03/07/2023 05:18 GMT+7 | Bóng đá Việt
Tháng Một vừa rồi, tòa Đại hình Old Bailey (London) tuyên buộc Ronald Hughes, kẻ cầm đầu đường dây buôn người dẫn đến cái chết của 39 người Việt trong container vào năm 2019, bồi thường 180 ngàn bảng Anh cho các nạn nhân.
1. Số tiền này tương đương khoảng hơn 4 tỷ đồng tiền Việt, chia đều ra cho gia đình các nạn nhân thì có lẽ còn không bằng số tiền họ đã phải đóng để ra đi. Cái giá phải trả là quá đắt. Với con đường container thì có lẽ nhiều người đã mường tượng được cuộc sống của những người lao động nếu họ có may mắn sang được Anh: Bất an, với điều kiện làm việc có thể rất khắc nghiệt.
Năm đó, kinh tế Việt Nam phát triển rực rỡ, với GDP tăng 7,2%, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo vật giá năm 2019 ước tính đạt hơn 110 triệu đồng (5.000 USD)/lao động. Nhưng câu chuyện day dứt nhất là về người đã lựa chọn ra đi, bất chấp việc phải đối mặt với nhiều nguy hiểm và cuộc sống khắc nghiệt nơi xứ người.
Trước đây, động cơ để đi được lý giải hoàn toàn một cách "vật chất", kiểu cố gắng xuất khẩu lao động vì quá nghèo; còn động cơ để trở về được lý giải hoàn toàn trên khía cạnh lên gân "tinh thần", kiểu bỏ việc lương ngàn đô để về cống hiến cho đất nước. Trong cả hai cách lý giải này, điểm chung là Việt Nam không phải môi trường làm việc mơ ước. Người đi thì để thoát đói nghèo còn người về thì phải vì yêu nước lắm mới vượt qua được các trở ngại.
Không ai quan tâm đến những trường hợp ngược lại. Liệu một người có thể cố ra nước ngoài không phải vì tiền? Có thể. Đó là những "đại gia" đã không còn phải nghĩ về đồng tiền nữa, giờ muốn nghĩ về chuyện đi định cư. Và ngược lại, liệu một người về nước chỉ đơn giản vì họ thấy rằng ở nước ngoài, đãi ngộ thậm chí không tốt bằng trong nước? Cũng có thể. Có không ít vị trí mà các tập đoàn Việt Nam đã trả lương cao hơn hẳn so với nước ngoài, trong khi chi phí sinh hoạt ở quê nhà hợp lý hơn xứ người rất nhiều.
2. Người ta thường nói đến chữ "cơ hội" khi một cầu thủ Việt Nam được một CLB nước ngoài đánh tiếng hỏi mua, và hầu như chưa bao giờ chúng ta dám nghĩ đến chuyện V-League có thể kéo về đây một tuyển thủ châu Âu.
Nhưng với thương vụ Filip Nguyễn, mọi chuyện đã khác. Anh đã chơi 139 trận ở giải đấu hạng cao nhất của CH Séc, 79 trận cho Slovan Liberec và 60 trận cho FC Slovacko. Anh từng giành danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất mùa 2018-2019 của giải VĐQG Séc, thậm chí đã được triệu tập vào ĐTQG Séc (dù chưa được ra sân).
Và khi được hỏi về lý do chọn Việt Nam thi đấu, anh chia sẻ rằng rời châu Âu là một lựa chọn khó khăn, nhưng sau khi cân nhắc mọi yếu tố, anh quyết định vì thấy rằng "giá trị của tôi ở Việt Nam sẽ cao hơn ở CH Séc". Filip Nguyễn cũng bày tỏ mong muốn khoác áo ĐTQG Việt Nam trong tương lai. Anh cũng chia sẻ rằng ở CAHN, anh nhận được mức lương cao hơn hẳn so với ở Séc.
Tất nhiên, Filip Nguyễn cũng nói về tình cảm với quê cha đất tổ, nhưng chúng ta nhận ra rằng: Tuyển thủ châu Âu này thực sự muốn về Việt Nam thi đấu, vì cho rằng đây sẽ là môi trường tốt hơn, với định giá bản thân anh cao hơn ở Séc. Filip Nguyễn đã 31 tuổi, nhưng với một thủ môn, đây chưa phải độ tuổi dưỡng già. Anh còn khoảng 4-5 năm thi đấu ở đỉnh cao sự nghiệp nữa.
3. Và thay vì năm nào cũng bàn về chuyện các thí sinh Olympia ít về Việt Nam, hay nhiều người vẫn chọn đi xuất khẩu lao động "chui" bất chấp hiểm nguy, chúng ta có thêm một câu chuyện để kể, về một người đã chọn trở về không chỉ vì lòng yêu nước, mà vì anh ta cảm thấy rằng Việt Nam là môi trường thực sự tốt để làm việc và phát triển sự nghiệp. Các câu chuyện này rất quan trọng, về mặt vĩ mô, với tương lai của một quốc gia đang cần huy động nguồn lực. Nhiều khi, chuyện chọn đi hay ở lại không dựa trên những tính toán logic, mà chỉ đơn giản là hy vọng, rằng đời sống ở chỗ khác sẽ hạnh phúc hơn. "Cho rằng" là một từ quan trọng, và vế sau của nó có thể được tạo ra, bằng những câu chuyện, người thật việc thật.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất