Cà phê đầu tuần: Dortmund về nhì là đúng

29/05/2023 05:31 GMT+7 | Bóng đá Đức

GTO Pontiac, dòng xe thể thao nổi tiếng của General Motors, là một biểu tượng với giới trẻ vào những năm 60 và 70. Với thiết kế mạnh mẽ, động cơ V8 và tốc độ tối đa lên đến 200 km/h, GTO đã giúp cho cha đẻ của nó nhanh chóng nổi tiếng.

1. Người tạo ra GTO Pontiac là John DeLorean, từng giữ chức phó chủ tịch bộ phận xe con và xe tải của General Motors, một trong những hãng xe vĩ đại nhất chúng ta từng biết. Năm 1972, DeLorean cho rằng GM là không đủ cho tham vọng của ông, và quyết định rời hãng để tập trung thành lập công ty riêng của mình, DeLorean Motor Company (DMC).

Ông đã tạo ra DMC-12, một chiếc xe thể thao với thiết kế độc đáo, bằng chất liệu thép không gỉ và cánh cửa kiểu cánh chim đặc biệt. Sau khi sản phẩm ra đời, nó bỗng dưng trở thành một hiện tượng nhờ xuất hiện trong bộ phim huyền thoại Back to Future. Những cảnh quay trong phim với chiếc xe bay lượn trên không trung, hoặc khi Marty McFly và Doc Brown sử dụng nó để du hành thời gian đã tạo ra một cơn sốt thực sự.

Nhưng về mặt kỹ thuật, chiếc DMC-12 được tạo ra đã không đạt được những kỳ vọng ban đầu. Nó được trang bị động cơ quá yếu so với trọng lượng xe, vốn trang bị lớp vỏ thép không gỉ bóng loáng, nhưng trải nghiệm lái thì rất tệ. Để có tiền vận hành công ty, John DeLorean thậm chí phải đi buôn… ma túy.

Tháng 10/1982, ông bị bắt vì tàng trữ cocain. Hãng xe DeLorean Motor Company phá sản ngay sau đó. Nhà thiết kế đại tài đã hiểu rằng vận hành một công ty là không hề dễ dàng, và một chiếc xe không chỉ cần thiết kế đẹp. Đằng sau thành công của một thương hiệu xe là một tổ chức hùng mạnh.

Chúng ta đã nghe nhiều câu chuyện lãng mạn kiểu như vậy: Một người hùng chỉ bằng bàn tay và khối óc tạo ra kỳ tích, lật đổ những "ông lớn" và cho thấy rằng thế giới này vẫn rất công bằng.

Nhưng thực tế diễn ra hoàn toàn khác. Một thiên tài thiết kế như DeLorean cuối cùng cũng thất bại ê chề, khi cố gắng vượt qua những bức tường thành cao ngất. General Motors, công ty mà ông đã rời bỏ, vẫn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

2. Trong phòng họp báo sau trận Dortmund hòa Mainz 05, HLV Edin Terzic nói như muốn khóc: "Chúng tôi đã cố hết sức cho đến tận phút cuối. Bạn có thể thấy môn thể thao chúng ta yêu khắc nghiệt đến cỡ nào".

Cà phê đầu tuần: Dortmund về nhì là đúng - Ảnh 1.

Dortmund lẽ ra đã có thể vô địch Bundesliga nếu như họ mạnh mẽ và bản lĩnh hơn

Đấy có lẽ là ngày mà rất nhiều CĐV trung lập cũng cảm thấy tim họ nhói đau: Trong một ngày mà mọi người cảm thấy cuộc lật đổ đã ở gần hơn bao giờ hết, thì một thực tại cũ đã quay lại đúng lúc mọi người hưng phấn nhất. Bayern, bất chấp sự bất ổn chưa từng có trong mùa giải vừa qua, đã giành chức vô địch Bundesliga lần thứ 11 liên tiếp.

Việc Bayern làm đầu tiên sau khi đăng quang là… sa thải huyền thoại Oliver Kahn (đang giữ ghế CEO) và cộng sự Hasan Salihamidzic (Giám đốc thể thao). Niềm vui vô địch không liên quan gì đến cải tổ đội ngũ: Bayern hành xử theo tư duy của một tổ chức giàu truyền thống, và họ nhận thấy sự thiếu hiệu quả ngay cả trên đỉnh vinh quang.

Bạn có thể coi cú vấp ngã vừa rồi như một tai nạn đơn thuần: Dortmund bỗng dưng mắc vấn đề tâm lý đúng thời điểm quyết định, chân sút được đánh giá rất cao của họ (Haller) bỏ lỡ một quả penalty, và các hậu vệ tự nhiên mở toang khung thành. Đúng như định luật Murphy: Mọi thứ tồi tệ đều có thể tồi tệ hơn.

3. Nhưng nếu đã đọc câu chuyện của DeLorean, bạn hiểu rằng đơn giản cuộc đời đã tạo ra một phiên bản DeLorean khác: Trong một thời điểm thích hợp, sự chênh lệch quá lớn về nguồn lực rồi sẽ lên tiếng. Dortmund đã gồng suốt 32 vòng, đã chạm rất gần đến đĩa bạc, nhưng cuối cùng thì sự chênh lệch của hai bên đã níu chân họ lại trong đúng nấc thang cuối cùng.

Để bạn dễ hình dung, thì sau khi Bayern thắt chặt quỹ lương mùa giải vừa rồi, thì họ vẫn trả cho các ngôi sao hơn 200 triệu euro một năm, gấp đôi Dortmund, đội đang chi 94 triệu cho các cầu thủ của mình. Tiền đạo đã đá hỏng phạt đền ở trận quyết định là Sebastian Haller, chân sút hàng đầu của Dortmund vào thời điểm này, vốn trước đó chỉ là một tiền đạo làng nhàng trôi dạt qua nhiều đội bóng trung bình. Marco Reus, giờ có thể xem như một huyền thoại ở đội bóng Vàng đen, vốn chỉ là một tiền vệ ở mức khá. Và cuối cùng thì sự "phá sản" của những giấc mơ như thế mới phản ánh đúng lẽ công bằng của cuộc sống này: Thứ gì được đầu tư nhiều hơn, có nguồn lực mạnh mẽ và liên tục hơn, cuối cùng vẫn xứng đáng giành chiến thắng hơn.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm