Ca khúc 'What’d I Say' của Ray Charles: Phút ngẫu hứng làm nên lịch sử

14/03/2021 08:39 GMT+7 | Giải trí

(Thethaovanhoa.vn) - Ai chẳng biết nàng thơ vốn luôn rất đỏng đảnh. Nhưng có những tác phẩm lịch sử của âm nhạc vẫn khiến mọi người kinh ngạc với cách nó xuất hiện. What’d I Say của Ray Charles chính là điển hình của điều đó.

Bảo tàng Ray Charles đón công chúng

Bảo tàng Ray Charles đón công chúng

Bảo tàng tôn vinh huyền thoại dòng soul đã quá cố Ray Charles (1930-2004) mở cửa ở Los Angeles hôm cuối tuần nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày sinh của ông.

“Nhạc soul là thế nào ấy à? Nó như điện vậy, chúng ta không biết nó là thế nào nhưng ở nó có thứ lực khiến một căn phòng tỏa sáng”. Cách Charles nói về soul cũng giống y như cách ra đời của What’d I Say, ca khúc được coi là đã sinh ra dòng nhạc này.

Một cú lừa

Năm 1958, Ray Charles 28 tuổi nhưng đã có 10 năm kinh nghiệm thu âm nhạc rhythm và blues cho một số hãng đĩa, theo phong cách giống Nat King Cole và Charles Brown. Khi ký hợp đồng với Atlantic năm 1954, Charles được khuyến khích hãy mở rộng các tiết mục của mình. Các nhà sản xuất nhận thấy cách tốt nhất để đạt được điều đó là để Charles tự do một mình với sự nhiệt thành âm nhạc. Họ đã đúng.

Một đêm vào tháng 12/1958, Charles và ban nhạc của mình đã lên kế hoạch biểu suốt 4 tiếng đồng hồ tại một vũ trường ở Pittsburgh (Pennsylvania, Mỹ). Vào thời điểm đó, đây là một buổi diễn định kỳ của ca sĩ - nghệ sĩ dương cầm - một tài năng hứa hẹn đang cực thành công nhờ đĩa đơn I Got A Woman. Charles dự kiến sẽ diễn từ 21h tới 23h30, rồi nghỉ 30 phút và quay lại diễn tiếp từ 0 tới 1h sáng.

Chú thích ảnh
Ray Charles trên bìa đĩa “What’d I Say”

Nhưng tới khoảng 0h45 đêm đó, Charles và ban nhạc đã dùng cạn hết danh mục ca khúc của mình. Chẳng còn gì nữa để chơi, nhưng họ cần lấp đầy 15 phút còn lại hoặc có nguy cơ không được trả tiền buổi diễn này. Charles phải nhanh nghĩ ra cách cứu buổi diễn và tiền lương của mình. Thế là, anh quyết định chơi một cú lừa.

“Tôi nói với các chàng trai: Này, bất cứ tôi làm gì thì hãy cứ làm theo tôi nhé” - Charles sau đó nhớ lại. “Và tôi cũng nói vậy với các cô gái: Bất cứ tôi nói gì, cứ thế lặp lại, không cần biết nó là gì”.

Charles bắt đầu bằng một đoạn riff bass bằng tay trái trên bàn phím điện tử Wurlitzer theo lối anh nghĩ là ổn: Một loạt riff, rồi chuyển qua dương cầm thông thường cho 4 bè hợp xướng, được hỗ trợ bởi điệu tumbao Latin độc đáo trên trống. Bài hát thay đổi khi Charles bắt đầu hát những câu đơn giản, ngẫu hứng: Mẹ ơi đừng đối xử tệ với con/ Tới và yêu bố suốt đêm/ Phải rồi ngay bây giờ/ Hey Hey/ Phải rồi”.

Charles sử dụng các yếu tố phúc âm trong cấu trúc nhạc blues 12 khuông. Một số dòng đầu lại bị ảnh hưởng bởi phong cách boogie-woogie. Tới giữa bài, Charles nói nhóm hát đệm lặp lại những gì anh làm và ca khúc trở thành một màn đối đáp gay cấn giữa Charles và nhóm hát đệm, nhộn nhạo trong những tiếng la hét, rên rỉ ngây ngất.

Và như thế, đám đông ở Pittsburgh là những người đầu tiên được thưởng thức ca khúc giờ đã là huyền thoại What’d I Say, được Rolling Stone xếp thứ 10 trong danh cách các ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Nó cũng là ca khúc chủ lực mà Charles sẽ chơi trong suốt phần còn lại của sự nghiệp vinh hiển.

Trước cả khi ban nhạc hoàn thành ca khúc ngẫu hứng, Charles đã nhận thấy sự rung chuyển khác thường trong vũ trường. Đám đông đang nhảy cực kỳ phấn khích. Ngay sau buổi diễn, người hâm mộ lao lên sân khấu, xin Charles cho họ biết nơi có thể mua một bản về nghe.Charles liền mang ca khúc theo mình trong những ngày lưu diễn sau đó và nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt từ mọi đám đông.

Chú thích ảnh
Với 17 giải Grammy, Ray Charles được đánh giá là một trong những nghệ sĩ vĩ đại nhất mọi thời đại và tất nhiên, cùng với tên ông luôn là “What’d I Say”

Đi vào lằn ranh nguy hiểm

Chỉ sau vài đêm diễn như vậy, Charles thấy rõ là mình đang nắm báu vật trong tay và nên thu âm nó. Anh gọi điện cho các nhà sản xuất ở Atlantic và nói họ mình có 1 ca khúc nhận được phản hồi rất tích cực. Anh chưa bao giờ thử phản ứng của khán giả trước khi thu âm ca khúc nào nhưng đây là trường hợp đặc biệt. Anh không biết nó là gì nhưng mọi người có vẻ đều phát cuồng vì nó.Một thời gian ngắn sau đó, Charles tới New York thu âm What’d I Say.

Hãng Atlantic khi đó mới mua một máy thu âm 8 rãnh và kỹ sư thu âm Tom Dowd đang còn làm quen với cách sử dụng nó. Vào tháng 2/1959, Charles cùng ban nhạc tới thu âm What’d I Say trong phòng thu nhỏ của hãng. Dowd nhớ rằng không có gì đặc biệt khi đó. Nó là bài hát thứ 2 trong phiên thu âm và các nhà sản xuất thậm chí đã có ấn tượng với ca khúc đầu hơn, Tell The Truth.

“Chúng tôi làm nó như mọi ca khúc khác. Ray, các cô gái, nhóm nhạc ghi âm sống trong phòng thu nhỏ, không overdub. Thu 3 hay 4 bản là xong” - Dowd kể. Kỹ thuật mới cùng kích thước nhỏ của phòng thu giúp What’d I Say có âm thanh đặc biệt rõ, đủ để nghe thấy cả tiếng đập chân của Charles khi nhạc dừng giữa những màn đối đáp.

Tuy nhiên, có 2 vấn đề nảy sinh. Thứ nhất, What’d I Say dài tới 7 phút rưỡi, quá dài so với tiêu chuẩn thông thường của các đài là khoảng 2 phút rưỡi. Hơn nữa, mặc dù ca từ không có tục tĩu nhưng những tiếng ố á trong các màn đối đáp khiến Dowd và các nhà sản xuất lo lắng. Thời điểm đó, hãng mới phát hành ca khúc Money Honey của Clyde McPhanter, bị cấm ở một số đài, gây ra nhiều rủi ro. Dowd giải quyết vấn đề bằng cách chia ca khúc thành 2 phần: Phần “hiền” với ca từ được kiểm duyệt và phần chung kết điên cuồng khi dàn nhạc cầu xin Charles hát tiếp.

Có một điều mà Dowd chắc chắn ngay khi thu xong ca khúc: Họ phải phát hành nó và nó sẽ là hit. Thế là, What’d I Say chính thức ra mắt vào ngày 8/6/1959. Nó sẽ trở thành bản thu vàng đầu tiên của Charles.

Nhưng cũng đúng như dự đoán của Atlantic, What’d I Say rơi vào chỉ trích vì “bắt đầu trong nhà thờ và kết thúc trong phòng ngủ”. Chuyện nó kết hợp giữa nhạc phúc âm của người da đen với nhạc R&B lại càng gây xung đột về mặt xã hội. Âm nhạc, cũng như phần lớn xã hội Mỹ khi đó, bị phân chia và một số nhà phê bình than phiền rằng nhạc phúc âm giờ đây không chỉ bị các nhạc sĩ thế tục chiếm đoạt mà còn thành mồi câu khán giả da trắng. Trong một vài hòa nhạc ở thập niên 1960 của Charles, đám đông trở nên cuồng loạn, biến nó như một cuộc chiến mà cảnh sát phải tới dẹp loạn.

Gạt bỏ những vấn đề xã hội, không thể phủ nhận rằng What’d I Say có beat bắt tai và ca từ cuốn hút. Billboard đã sớm ca ngợi nó là “bản thu pop mạnh mẽ nhất mà một nghệ sĩ từng làm được từ trước tới nay”. Nó cũng là ca khúc bán chạy nhất của Atlantic ở thời điểm đó.

Nhiều năm sau, trong một buổi phỏng vấn, khi được gợi lại những chỉ trích nghi ngờ những ẩn ý trong các từ “ooh”, “aah”, Charles đáp trả theo phong cách dí dỏm đặc trưng. “Âm thanh đó có thể gợi ra cái gì chứ?” - Charles châm biếm. “Đó là tất cả những gì tôi làm… ooh, aah. Có thế thôi. Tôi có nói gì đâu!”.

Ca khúc ngẫu hứng lịch sử “What’d I Say”:

Tầm ảnh hưởng của ca khúc

What’d I Say được ví như con quái vật với dấu chân vĩ đại, lấn át cả những thành tích về mặt số lượng của nó. Sẽ có một số người chuyển kênh khi nó được phát nhưng sẽ có hàng triệu người khác liền vặn to âm lượng lên. Khác biệt, quyến rũ hoang dã, những tiếng “ooh” “aah” trở thành tâm điểm của những bữa tiệc và là ánh sáng của bao mối tình lãng mạn mùa Hè.

Tác động của What’d I Say không chỉ lập tức thấy ở Mỹ mà còn lan sang tận châu Âu. Paul McCartney bị cuốn hút bởi nó ngay lập tức và cứ nghe là muốn lao vào làm nhạc liền. George Harrison thì nhớ có bữa tiệc ông tham gia hồi năm 1959, ca khúc đã được chơi đi chơi lại 8 lần không nghỉ. Khi The Beatles tới Hamburg, họ chơi What’d I Say mỗi buổi diễn, xem tới lúc nào thì cơn cuồng của khán giả mới giảm.

Khi Mick Jagger lần đầu hát với ban nhạc sau này sẽ là Rolling Stones, ông đã hát What’d I Say. Vô vàn tên tuổi lớn khác cũng nói rằng vì What’d I Say mà họ trở nên yêu âm nhạc.

Nhà sử học âm nhạc Robert Spephens tin rằng What’d I Say đã chính thức khai sinh nhạc soul - khi kết hợp thành công nhạc phúc âm và blues- dòng nhạc mới sau này sẽ được James Brown và Aretha Franklin nuôi lớn. Ngày nay, What’d I Say được ghi nhận là ca khúc có ảnh hưởng rất lớn tới lịch sử âm nhạc thế giới. Còn thuần túy về mặt âm nhạc, hãy bật nó lên và thấy rằng, giai điệu của hơn nửa thế kỷ trước vẫn khiến thế hệ ngày nay phải lắc lư phấn khích.

Thư Vĩ (Tổng hợp)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm