Cà phê đầu tuần: Cái giá của HLV Mai Đức Chung

17/07/2023 06:59 GMT+7 | Bóng đá Việt

Năm 2015, trong một cuộc đi bộ đường dài, CEO Dan Price nghe lại câu chuyện từ một người bạn đang vật lộn để trả các hóa đơn và tiền thuê nhà, dù kiếm được tới 40 ngàn USD/năm.

1. Anh cảm thấy điều này thật đáng phẫn nộ: Một CEO như anh có thu nhập khoảng hơn một triệu USD/năm, trong khi hầu hết các nhân viên sẽ gặp khó khăn như người bạn của anh. Dan ngay lập tức nhận ra lý do, rằng anh chính là một phần của vấn đề. Vào thời điểm ấy, một CEO ở Mỹ kiếm gấp 300 lần so với nhân viên trong công ty.

Price đi đến một quyết định táo bạo: Anh cắt giảm 90% thu nhập của chính mình, để giúp công ty duy trì một chính sách vô tiền khoáng hậu, cho phép lương tối thiểu một năm của mỗi nhân viên là 70 ngàn USD. Theo một nghiên cứu về tương quan giữa tiền bạc và hạnh phúc, thì đấy là mức thu nhập cần thiết để một người có thể cảm thấy hạnh phúc rõ ràng.

Vậy là 70% số nhân viên trong công ty của Dan Price đã trả hết nợ, và một phần mười có thể mua được nhà riêng. Số lượng công việc được xử lý cũng tăng lên gấp ba lần, với hiệu suất tăng 76%, gấp đôi mức tăng trưởng trung bình ở Mỹ. Đấy là một kỳ tích.

Mẫu lãnh đạo được khen ngợi nhiều nhất thường là những con người phi thường, kiểu Elon Musk: Kiếm được nhiều tiền khi còn rất trẻ, năng lực vượt trội, và tất nhiên, thu nhập cũng thế.

Không ai quan tâm đến mẫu lãnh đạo chịu-thiệt-thòi, cho đến khi Da Price đưa ra một quyết định điên rồ, làm mọi người hiểu ra rằng hóa ra có một cái giá thật sự cho hạnh phúc của nhân viên, để họ có thể làm việc với hiệu suất gấp đôi, gấp ba bình thường. Vấn đề duy nhất là: Rất ít lãnh đạo có thể chịu thiệt thòi, vì lợi ích tổ chức của họ. Nhưng khi có người chịu làm, thì đó có thể là mẫu lãnh đạo có xác suất tạo ra kỳ tích cao nhất trong số những người đứng đầu.

2. Có lẽ bây giờ nếu bạn liệt kê các thành tích của bóng đá nữ Việt Nam dưới thời HLV Mai Đức Chung, bạn hẳn phải nhận ra rằng ông xứng đáng là nhà cầm quân vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam: Trong 8 tấm huy chương vàng SEA Games của đội tuyển nữ VN trong lịch sử, thì 6 lần họ giành được dưới triều đại HLV Mai Đức Chung. Và chiến tích giành vé đi World Cup thì ông cũng là người đầu tiên trong lịch sử làm được.

Cà phê đầu tuần: Cái giá của HLV Mai Đức Chung - Ảnh 1.

HLV Mai Đức Chung là HLV luôn nghĩ về đời sống của các cầu thủ. Ảnh VFF

Ông Chung "xe ca" không phải là một mẫu lãnh đạo kiểu "alpha": Quá khiêm nhường, không hay nói về thành tích của mình, không độc đoán, và chấp nhận làm những việc… không ai làm (bạn hãy nhớ chuyện ông làm HLV tạm quyền ở ĐTVN khi HLV Hữu Thắng rời ghế), thậm chí sẵn sàng chịu thiệt thòi.

Đấy là HLV luôn nghĩ về đời sống của các cầu thủ. Các tuyển thủ nữ từng kể lại một chuyện rằng có thời, lệ ở đội tuyển là mỗi người phải đóng tiền quỹ đội cho các sinh hoạt kiểu sinh nhật, hay liên hoan đội. Ông Chung chấm dứt chuyện này bằng cách liên hệ với các đội bóng muốn đá tập với đội tuyển nữ để lấy kinh phí cho các hoạt động này, trích tiền từ đó mua quà tặng cho các học trò. Ông không muốn họ phải tốn thêm tiền, vì mức lương vốn đã thấp.

Ông cũng hiểu về sự đánh đổi của họ: "Cầu thủ nữ chịu nhiều thiệt thòi. Riêng việc gội đầu, họ phải gội mỗi ngày hai lần sau khi tập. Họ cũng là những cô gái muốn ăn mặc đẹp để mọi người ngắm nhìn, nhưng trong bóng đá thì phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ". – Trích bài phỏng vấn trên VOV.

3. Trước khi World Cup bóng đá nữ khởi tranh, có tin rằng vì chưa có bằng FIFA, ông không được đăng ký với chức danh HLV trưởng đội tuyển nữ ở World Cup lần này. Tất nhiên đấy chỉ là tin giả, nhưng nó bất chợt làm chúng ta phải nhớ về vai trò của ông: Để dẫn dắt một tập thể vốn chịu thiệt thòi trong nhiều năm như đội tuyển bóng đá nữ, thì người dẫn đầu luôn phải là người kiên nhẫn nhất, dám chịu thiệt thòi nhất, và nghĩ về người khác nhiều nhất. Bóng đá nữ không dành cho những HLV hưởng lương cao, chỉ tập trung vào chuyên môn, và quên đi mất mình đang làm việc với những người như thế nào.

Họ của CEO đã tự hạ lương mình để đảm bảo hạnh phúc cho nhân viên là Price, trong tiếng Anh nghĩa là cái giá. Không nhiều lãnh đạo muốn trả một cái giá nào đó cho hạnh phúc của những người họ lãnh đạo. Trong số ít đó, chắc chắn có ông Mai Đức Chung, người từng tâm sự rằng mong muốn của ông là các cầu thủ nữ đều sẽ có cuộc sống "êm ấm". Và nếu không phải ông, có lẽ không ai dám mơ đến chuyện cùng tập thể này giành một kỳ tích nào đó ở World Cup nữ lần này.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm