Căn cứ Incirlik: 'mỹ nữ nhõng nhẽo' trong cuộc chiến chống IS

26/07/2015 05:56 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Căn cứ không quân Incirlik nằm ở phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ là cơ sở quân sự quan trọng, mang tầm chiến lược, của Mỹ kể từ thời Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, nó lại thường bị biến thành con tin, mỗi khi có bất hòa trong quan hệ giữa Ankara và Washington.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ vừa đạt được thỏa thuận quan trọng, cho phép các máy bay Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik để tấn công các chiến binh thuộc lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria.

Căn cứ quan trọng nhưng "có vấn đề"

Đây thực ra chỉ là chương mới nhất trong lịch sử dài đầy các mâu thuẫn, thăng trầm của căn cứ này. Vị trí quan trọng của căn cứ, do nằm gần các điểm nóng bậc nhất thế giới, thường bị giảm bớt do Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh của Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), thường áp đặt các hạn chế quanh việc sử dụng nó, đặc biệt là vào các nhiệm vụ không kích.

"Incirlik luôn là căn cứ có vấn đề" - Michael Stephens từ Chi nhánh RUSI Qatar tại Viện nghiên cứu RUSI (Anh), nói với AFP - "Giới chức Mỹ thường cho các anh biết rằng, mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ luôn có vấn đề. Nhưng họ là một đồng minh của NATO, dù người ta có thích hay không, và đây là một đồng minh hơi cứng đầu".


Lính Mỹ tiếp dầu cho một máy bay của Qatar làm nhiệm vụ không kích mục tiêu của IS ở căn cứ Incirlik

Hiện khoảng 1.500 người lính Mỹ đang phục vụ trong căn cứ Incirlik. Họ thuộc Không đoàn số 39 của Mỹ, chuyên hỗ trợ các máy bay Mỹ và NATO hoạt động ở Trung Đông. Nằm gần thành phố Adana, ngay cạnh biên giới Syria, Incirlik còn cung cấp hoạt động vận tải đường không, liên lạc và dịch vụ hỗ trợ trên khắp khu vực.

Phải mất nhiều tháng gây áp lực, Washington mới khiến Ankara cho phép dùng Incirlik như căn cứ để không kích các mục tiêu IS tại Syria. Tờ nhật báo Hurriyet cho biết thỏa thuận có thể sẽ giúp thành lập một vùng cấm bay dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria, chạy dài 90km từ các thị trấn Marea tới Jarabulus của Syria.

Khi cần thiết, quân đội liên minh do Mỹ dẫn đầu có thể tiến hành các chuyến bay trinh sát và tấn công hàng loạt mục tiêu nằm trong hành lang này.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu căn cứ này bắt đầu xuất hiện đầy các loại vũ khí, khí tài quân sự. Tôi tin rằng các bạn giờ có thể sẽ thấy rất nhiều máy bay cường kích, máy bay không người lái xuất hiện ở đây" - Stephens nói - "Căn cứ này phản ánh tầm quan trọng của Syria, trong vai trò chiến địa chính của cuộc chiến chống IS".


Máy bay chiến đấu F-16 lắp đầy bom đạn của Mỹ xếp hàng chờ cất cánh khỏi căn cứ Incirlik

Tàn tích thời Chiến tranh Lạnh

Incirlik được xây dựng vào năm 1951, trong những ngày băng giá nhất của Chiến tranh Lạnh. Nơi đây được xem như một tiền đồn của Mỹ, với vị trí lý tưởng nằm gần cả Liên Xô lẫn vùng Trung Đông bất ổn.

Căn cứ này từng là nơi để các máy bay do thám U-2 cất cánh và dò la lãnh thổ Liên Xô. Tuy nhiên hoạt động đó đã ngưng lại, sau khi phi công Gary Powers bị bắn hạ vào năm 1960, trong sự kiện khiến Mỹ bẽ mặt.

Năm 1975, Thổ Nhĩ Kỳ đã giành lại quyền kiểm soát Incirlik, do Washington cắt bỏ viện trợ quân sự cho Ankara. Nguyên nhân cũng bởi Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp trong cuộc xâm lăng Cyprus. Căn cứ chỉ trở lại sự kiểm soát của Mỹ trong những năm 1980.

Chiến tranh Lạnh kết thúc, Mỹ và Anh dùng căn cứ để tuần tra trên vùng cấm bay nằm dọc theo miền Bắc Iraq, trong giai đoạn nằm giữa thời điểm cuối cuộc chiến tranh vùng Vịnh 1991 và đầu cuộc chiến hồi năm 2003.

Sau các vụ khủng bố xảy ra trong ngày 11/9/2001 ở Mỹ, Incirlik trở thành nơi thực hiện các hoạt động hỗ trợ đường không, cho cuộc tấn công của Mỹ vào Afghanistan nhằm lật đổ chính quyền Taliban.

Các máy bay cất cánh từ đây đã thực hiện nhiều nhiệm vụ tiếp dầu cho máy bay chiến đấu và thả hàng cho lính chiến. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ lại từ chối không để Mỹ tổ chức các cuộc không kích từ Incirlik trong cuộc chiến Iraq 2003, dù có cho phép Mỹ dùng nơi đây để tải hàng cho binh lính ở Iraq.

Với vai trò một thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền giới hạn hoạt động của căn cứ và chỉ cho phép dùng nó vào các hoạt động có liên quan tới liên minh này. Trong khi đó, hoạt động không kích chống IS, tương tự là chiến dịch quân sự chống Iraq và Afghanistan, có liên quan tới một nước không phải thành viên NATO.

Theo Stephens, với quyết định mới của Thổ Nhĩ Kỳ, Incirlik sẽ được sử dụng phối hợp nhịp nhàng cùng hàng loạt căn cứ của Mỹ nằm trên khắp vùng Trung Động. "Có rất nhiều căn cứ khác ở trong khu vực mà Mỹ có thể điều hành và sử dụng. Nhưng với việc (Incirlik) nằm cách điểm nóng ở Syria có 100 km, đây rõ ràng là nơi quan trọng bậc nhất" - ông nói.

Tường Linh (Theo AFP)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm