08/05/2022 19:01 GMT+7 | Giải trí
1. Vào đầu kỷ nguyên những siêu sao pop, các sáng tác của Brian Wilson cho nhóm nhạc rock The Beach Boys của anh chắc chắn ngập tràn những ô tô, lướt sóng và mục tiêu luôn là đuổi theo các cô gái, ở California hay nơi khác. Sự kết hợp giữa kiểu ca từ đó với giai điệu độc đáo, nóng bỏng, ham vui tạo nên những ca khúc candy-pop đỉnh cao của Mỹ. Một công thức hoàn hảo cho những tâm hồn hảo ngọt, đến từ những chàng trai được mệnh danh là người tình nước Mỹ.
Nhưng rồi tới một thời điểm, Wilson, dưới ảnh hưởng của Tony Asher - người thường viết nhạc cùng anh - muốn đi sâu hơn, hướng về những giai điệu cổ điển. Và đó là cách God Only Knows nói riêng và album mẹ Pet Sounds nói chung đã đặt nền tảng. Trên nền tảng này, Wilson rõ ràng đã dựng nên kiệt tác lớn bậc nhất sự nghiệp của mình, khiến những đối thủ vĩ đại như The Beatles phải sởn gai ốc.
Cả Paul McCartney và John Lennon đều choáng váng khi nghe God Only Knows. “Thật vô cùng xúc động, cứ vương vẫn mãi trong tôi” - Paul McCartney nói về bản baroque rock của Pet Sounds - mà ông ca ngợi là “ca khúc vĩ đại nhất từng được viết”. Vào đêm McCartney và Lennon lần đầu nghe Pet Sounds, tại một bữa tiệc ở London, họ đã cảm khái nên ca khúc Here, There and Everywhere, lấy cảm hứng từ God Only Knows. Không chỉ giới nghệ sĩ hàn lâm, ca khúc cũng nhanh chóng làm đám đông như mê muội, là thánh ca của những sàn nhảy hay lễ cưới ngày đó.
Nhưng phần thu âm thì phức tạp hơn nhiều, như Asher nhớ rằng Wilson “dành thời gian vặn vẹo phần nhạc cụ hơn là viết lời”. Mở đầu God Only Knows là làn khói mịt mù của đàn clavico và kèn Pháp, phản ánh cả sự héo úa tàn nhẫn và phù du bỡn cợt của tình yêu, giống như câu mở màn của Carl Wilson: “Anh không chắc sẽ mãi yêu em…”.
Theo sau đó là phần cải biên đậm đặc nhạc cụ, không chỉ lừng danh bởi sự hùng tráng mà cả bởi sự cải tiến phức tạp, đặc biệt đáng ngưỡng mộ khi kiến thức của Brian Wilson về mảng này có thể viết hết ở mặt sau con tem. Bằng cách nào đó, trong căn phòng đầy những nhạc sĩ tài năng được đào tạo bài bản, Wilson không chỉ chỉ huy phòng thu mà còn hiện thực hóa ý chí vô cùng sâu sắc của ca khúc.
Bị mê hoặc bởi yếu tố tâm linh, Wilson đã tổ chức những buổi cầu nguyện trong phiên thu, biến cả Pet Sounds thành như “một nghi lễ tôn giáo”.
Giai điệu thiên đường của “God Only Knows”:
2. Nói như vậy không có nghĩa là phần ca từ của God Only Knows bị xem nhẹ. Ngược lại là đằng khác! Ca từ kết tinh nhanh như vậy bởi nó đã được hun đúc trong bầu không khí tôn giáo từ rất lâu và chính là nền tảng cho giai điệu thần tiên.
Không những thế, cả Wilson và Asher đã phải chấp nhận mạo hiểm để giữ nguyên ca từ. Làm việc với một người luôn rất táo bạo như Wilson, Asher ít khi phải chiến đấu để bảo vệ điều gì. Nhưng câu mở đầu “rất bất thường đối với một tình khúc” - như Asher thừa nhận - đã khiến họ phải tranh cãi ít nhiều. Asher tin rằng kiểu bổ nhào ngược đời này sẽ mở ra những cơ hội mới (và anh đã đúng!).
Nhưng hơn thế, đó là bởi từ “God” (Chúa) trong tiêu đề. Vào thời điểm đó, nhắc tới Chúa trong tiêu đề hay lời ca khúc là điều cấm kỵ trong âm nhạc và ít nhất một bản thu gần đó bị đài phát thanh cấm cửa vì có những từ như “địa ngục” hay “chết tiệt”. “Bởi trừ khi bạn là Kate Smith và đang hát God Bless America, không ai nghĩ có thể nói “Chúa” trong một ca khúc” - Asher kể khổ.
Nhưng sức mạnh tâm linh, quyết tâm tạo bước ngoặt, khát khao thoát khỏi lối mòn và muốn thách thức sáng tạo với những đối thủ như Rolling Stones hay The Beatles, đã giúp họ đấu tranh tới cùng (dù vẫn phải để God Only Knows ở mặt B của Wouldn’t It Be Nice).
Carl Wilson giải thích ngắn gọn sau khi ca khúc được phát hành: “Hiện tại, những ảnh hưởng với chúng tôi mang tính chất tôn giáo. Không cụ thể là tôn giáo nào mà dựa trên ý tưởng về Ý niệm Phổ quát. Quan niệm về lan truyền thiện chí, những suy nghĩ tốt đẹp và hạnh phúc không phải điều gì mới. Đó là lý tưởng mà những nhà truyền giáo và triết gia đã truyền tay trong nhiều thế kỷ, nhưng đó cũng là hi vọng của chúng tôi”.
“Khái niệm tinh thần về hạnh phúc và làm những điều tử tế cho người khác là vô cùng quan trọng trong ca từ của chúng tôi; và yếu tố tôn giáo của một số giai điệu nhà thờ cũng có trong những tác phẩm mới của chúng tôi” - anh nói thêm. Những yếu tố tôn giáo là xương sống xuyên suốt Pet Sounds và God Only Knows nhưng thay vì khám phá những đỉnh cao hay tầng đáy của tôn giáo cụ thể nào, nhóm mở rộng sang tính nhân văn trong xã hội và nguồn tâm linh bên trong mà mọi người đều sở hữu.
Chính vì khao khát tạo ra cánh đồng tươi tốt của tương lai đầy hi vọng để vui đùa bên những người ta yêu thương, tạm quên đi rằng hạnh phúc này có thể phù du, Brian Wilson đã lùi lại để nhường phần hát chính cho em trai Carl Wilson. “Tôi tìm kiếm sự dịu dàng và ngọt ngào mà tôi biết Carl có trong con người em ấy cũng như giọng hát của em” - Brian nói về Carl - người đã có màn trình diễn xuất thần trong God Only Knows.
Có lẽ cũng chính nhờ trái anh đào trên miếng bánh này nên cuối cùng, God Only Knows không những không bị cấm trên đài phát thanh mà còn được nhân rộng, thành biểu tượng cả về mặt âm nhạc lẫn tư tưởng, một giọt thiên đường rơi xuống trần gian để xua đi những muộn phiền miên viễn của cuộc sống.
Không viết về ai cụ thể Vào thời điểm viết ca khúc, Wilson đã cưới ca sĩ Marilyn Rovell. Anh từng viết cho vợ (sau này là vợ cũ) vào năm 1964: “Của em cho tới khi Chúa muốn chia lìa đôi ta”. Tuy nhiên, Wilson cho biết God Only Knows không viết về ai cụ thể. Về Marylin, cô ngỡ mọi ca từ trong Pet Sounds là về mình, “nhưng sau này tôi lại nghĩ: Không, không phải vậy”. |
Thành tích của “God Only Knows” Nhiều nhạc sĩ vĩ đại – như Paul McCartney và Jimmy Webb - đã coi God Only Knows là ca khúc yêu thích mọi thời đại của họ. Năm 2004, nó được vinh danh vào Đại sảnh danh vọng Rock and Roll như một phần của 500 Ca khúc định hình Rock and Roll. Năm 2021, Rolling Stone xếp God Only Knows đứng thứ 11 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất