Cái tát - nhìn từ bục giảng...

08/11/2018 07:17 GMT+7

(Thethaovanhoa.vn) - Dư luận đang phẫn nộ về cô giáo chủ nhiệm lớp 5/2 tại trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Tân Bình, TP.HCM). Để kỷ luật những học sinh nói chuyện riêng, cô có một hình phạt kỳ lạ: các em phải tự tát vào mặt mình khi mắc lỗi nói chuyện, gây mất trật tự trong giờ học. Và đến tháng 10 vừa qua, đã có học sinh phải tự tát 32 cái, trước mặt bạn bè.

Tất nhiên, không ai chấp nhận nổi hình phạt ấy. Và thông tin mới nhất từ trường tiểu học này cho biết: sau khi đình chỉ dạy, cô giáo này đã bị kỷ luật khiển trách và tạm thời đưa khỏi danh sách… cán bộ nguồn của trường.

Thời đi học, hình thức phạt chúng tôi hay phải chịu là véo tai, vụt thước kẻ, quỳ gối khoanh tay, đứng úp mặt vào tường góc lớp... Ngoài ra còn có hình thức lao động quét dọn nhà vệ sinh chung, quét sân chơi, ghi sổ liên lạc gửi gia đình, cao hơn là mời phụ huynh đến gặp mặt. Cao nhất là đuổi học - số này rất ít.

Chú thích ảnh
Trường Tiểu học Trần Văn Ơn nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Internet

Vào học cấp 3, mấy đứa chúng tôi ngồi bàn cuối lớp, trong giờ học tiếng Anh có trêu đùa một bạn gái đi ngang qua cửa sổ rồi cười ầm lên. Thầy giáo đứng lớp hôm đó là người có tuổi, có thâm niên và kinh nghiệm giảng dạy lâu năm đã không kiềm chế được, mắng mỏ to tiếng và đuổi cả bốn đứa ra ngoài, hẹn sau tiết học gặp thầy.

Chúng tôi sợ và thực sự hoảng hốt vì lần đầu bị hình phạt như vậy khi chuyển cấp. Bốn đứa lo sợ đi lang thang, đợi cuối giờ vào gặp thầy.

Và câu đầu tiên thầy nói: “Trước tiên xin lỗi các em vì thầy đã nóng giận. Nhưng thầy buộc phải làm như vậy bởi vì các em thiếu tôn trọng tập thể lớp, không tôn trọng thầy giảng bài và không tôn trọng chính bản thân các em”. Sau đó thầy nhắc nhở và tha lỗi cho chúng tôi vì là lần đầu. Thầy bảo, hy vọng đây cũng là lần cuối cùng những lỗi kiểu như trên xảy ra trong giờ dạy của thầy.

Chúng tôi im lặng cúi đầu nghe, không dám ho he gì cả. Sau này tất cả bốn đứa hầu như không xảy ra bất cứ một việc gì liên quan đến kỷ luật trong giờ học. Đến bây giờ thi thoảng ngồi cùng nhau khi họp lớp, chúng tôi vẫn hay kể lại chuyện ấy.

***

Trở lại với câu chuyện ở trường Trần Văn Ơn. Chia sẻ với báo giới, cô giáo đã giãi bày về tâm huyết của mình khi giảng dạy, về những nỗ lực để chấn chỉnh học trò - trước khi phải sử dụng đến biện pháp cuối cùng là bắt các em tự tát vào mặt. Qua những lời ấy, tôi nhận thấy tâm huyết, trách nhiệm của cô.

Nhưng, biện pháp mang tính bạo lực đó rốt cuộc có hiệu quả không, hay chỉ thể hiện sự bất lực của giáo viên đối với việc xây dựng ý thức và hứng thú học tập cho học sinh?

Sốc với clip cô giáo bạo hành trẻ mầm non dã man, công an Đà Nẵng vào cuộc

Sốc với clip cô giáo bạo hành trẻ mầm non dã man, công an Đà Nẵng vào cuộc

Liên quan đến clip bạo hành trẻ được cho là quay được tại nhóm trẻ gia đình trên đường Thái Thị Bôi (Q. Thanh Khê, TP Đà Nẵng) đăng tải trên mạng xã hội sáng hôm nay (21/5), cơ quan công an đã tiến hành điều tra vụ việc, đưa giáo viên có liên quan về cơ quan công an để phục vụ điều tra.

Hãy đặt câu hỏi: vì sao các em lại không hứng thú học mà mải mê nói chuyện? Để trả lời, rõ ràng không chỉ nhìn về phía học sinh. Các giáo viên cần phải nhìn cả vào mình, từ trên bục giảng.

Từ câu chuyện của bản thân, tôi tin rằng dù với hình phạt nào, mục đích cao nhất của nó vẫn là giúp các em tự ý thức được cái sai của mình, ngăn chặn cái sai đó tái diễn và hứng thú trở lại với việc học.

Cái tát ở trường Trần Văn Ơn không chỉ làm các em học sinh đau về thể xác. Nó liên quan tới một nỗi đau khác của ngành giáo dục: công việc “trồng người” vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc lấy được lòng tin của cộng đồng.

Đào Quốc Thắng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm