Giải Cống hiến - “Ngược chiều vun vút”

05/07/2012 15:45 GMT+7 | Giải Âm nhạc Cống hiến


(TT&VH) - Xin được mượn tạm tựa đề cuốn sách đang bán rất chạy của “Mr. Dâu Tây” để làm chủ đề cho bài viết này bởi lẽ cái tựa ấy dễ khiến người ta liên tưởng đến một hành vi: Đi ngược chiều của số đông, nhưng lại lao vun vút. Phải chăng, đó cũng là hình ảnh chân thực nhất về  giải thưởng “Âm nhạc Cống hiến” do TT&VH tổ chức thường niên?

Trong âm nhạc, có lẽ chẳng ai dại gì đứng trước bàn dân thiên hạ để vỗ ngực mà hét lên rằng, âm nhạc của mình là “vàng mười chính hiệu” còn sản phẩm của kẻ khác chỉ là thứ “đồng thau” rẻ tiền. Tuy nhiên, dựa trên những quy phạm và giá trị chung đã được xã hội thừa nhận, có lẽ chúng ta cũng chẳng mấy khó khăn để nhận ra đâu là “vàng”, đâu là “thau tạp”.


Giải Cống hiến 2011 đã được trao vào ngày 22/4/2012

Khi người ta quen với sự dễ dãi

Thật không may là không phải lúc nào những thứ giá trị cũng được người ta chuộng mà đặt lên hàng đầu, nhất là khi đó lại là các sản phẩm âm nhạc trong thời đại số như hiện nay. Điều này xuất phát từ vô vàn lý do, mà chung quy lại vẫn gói gọn trong hai chữ “lợi ích”.

Trong giới sáng tác, ngoài những người tự gắn cho mình cái mác nhạc sĩ, không ít cây viết có trình độ thực thụ nhưng chấp nhận “nhắm mắt đưa chân” để viết ra những ca khúc có ca từ sướt mướt, ngô nghê, đôi khi là dị hợm mà mục đích cốt yếu là thu lại lợi nhuận càng nhanh càng tốt.

Giới sáng tác đã vậy, bức tranh về thế giới “những người đi hát” có lẽ còn u ám gấp bội phần. Chính họ đã tạo ra “cầu” để giới sáng tác phải chạy theo mà đáp ứng nguồn “cung” cho đủ với số lượng ca sĩ đang xuất hiện như nấm sau mưa.

Oái ăm thay, số lượng lại tỉ lệ nghịch với chất lượng khi hàng loạt ca sĩ chỉ mới chân ướt chân ráo bước vào giới showbiz đã vội tìm mọi cách để nổi tiếng, tăng cát-sê. Thay vì tập luyện và đầu tư nghiêm túc để hoàn thiện hình ảnh, họ chọn cho mình những bài hát dễ lấy lòng số đông giới trẻ đang “yêu cuồng nhiệt, nghe nhàn nhạt” ngoài kia.

Đến đây, không thể không nhắc đến một lực lượng quan trọng, góp phần tạo nên sự tồn tại dai dẳng của các thể loại âm nhạc rẻ tiền, sướt mướt – đó chính là người nghe. Dường như lớp trẻ hiện nay cực kỳ dễ tính với âm nhạc. Nhiều người trong số họ sẵn sàng “huỵch toẹt” vào cái gọi là “giá trị nghệ thuật” và sẵn sàng vỗ tay tán thưởng cho những bài hát có ca từ ủy mị. Thậm chí, họ sẵn sàng nhắn tin bình chọn cho một ca khúc “phản cảm” để tôn nó lên hàng top trong một giải thưởng âm nhạc gần đây.

Tuy nhiên, xét cho cùng, không thể đổ lỗi hết cho người nghe bởi cái gu âm nhạc hiện nay của lớp trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn từ các phương tiện truyền thông. Chính sự lăng-xê và vào hùa của nhiều sản phẩm báo chí, từ báo in đến báo mạng, dành cho những ca sĩ “lười lao động” cùng các ca khúc “nhố nhăng” đã dần định hình nên một gu âm nhạc đáng ngại của lớp trẻ.

“Ngược chiều số đông”

Ai cũng biết, làm nhạc thị trường giúp người ta thu hồi vốn nhanh gấp nhiều lần nhạc hàn lâm, cổ xúy cho nhạc thị trường mới là “thức thời” trong giai đoạn hiện nay. Xét trên quan điểm ấy, hẳn có người sẽ kết luận rằng, việc tổ chức Giải thưởng Âm nhạc “Cống hiến” mà TT&VH đang làm suốt 7 năm nay chẳng khác nào việc “đi ngược chiều” số đông, khó mà trụ vững.

Ngạc nhiên thay, không những không “nguội lạnh theo năm tháng”, “Cống hiến” đang ngày một khẳng định vị thế là giải thưởng âm nhạc danh tiếng bậc nhất tại Việt Nam mà bằng chứng là sự ủng hộ của những người có uy tín bậc nhất trong làng giải trí. Giải thưởng ấy đủ “lớn” để khiến một diva như Mỹ Linh ngất ngây, một nhạc sĩ từng trải như Anh Quân xúc động không nói khi bước lên sân khấu.

Cũng không khó để nhận ra rằng, dù là nghệ sĩ gạo cội hay những ngôi sao mới nổi, tất cả đều thực sự háo hức khi lắng nghe phần công bố giải thưởng thay vì “té ngửa vì bất ngờ” khi biết mình được giải như ở nhiều sự kiện âm nhạc khác. Còn về phần khán giả, dẫu có người không thích nghe một vài ca khúc và giọng ca được đề cử trong giải thưởng hằng năm nhưng có một điều gần như chắc chắn, sẽ chẳng ai có thể xếp chúng cùng “mâm” với những sản phẩm âm nhạc “dị dạng” đang đầy rẫy ngoài thị trường.

Cũng đúng thôi, bởi “Cống hiến” được các cây viết có uy tín nhất bình chọn nên để tôn vinh những nghệ sĩ biết lao động nghiêm túc để phục vụ những người yêu mến họ. Nó tôn vinh những sản phẩm và “nhà thiết kế” có tâm, có tầm giữa hàng loạt sản phẩm sản xuất đại trà. Tất nhiên, giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam không thiếu, nhưng chỉ ở “Cống hiến”, người ta mới thực sự tìm thấy một sân chơi riêng biệt cho những hoạt động đầu tư nghiêm túc, những giá trị âm nhạc có khả năng đứng vững theo năm tháng. Vậy nên, dẫu đang “ngược chiều gió” giải thưởng âm nhạc này không lớn mạnh mới thật là chuyện lạ.

Nhật Minh


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm