17/12/2021 07:41 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Triển lãm Mùa nước nổi của họa sĩ Ca Lê Thắng đang diễn ra tại Art Space của Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, 42 Yết Kiêu, Hà Nội. Đây cũng chính là ngôi trường đã đào tạo người họa sĩ Nam bộ trong chặng đường đầu của cuộc đời nghệ thuật.
Triển lãm lần này có ý nghĩa đặc biệt không chỉ với giai đoạn 10 năm vừa qua của ông, mà còn đem đến cho đồng nghiệp, những người yêu nghệ thuật nhiều cung bậc cảm xúc từ ngạc nhiên, thán phục, đến xúc động và đồng điệu. Triển lãm kéo dài đến ngày 18/12/2021.
Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Bến Tre. Năm lên 6, ông theo gia đình rời quê hương miền Tây tập kết ra Bắc. Năm 1963, ông theo học trường Cao đẳng mỹ thuật Việt Nam và từ đó ông bắt đầu “cuộc sống thứ 2” gắn liền với sự nghiệp mỹ thuật. 20 năm sau, thống nhất đất nước, ông trở về Sài Gòn với một nền tảng sự nghiệp chắc chắn, để rồi từ đó là chặng đường tung hoành khám phá với nghệ thuật ở khắp 2 miền Nam, Bắc.
Sự sáng láng trong cuộc đời và sự nghiệp của ông được nhà nghiên cứu Nguyễn Quân miêu tả “một họa sĩ có tay nghề vững vàng, trí óc thông đạt, đời sống phóng khoáng tình cảm rộng mở, một nhà quản lý khoan dung, một thủ lĩnh quyết đoán sôi động”. Và “những tưởng chàng hiệp sĩ sẽ nhanh chóng, dễ dàng chinh phục miền đất hứa đỉnh cao nghệ thuật nhưng không...”.
Dường như tất cả những thực hành thể nghiệm sáng tạo mà ông đã “khai khẩn nhiều nẻo đường khác nhau” phải chờ đến chặng đường nghệ thuật 10 năm này mới hội tụ bừng sáng. Người họa sĩ đã khám phá bản thân qua rất nhiều thực hành ở các trường phái: Hiện thực, trừu tượng biểu hiện, trừu tượng hình học, trang trí, điêu khắc bán trừu tượng... “kết quả sáng tác có thể là hoàn hảo nhưng chúng không thỏa mãn tâm hồn ông”.
Mùa nước nổi 10 năm
Mùa nước nổi trình bày khoảng 50 bức tranh đánh số thứ tự mà ông sáng tác trong 10 năm trở lại đây và hàng chục bức đặt tên theo các khoảnh khắc thiên nhiên nông thôn mà ông sáng tác trước đó. Bước vào phòng triển lãm, chắc hẳn người xem đều cảm thấy choáng ngợp trong mê cung của vùng cỏ nước hoang vu với đường chân trời kéo dài.
Mỗi bức tranh là một khoảnh khắc không bao giờ lặp lại của thiên nhiên. Và chỉ khi dò theo năm sáng tác của nó ta mới nhận thấy sự chuyển biến trong cảnh sắc 10 năm. Từ những khoảnh khắc rực đỏ như hoàng hôn trên sông nước với cỏ cây (Mùa nước nổi 3), tinh tường của sắc xanh vàng trong không gian chuyển động (Mùa nước nổi 4), nghỉ ngơi bình yên tuyệt đối trong những vệt ngang của vùng cỏ nước màu xanh cyan (Mùa nước nổi 6) và tiếp đó là những chuyển động của sông nước mây trời với cỏ cây là biểu hình chủ đạo.
Những sắc độ tối dần được thêm vào trong một sự chuyển biến rất tinh để khi nó bùng nổ trong những bức tranh cuối người ta mới ngỡ ngàng trong sự hợp lý. Mùa nước nổi 38 là một sự hoán đổi ngoạn mục của màu sắc và bút pháp. Tất cả màu sắc của trời mây sông nước giờ chỉ đọng lại thành chấm nhỏ trên đầu những hàng cỏ, còn lại là sự độc chiếm của màu xám đen và trắng với các vệt bút cào xước khúc chiết mạch lạc cảm tưởng như những vết lăn của bánh xe bùn khắp trời đất. Mùa nước nổi 54 thì như thước phim nhựa Việt Nam về chiến tranh được lắng đọng trong một khuôn hình.
Đến cuối cùng, một cảm giác dồn nén rõ rệt xuất hiện. Trong hàng loạt tranh cuối, người xem có thể hình dung được cuộc hỗn chiến hay giao thoa của trời và nước. Nước như bị dồn nén từ trong lòng để bật tung còn trời dồn mây nặng áp sát. Những hình dung trên chỉ là 1 trong những tưởng tượng có thể của người xem từ bút pháp bán trừu tượng của họa sĩ trong bối cảnh tạo nghĩa của Mùa nước nổi. Tuy vậy, cảm xúc là rõ rệt nơi tác phẩm, và thông qua cảm xúc ấy cùng tiểu sử tác giả, người xem có phần nào thấu hiểu và đồng điệu?
Ký ức và sự trở về
Trong một bài viết về triển lãm này, nhà điêu khắc Đào Châu Hải có đặt ra những câu hỏi: “Vậy cái gì làm ông buông bỏ tất cả để bước vào câu chuyện của ngày hôm nay? Động lực nào, khát vọng nào? Phải chăng tiếng gọi từ thiên nhiên hoang dã, cội nguồn văn hóa đã đưa ông trở lại với cảm hứng sáng tác ngày hôm nay?”.
Vậy người viết xin được mạo muội thử đưa ra những suy nghĩ phỏng đoán: 6 năm đầu của cuộc đời là khoảng thời gian quan trọng của một con người trong việc hình thành ký ức, các vết nhớ, trải nghiệm. Ca Lê Thắng đã sống trọn quãng đời thơ ấu cùng với những ký ức của miền quê sông nước. Và liệu sự phân tách quê hương dưới tác động khách quan của tình hình xã hội có ảnh hưởng tới quá trình phát triển nhận thức của một con người? Như nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông viết: “Nửa thế kỷ sáng tạo nghệ thuật của Ca Lê Thắng mang đủ nét tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam từ sau năm 1975” với hoạt động nghệ thuật dày đặc cùng các triển lãm nhóm trong và ngoài nước, trại sáng tác, triển lãm mỹ thuật toàn quốc…và đã có bao “mùa nước nổi” ông vắng mặt?
10 năm cho triển lãm bán trừu tượng này liệu có thể được giải thích như một sự nhận thức muộn của những ký ức đầu đời, chỉ xảy ra khi gặp được tình huống nhất định, giúp họa sĩ truy xuất lại nội dung đã trải nghiệm nhưng chưa được tạo nghĩa? Và từ đó, ông xử lý lại trải nghiệm quan trọng trước đây cùng với những tầng nghĩa mới.
Triển lãm Mùa nước nổi giống như một dàn hợp xướng của ngôn ngữ hội họa mà Ca Lê Thắng là nhạc trưởng xuất sắc trong lần này. Họa sĩ Lý Trực Sơn viết: “Cùng với Nguyễn Sáng, Nguyễn Hải và Nguyễn Trung, Ca Lê Thắng là một nghệ sĩ tạo hình xuất sắc. Họ rất Nam bộ và rất Việt Nam”.
Với những tác phẩm bán trừu tượng của ông, người xem được tự do liên tưởng, kết nối với mọi trải nghiệm cá nhân nhưng đồng thời cũng cảm nhận được cảm xúc chủ đạo nơi tác phẩm. Chắc chắn, cuộc đời nghệ thuật tìm tòi sáng tạo không ngừng nghỉ của ông cùng sự thành công tuyệt đối trong triển lãm này sẽ đem đến cảm hứng cho nhiều thế hệ họa sĩ và người yêu nghệ thuật.
Vài nét về họa sĩ Ca Lê Thắng Họa sĩ Ca Lê Thắng sinh năm 1949 tại Bến Tre, ông theo gia đình tập kết ra Hà Nội năm 1955. Từ năm 1963 đến 1970 ông theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Ngay sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm giảng viên Hệ Trung cấp, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam từ 1971 đến 1972. Sau đó, cũng tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam ông theo học hệ Đại học từ 1972 đến 1976. Sau ngày thống nhất, Ca Lê Thắng làm việc tại TP.HCM với vai trò giảng viên Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM từ 1976 đến 1988. Giai đoạn 1988 đến 2000 ông là Phó Tổng thư ký thường trực Hội Mỹ thuật TP.HCM. Năm 1974 tại Hà Nội, Ca Lê Thắng đã lần đầu tiên tham gia triển lãm mỹ thuật do Hội Văn nghệ Hà Nội tổ chức. Sau khi trở lại miền Nam, ông liên tục tham gia các triển lãm mỹ thuật nhiều quy mô ở trong và ngoài nước, đáng chú ý là: Triển lãm nhóm tranh trừu tượng (1992); Triển lãm Nhóm 10 người tại TP.HCM (Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Ca Lê Thắng, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam, Nguyễn Thanh Bình) liên tục các năm 1991, 1992, 1993, 1994, 1995; và một số triển lãm nhóm tại Singapore, Hàn Quốc. Ông có tác phẩm thuộc bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM và bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như nhiều bộ sưu tập tư nhân. |
Trần Thu Huyền
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất