U23 Việt Nam đã thấy giới hạn sau BTV Cup

06/11/2013 14:22 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Thất bại trong một pha tổ chức lên bóng mang tính quyết định về cuối trận, U23 Việt Nam bị phản đòn, khi bóng được dồn cho Dieng Abass, ngoại binh duy nhất trên sân, ở trận chung kết BTV Cup với B.BD. Có đến 3, 4 cái bóng áo trắng bị hút về phía Abass, để rồi lần lượt bị loại bỏ chỉ bằng vài động tác nhắp nhả đơn giản, trước khi tiền đạo da màu này chuyền vào như đặt để Tăng Tuấn kết liễu giấc mộng bá vương của U23 Việt Nam.

Đấy đã là phút 87 và thời gian còn lại của trận chung kết không đủ để U23 Việt Nam lật ngược được thế cờ, hay ít nhất tìm bàn gỡ và một lần nữa đưa trận đấu đến chấm đá luân lưu. Tất cả đều ngỡ ngàng sau bàn thua, nhưng điều đó cho thấy một loạt những tồn tại.

Nho vẫn còn xanh

Trong tình huống bóng dẫn đến bàn thua, theo quan sát, có thể thấy Quang Hùng, Mạnh Dũng, Thanh Hiền và Mạnh Hùng…đều đã bị hút về phía Dieng Abass. Nhưng cuối cùng, sức mạnh cơ bắp của tiền đạo người Senegal đã chiến thắng tất cả.

Tuy nhiên, đường căng ngang vào trong của Abass sẽ không bao giờ có điểm đến, nếu các hậu vệ còn lại của U23 Việt Nam để mắt tới 3 cái bóng áo đỏ của B.BD trong khu vực cấm địa đội nhà. Lý do rất đơn giản: Họ (ít nhất 4 cái bóng áo trắng còn lại cũng bị hút về hướng di chuyển của Abass).

U23 Việt Nam (áo trắng) vẫn còn rất nhiều hạn chế về chuyên môn. Ảnh: Quang Nhựt

Rõ ràng, việc phân công nhiệm vụ phòng ngự (theo khu vực hoặc một kèm một) của U23 Việt Nam có vấn đề, khi trung vệ trụ cột Thanh Hào đã rời sân trước đó (vì chấn thương) và người thế vai Ngọc Hải chưa kịp bắt nhịp.

Bóng đá có một nguyên tắc bất di bất dịch rằng cầu thủ di chuyển (không bóng) sẽ điều khiển hướng chuyền bóng. Thi thoảng cũng xuất hiện vài chân chuyền xuất chúng, với khả năng chọn điểm rơi và quỹ đạo hoàn hảo, giúp đồng đội di chuyển nắm lợi thế khi nhận bóng, nhưng chắc chắn không phải trường hợp của Abass.

Tham khảo ý kiến của một bộ phận các cầu thủ đàn anh, nếu hàng phòng ngự của ĐT U23 Việt Nam dùng số đông và sức trẻ, tranh chấp quyết liệt hơn, thay vì chỉ tham gia tình huống bóng khá nửa vời, Abass sẽ không thể tung hoành ngang dọc trong không gian khá hẹp và cũng sẽ không có đường chuyền vào trong, bàn thua chắc chắn cũng không tới.

Đây lại là một vấn đề khác, liên quan đến việc phân phối sức chưa thật hợp lý của các cầu thủ trẻ. Bóng đá, với một trận chung kết là 90 phút (hoặc hơn), chứ không phải chỉ đấu một hiệp.

Như vậy là, bên cạnh khả năng dứt điểm (còn kém), U23 Việt Nam cần phải cải thiện thêm các yếu tố cần (chứ chưa phải đã đủ) ở khâu phòng ngự và khả năng giữ thăng bằng suốt trận (hoặc suốt giải). Thể lực, đặc biệt với cơ địa của người Việt Nam, không bao giờ là thứ bất tận cả, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể cải thiện nó thông qua tích lũy và một phương pháp hợp lý!

Và giấc mộng vẫn còn cao?

Theo kế hoạch, hôm nay, BTC SEA Games 27 (môn bóng đá nam) sẽ bốc thăm, chia lịch. ĐT U23 Việt Nam có thể rơi vào bảng khó (hoặc dễ), tuỳ theo quan điểm của mỗi người. Nhưng nếu chúng ta nằm cùng bảng đấu với nhà vô địch Malaysia, Thái Lan và đội chủ nhà Myanmar, nó cũng không phải là thảm họa. Trong bóng đá, để trở thành nhà vô địch, bạn phải đánh bại tất cả những đối thủ mạnh nhất. Tuy nhiên, thi thoảng một bộ phận những người làm chuyên môn và thậm chí cả người hâm mộ, không nghĩ thế.

“Chắc chắn chúng tôi sẽ phải cần thêm một chút may mắn trên đất Myanmar sắp tới đây”, HLV Hoàng Văn Phúc nói. “Với mật độ thi đấu (có thể) 2 ngày/trận, chúng ta hoàn toàn có thể phải đối diện với những ca chấn thương hoặc quá tải.

Đội bóng sẽ giải quyết từng trận một và một khi đã lọt vào tới bán kết rồi, thì số phận sẽ quyết định. Tôi không nói trước, nhưng nếu thời cơ mở ra, chúng tôi sẽ nắm lấy nó. Chiếc huy chương màu gì, phải đợi đến khi cuộc chơi kết thúc mới biết đích xác được”, HLV Hoàng Văn Phúc cho biết thêm.

Chúng ta dành nhiều tháng, thậm chí là cả năm trời (nếu tính từ thời điểm ĐT U22 Việt Nam lâm thời được thành lập để tham dự BTV Cup 2012, làm tiền đề cho hình hài của U23 Việt Nam sẽ đá SEA Games 27) để chuẩn bị, nhưng khi vào giải, lại chỉ có thể tính (hoặc giải quyết) từng trận một, như thế là không hợp logic.

Tuy nhiên, cá nhân ông Phúc cũng không cần phải nề hà, bởi tư duy nhiệm kỳ dường như đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt Nam. Bất cứ một đồng nghiệp nào của ông Phúc đang hành nghề tại V-League cũng luôn nói thế, dù giải đấu kéo dài đến hơn nửa năm trời.

Nếu chúng ta vẫn chỉ thêu dệt những giấc mộng theo cách đó, thành công tức thời cũng sẽ qua mau thôi và sự ổn định là thứ xa xỉ. Hãy điểm lại mà xem, kể từ sau lần vô địch AFF Cup 2008, giải đấu mà ĐT Việt Nam tưởng như đã bị loại ở vòng đấu bảng, đến lúc này, nền bóng đá xứ sở đã tiến được đến đâu rồi?! Hỏi mà như thể đã trả lời!

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm