28/12/2024 14:59 GMT+7 | Thể thao
Max Purcell, nhà vô địch đánh đôi Mỹ mở rộng 2024 là người mới nhất tự nguyện chấp nhận cấm thi đấu tạm thời vì vi phạm chống doping về truyền dịch.
Câu hỏi là tại sao tất cả những vi phạm này có thể xảy ra đối với những vận động viên chuyên nghiệp, bởi một hàng rào những quy định và luật lệ được tạo ra để ngăn các tay vợt có nguy cơ vi phạm, nhưng liệu có sai lầm nào đó trong quá trình kiểm tra hay không?
Một quy trình mù mịt
Có những con số cần biết: Năm 2018, 72% số vận động viên bị phát hiện có doping trong cơ thể không bị phạt. Cùng năm đó, Liên đoàn quần vợt quốc tế (ITF) đã giảm 40% xét nghiệm doping máu. Honest Sport đã phát hiện ra rằng có tới 156 vận động viên quần vợt chuyên nghiệp đã không vượt qua được các cuộc kiểm tra chất kích thích từ năm 2013 đến 2019 và chỉ có 1/3 trong số họ (34%) bị xử phạt.
Một chuyện khác: ITF tuyên bố 72% trong số các tay vợt có kết quả xét nghiệm dương tính trong năm 2016 không bị đình chỉ thi đấu. Danh tính của họ, loại chất mà họ vi phạm và lý do tại sao họ được xóa mọi cáo buộc chưa bao giờ được công khai.
Kể từ tháng 9/2016, đã công khai thông báo tất cả các lệnh đình chỉ tạm thời. Tuy nhiên, nếu một vận động viên có kết quả xét nghiệm dương tính với "Các chất được chỉ định", chẳng hạn như thuốc hen suyễn, thuốc lợi tiểu hoặc corticosteroid, họ có thể từ chối lệnh đình chỉ tạm thời và tiếp tục thi đấu. Điều này cũng áp dụng trong bơi lội, đạp xe và điền kinh.
Một hệ thống kĩ thuật đã được thiết kế để phát hiện gian lận trong quần vợt đã bị giám sát chặt chẽ sau khi cựu vô địch Wimbledon Simona Halep bị cấm thi đấu vì vi phạm doping. Trước đó, tay vợt đánh đôi người Anh Tara Moore mất 2 năm sự nghiệp cũng tạo ra nhiều câu hỏi. Cô trở lại thi đấu sau khi đồ ăn (cụ thể là thịt) bị nhiễm bẩn được cho là nguyên nhân khiến cô không vượt qua được bài kiểm tra.
Những người đứng đầu Cơ quan liêm chính quần vợt quốc tế (ITIA), khẳng định rằng hệ thống này vẫn phục vụ mục đích của mình. "Không ai muốn hạ gục các tay vợt quần vợt hoặc hủy hoại sự nghiệp của họ mà không có lý do. Nhưng chúng tôi tuân theo bằng chứng và chuyên môn độc lập để đưa ra kết luận", một nguồn tin của ITIA nói.
"Đối với họ, đó là một thủ tục. Nó có một nhiệm vụ là đưa ra cho chúng tôi hình phạt lớn nhất có thể theo cáo buộc", cựu tay vợt số 75 thế giới Kamil Majchrzak, người đã bị cấm thi đấu 13 tháng sau khi không vượt qua được bài kiểm tra doping vào năm 2022, cho biết. "Nhưng cuộc sống của chúng tôi mới là thứ đang ở bờ vực, không phải của họ", Majchrzak kết luận.
Liệu có công bằng?
HLV của Majchrzak, Marcel du Coudray, gần đây tuyên bố, ITIA không có nhiều sự đồng cảm và "bắt nạt" các vận động viên chấp nhận hình phạt. Mỗi mùa giải, ITF đều tiến hành kiểm tra doping trong và sau mỗi giải đấu đối với 100 vận động viên đơn nam và đơn nữ hàng đầu thế giới, những người nằm trong nhóm xét nghiệm doping đã đăng ký của ITF. Các vận động viên phải cung cấp thông tin về nơi ở của mình trong một giờ mỗi ngày trong năm để có thể xác định vị trí của họ để kiểm tra doping.
Theo số liệu thống kê của Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA), ITF đã thu thập 60.637 mẫu máu và nước tiểu từ năm 2013 đến nay, từ các vận động viên trong và ngoài Top 100 thế giới. Chỉ có khoảng 300 mẫu này được phát hiện có chứa chất bị cấm, tỉ lệ 0,5%.
Mỗi khi một tay vợt chuyên nghiệp không vượt qua được bài kiểm tra doping, cơ quan chống doping có liên quan sẽ đảm bảo rằng bài kiểm tra được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn quốc tế. Nếu đúng như vậy, khi cơ quan chống doping tin rằng tay vợt cần phải trả lời, thì họ sẽ bị buộc tội vi phạm quy định chống doping và trong nhiều trường hợp, bị đình chỉ tạm thời.
Sau đó, các tay vợt có cơ hội tự bào chữa cho mình trước cáo buộc của cơ quan chống doping tại một tòa án độc lập. Honest Sport đã phát hiện ra rằng trong số 300 mẫu xét nghiệm doping dương tính, được phán quyết là có kết quả phân tích bất lợi (AAF), chỉ có 53 mẫu (25%) dẫn đến việc một tay vợt bị kết luận vi phạm quy định chống doping (ADRV).
Năm ngoái, ITIA đã tiến hành 7.247 cuộc xét nghiệm doping trong và sau mỗi giải đấu. Trong số đó, có 13 xét nghiệm không đạt và dẫn đến án treo vợt tạm thời. Các cuộc điều tra về các cuộc kiểm tra doping không thành công thường rất phức tạp, đặc biệt là khi các tay vợt phủ nhận việc cố tình sử dụng chất cấm.
Một tay vợt sẽ đưa ra bằng chứng để bác bỏ hoặc giảm nhẹ kết quả kiểm tra không thành công, khiến ITIA phải tiến hành điều tra và thử nghiệm thêm. Trong trường hợp của Halep, tòa án độc lập đã nhận được khoảng 8 nghìn trang bằng chứng từ luật sư của tay vợt và ITIA.
Thiên Ý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất