Cà phê đầu tuần: Ai 'bán' được bóng đá nữ?

26/06/2023 09:28 GMT+7 | Bóng đá Việt

David Ogilvy, người được mệnh danh là "ông tổ" của marketing hiện đại, từng nói thẳng một câu thế này: "Với kinh tế hiện đại, việc sáng tạo là vô ích, nếu bạn không thể bán nó".

1. Có một giai thoại kể lại cách Ogilvy tư duy về marketing: Một khách hàng đi vào công ty quảng cáo của Ogilvy và yêu cầu quảng cáo cho khách sạn mới khai trương của ông ta với chi phí chỉ 500 USD. Số tiền ấy là quá ít, không đủ trang trải chi phí quảng cáo lên báo chí và truyền hình.

Tưởng như Ogilvy sẽ từ chối làm với ngân sách "chết đói" ấy, nhưng không. Ông lấy 500 USD ấy đi mua thật nhiều… bưu thiếp, để làm thiệp mời gửi đến tất cả những ai ông tìm thấy trên danh bạ điện thoại của địa phương. Khách sạn khai trương với khách chật kín hội trường, thành công ngoài mong đợi.

Đấy là tinh thần mà Ogilvy luôn muốn truyền tải: Luôn cố gắng bán hàng. Không cần phải màu mè làm gì. Ví dụ, thay vì các tiêu đề dễ thương và bắt tai, thì các quảng cáo kích thích sự tò mò và trực diện sẽ hiệu quả hơn hẳn. Ông nhắc nhở mọi người rằng quảng cáo là một hoạt động có thể đo được đến từng… USD, và rất đơn giản, "chúng ta bán được hàng, hoặc trở thành kẻ thất bại".

Đúng một năm trước, trong trận hòa đội Anh 1-1 ở sân nhà Allianz Arena, đội tuyển quốc gia Đức đã mặc áo đấu của… tuyển nữ nước này để thi đấu. Đấy là một phần trong chiến dịch quảng bá mẫu áo đấu mới nhất của đội tuyển nữ Đức, và nói nhại tinh thần Ogilvy, thì đấy là cách nhanh nhất để tiếp cận một tệp khán giả sẵn có của tuyển nam, và bán hàng. Ngoài việc mặc nó ra sân, các cầu thủ nam còn cùng nhau tham gia vào một bộ ảnh sản phẩm rất chỉn chu, và bây giờ, mẫu áo này được xếp vào danh sách những loại áo đấu bán rất chạy trên gian hàng của Adidas.

2. Hôm kia, đội tuyển nữ Đức đã đá với tuyển nữ Việt Nam trong phiên bản sân khách của mẫu áo này. Họ đã phải bất ngờ vì sự kiên cường và lối chơi rất mạch lạc của các cô gái Việt Nam. Dù thắng trận, đội nữ Đức cũng bị báo chí Đức chỉ trích vì lối chơi không thuyết phục. Tờ DW bình luận: "May mắn là thủ thành Merle Frohms đã cứu thua hai lần mười mươi trong hai hiệp trước khi bị Thanh Nhã đánh bại ở phút bù giờ. Đấy là lời cảnh báo đúng lúc rằng những nền bóng đá nhỏ khó bị khuất phục hơn là cách biệt thứ tự trên bảng xếp hạng".

Cà phê đầu tuần: Ai “bán” được bóng đá nữ? - Ảnh 1.

Một khung cảnh khiến nhiều người nghĩ nữ Việt Nam đang đá ở sân nhà, chứ không phải tại Đức

Trận đấu với đội tuyển Đức có thể khiến những khán giả Việt Nam phải giật mình về tiềm năng của đội nhà. Các học trò của ông Mai Đức Chung sắp dự một kỳ World Cup, và có khả năng chơi sòng phẳng với một đội tuyển rất mạnh của thế giới như Đức trong một số thời khắc của trận đấu.

Nhưng dưới góc nhìn của Ogilvy, thì có lẽ hôm kia, chỉ có một đội tuyển lọt vào tầm mắt. Từ năm 2007, các trận đấu của đội tuyển nữ Đức đã thu hút khoảng 9 triệu người xem trả tiền (chiếm khoảng hơn một nửa số thuê bao trả phí).

Từ năm 2009, sáu trận sân nhà của họ thu hút được trung bình gần 23 ngàn người tới xem một trận. Và theo một khảo sát giới hâm mộ Đức, 65% CĐV nam và 62% CĐV nữ được hỏi trả lời rằng họ thực sự cảm thấy thích xem bóng đá nữ. Trên tất cả, đấy là một sản phẩm bán được, và tất nhiên, các cầu thủ là người hưởng lợi.

3. Bóng đá nữ Việt Nam có thể nhận được rất nhiều lời có cánh, cảm thông và động viên, nhưng rốt cục, nó không được bán trên thị trường. Sau khi đội nữ giành World Cup, trang chủ của Grand Sport, đơn vị tài trợ trang phục thi đấu chỉ đưa ra một phiên bản sản xuất giới hạn để bán kỷ niệm. Nếu bạn muốn mua áo thiết kế riêng cho tuyển nữ, bạn sẽ không tìm thấy thứ mình muốn.

Bóng đá nữ nói chung cũng đang là một sản phẩm bán được: Trận đấu giữa đội tuyển nữ Anh và đội tuyển nữ Brazil tại Thế vận hội London 2012 đã tạo nên một cột mốc quan trọng , với hơn 70.000 khán giả đổ về sân Wembley để xem tuyển nữ Anh đã giành chiến thắng 1-0. EURO 2022 dành cho nữ đã bán hết veo 450 ngàn vé xem cả giải từ khi nó còn chưa bắt đầu. Còn đội tuyển nữ Việt Nam sẽ đến World Cup với những câu chuyện xót xa về lương năm triệu đồng một tháng, và không ai nghĩ đến việc làm thế nào để "bán" những sản phẩm của các cô gái này. Hoặc là ngoài chuyện xót xa ra, chúng ta chưa bao giờ nghĩ rằng bóng đá nữ Việt Nam có thể bán được. Điều này thì rất có thể là hoàn toàn sai.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm