Các đội V-League trụ hạng như thế nào?

12/08/2015 11:09 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - HAGL có thể mở cửa trụ hạng bằng cách nào? Dưới đây là “tư vấn” của… quá khứ.

Bơm tiền trụ hạng còn hơn đua vô địch

Vicem Hải Phòng viết nên câu chuyện đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam ở V-League 2011. Để chống xuống hạng, lãnh đạo đội bóng treo thưởng tổng cộng 10 tỉ đồng trong 4 vòng cuối. Con số khiến cả làng bóng ngã ngửa, bởi cách đó 2 năm, đội dư dả cỡ SHB Đà Nẵng của bầu Hiển chỉ thưởng cả thảy 13 tỉ đồng cho cả mùa.

Có tiền, Vicem Hải Phòng đá bốc hẳn. Trước vòng 23, họ thua 3 trận liên tiếp. Vòng 23, Hải Phòng thắng Hòa Phát Hà Nội 2-1, trận đấu mà lãnh đạo tập đoàn Hòa Phát giận tím tái vì cho rằng trọng tài Trần Công Trọng đã xử ép họ, sau đó hạ tiếp Becamex Bình Dương 1-0. Các chiến thắng ấy giúp Hải Phòng chỉ cần giành thêm 1 điểm nữa trong 2 vòng cuối (hòa Hà Nội ACB) để chính thức trụ hạng. Cùng giành 30 điểm như Đồng Tâm Long An nhưng Hải Phòng hơn ở thành tích đối đầu.

Cầu thủ ở V-League luôn “tăng động” vì tiền thưởng. Bầu Đức từng tuyên bố không thưởng các cầu thủ trẻ của đội hiện tại nhưng sau cùng cũng phải phá lệ sau trận thắng bất ngờ trước B.Bình Dương. Ông Đức liệu có “phá lệ” thêm… vài lần nữa?

“Cải tử hoàn sinh”

Nói đúng hơn là “chết thật”, nhưng sau đó “cải tử hoàn sinh”. Đây là “nghệ thuật sinh tồn” có lẽ chỉ có ở V-League. Đó là trường hợp của LG HN ACB tại V-League 2004, Navibank Sài Gòn và CLB Thanh hóa ở V-League 2010, HN ACB tại V-League 2012 và Hải Phòng ở V-League 2013.

Đứng bét bảng V-League 2003 với chỉ 11 điểm giành được sau 22 vòng, LG.HN.ACB đã xuống hạng thẳng cánh, nhưng ông bầu Nguyễn Đức Kiên của họ thì lại quá khôn ngoan. Ông bầu này đứng ra tiếp quản toàn bộ đội bóng từ Hàng không Việt Nam và đổi tên, thế là đội nghiễm nhiên được dự V-League năm sau.

Chiêu thức này 6 năm sau được Ngân hàng Nam Việt Navibank tái sử dụng, khi chi 12 tỉ đồng mua lại đội Quân khu 4, CLB chỉ mới lên hạng và thi đấu rất tốt ở V-League 2009. Năm 2010, Thanh Hóa chi 80 tỉ đồng mua lại toàn bộ dàn sao của Thể Công để “tái sinh” ở V-League. Đúng 2 năm sau, bầu Kiên áp dụng chiêu thức cũ khi ghép đội Hòa Phát Hà Nội đã giải thể với HN ACB để thành lập CLB bóng đá Hà Nội. 1 năm sau nữa, Hải Phòng chữa lành nỗi đau xuống hạng của V-League 2012 bằng cách nắm cơ hội mua lại suất chơi V-League của Khánh Hòa, đội không có đủ kinh phí hoạt động.

Thế là xong, Hải Phòng giờ vẫn đường hoàng đá V-League. Lịch sử đội bóng không bị gián đoạn, vẫn phát triển như thường.

Tất nhiên, vẫn còn quá nhiều chiêu như  kết giao với trọng tài, cầu cứu các đội đã hết động lực khi đối đầu… nhưng như thế lại không phải bầu Đức và tất nhiên chẳng ai mong muốn ông Đức làm thế.

Gia Hưng (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm