn chay, mong muốn tạo phúc để có một đứa con lành lặn”.

Nhắc lại chuyện quá khứ, bà Kiều cho chúng tôi biết, chồng bà trước đây từng bị bắt quân dịch cho chế độ cũ và đóng quân tại Quảng Trị, sau đó bị thương và xuất ngũ trở về quê sinh sống. Ông đã nhiễm chất độc da cam trong thời gian ở Quảng Trị.

Còn bà Kiều, từ khi còn ở độ tuổi 12 - 13, bà cùng với những người dân vào sân bay Biên Hòa để thu lượm phế liệu. Sau giải phóng bà lại vào các hồ trong sân bay để bắt cá, tôm. Bà nói: “Lúc đó, tôi chẳng hề biết gì về chất độc dioxin, kiếm được cái ăn thì phải làm thôi”.

Niềm hy vọng lớn nhất của bà và người chồng quá cố là đứa con gái út lành lặn. Bà xúc động: “Tôi chỉ còn có đứa con gái út đó thôi. Ngay từ bé nó phát triển bình thường và học giỏi từ lớp 1 đến hết đại học. Tôi luôn cầu trời, khấn Phật mong cho không có những gì xảy ra với nó như các anh chị của nó từng gánh chịu. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Hội Nạn nhân da cam, nên cuộc sống của gia đình tôi tốt hơn trước rất nhiều”.

Ông Nguyễn Thành Thuật, Chủ tịch Hội Nạn nhân da cam huyện Vĩnh Cữu cho biết: “Hiện nay toàn huyện có 164 nạn nhân của di chứng da cam đang được hưởng các chế độ. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm nhiều nguồn để chăm lo cho các đối tượng này ngày càng tốt hơn”.

Chia tay gia đình bà Kiều, lúc tạm biệt chúng tôi, em L.N.N, 23 tuổi, con gái út của bà Kiều nâng niu trên tay “chậu hoa sống đời” tâm sự: “Em vừa tốt nghiệp đại học và mong có việc làm sớm để đỡ đần cho mẹ và lo cho chị”.

Bài 3 & hết: Mầm họa

Phóng sự của Thái Nguyên - Anh Đức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm