Cà phê đầu tuần: Nadeshiko và sự chịu đựng của tuyển nữ Nhật Bản

07/08/2023 15:34 GMT+7 | Thể thao

Trong trận chung kết World Cup bóng đá nữ năm 2011, đội tuyển Nhật Bản đã giành chức vô địch sau khi đánh bại đội Mỹ hùng mạnh trên chấm luân lưu, trong một trận đấu mà đài truyền hình NHK Nhật Bản đã đặt nguyên một số 7 to đùng lên một góc phần tư màn hình, chắn góc nhìn người xem suốt trận.

1. Số 7 ấy không có ý nghĩa gì đặc biệt. NHK chỉ đặt ở đó để nhắc nhở người xem rằng chỉ còn một tuần nữa thôi là sóng truyền hình sẽ được chuyển đổi từ tín hiệu analog sang kỹ thuật số. Sự xem thường của đài lớn nhất Nhật Bản cho thấy bóng đá nữ vào chung kết World Cup không có nhiều ý nghĩa lắm vào thời điểm ấy.

Ở Nhật Bản, bóng đá nữ không được xem là bóng đá thật sự. Vào những năm đầu thập kỷ 1980, giải nữ được tổ chức với những luật chơi phân biệt rõ ràng: Sân nhỏ hơn, với một "quả bóng dành riêng cho các cô gái", hai hiệp đấu chỉ kéo dài có 25 phút, và cầu thủ được phép… dùng tay để bảo vệ ngực.

Tình hình được cải thiện hơn sau khi giải vô địch quốc gia nữ được tổ chức vào năm 1989, tạo được tiếng vang nhất định trong những năm thịnh vượng đầu thập niên 1990. Nhưng cuối thập kỷ, nền kinh tế suy thoái và giải đấu bắt đầu đi xuống. Tình hình trở nên tồi tệ đến mức một số CLB đã ngừng thu tiền vé vào cửa.

Những cầu thủ nữ giành chức vô địch World Cup 2011 trưởng thành trong thời gian này. Nhiều người thậm chí bắt đầu sự nghiệp chơi bóng trong các đội nam vì không có trường học nào tổ chức CLB bóng đá nữ. Phần lớn các tuyển thủ đều chỉ chơi bóng nghiệp dư và tập luyện sau giờ làm việc bán thời gian.

Biệt danh nguyên thủy của đội nữ Nhật Bản là Nadeshiko (hoa cẩm chướng). Cũng như loài hoa thường được tìm thấy trong những dãy núi cao ở Nhật Bản, phụ nữ Nhật Bản thường biết đến với vẻ đẹp dịu dàng, bình thản, không hào nhoáng, và thậm chí có phần cam chịu. Nó mô tả rất đúng những cầu thủ nữ Nhật Bản vào thời điểm ấy: Rất giỏi, nhưng sẵn sàng chịu đựng mọi thứ, từ thu nhập thấp, đến sự ghẻ lạnh của truyền thông.

Nhưng chức vô địch năm 2011 đã thay đổi ý nghĩa của Nadeshiko. Ngày nay, nó mô tả các cầu thủ nữ là những chiến binh dũng cảm đầy quyết tâm, chứ không chỉ là những bông hoa núi mong manh.

Cà phê đầu tuần: Nadeshiko và sự chịu đựng của tuyển nữ Nhật Bản - Ảnh 1.

Các cô gái Nhật Bản đang tạo ấn tượng rất mạnh ở VCK World Cup 2023

2. Nhật Bản đã vào tứ kết với những màn trình diễn cực kỳ thuyết phục, đến nỗi mà Michael Cox, một cây viết chiến thuật uy tín ở châu Âu, phải thốt lên trong bài viết của mình trên trang The Athletic rằng, "làm sao bạn có thể ngăn chặn Nhật Bản lại đây"? Với ông, đây là đội bóng hoàn hảo về khía cạnh chuyên môn lẫn tinh thần.

Nhưng trước khi giải đấu diễn ra, bà Haruna Takata, chủ tịch Giải VĐQG nữ Nhật Bản, đã nhắc lại sự lo ngại về sự thờ ơ của khán giả Nhật Bản với các môn thể thao nữ nói chung và bóng đá nói riêng: "Ở Nhật, người ta thường tập trung nhiều vào ngoại hình và sự dễ thương của vận động viên. Họ không hứng thú với bóng đá nữ trên khía cạnh này".

Theo báo cáo về khoảng cách giới toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới, Nhật chỉ xếp thứ 116, và là quốc gia duy nhất trong nhóm các nước G7 nằm ngoài Top 100 danh sách này. Đội tuyển nữ Nhật Bản đang nằm trong tốp thế giới và các cầu thủ của họ đang chơi thứ bóng đá đẳng cấp hàng đầu, nhưng có những thứ vẫn chưa thể thay đổi.

Chuyện này có lẽ chỉ diễn ra ở Nhật. Năm 1921, ở Anh, người ta cấm phụ nữ đá bóng vì nghĩ rằng họ không hề hợp để chơi môn này. Gần một thế kỷ sau, tại Thế vận hội 2012, 70 ngàn khán giả đã lấp đầy các khán đài trong trận chung kết tại Wembley giữa chủ nhà Anh và Brazil. Chỉ hai năm trước, 2 kênh truyền hình lớn là BBC và Sky đã ký thỏa thuận phát sóng ba năm giải VĐQG nữ Vương quốc Anh. Một năm trước, họ giành chức vô địch châu Âu với số lượng khán giả theo dõi trận chung kết khắp thế giới lên đến 50 triệu người.

3. Hôm nay, đội nữ Nhật Bản vẫn sẽ phải bước tiếp, với hình ảnh của hoa cẩm chướng lởn vởn trong đầu. Đấy sẽ là đội tuyển độc nhất vô nhị ở World Cup lần này: Ngay cả khi họ chiến thắng, thì với mỗi cầu thủ, bóng đá luôn là một gánh nặng, không hề liên quan gì đến đẳng cấp của họ. Và điều này làm cho đội nữ Nhật Bản trở thành tập thể đáng xem nhất ở World Cup: Chúng ta khó có thể tưởng tượng ra những vận động viên vừa thi đấu vừa chịu đựng được sự thiếu ghi nhận đáng ngạc nhiên ấy, từ chính các khán giả nhà của họ.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm