03/07/2021 11:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Năm 2021, nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng chạm ngưỡng tuổi “thất thập” đồng thời tròn 10 năm về nghỉ hưu. Nhưng đó cũng là 10 năm thật đáng nể của “tỷ phú thời gian” Bùi Việt Thắng với 4 cuốn sách tiểu luận - phê bình, trong đó mới nhất là Thi pháp truyện ngắn hiện đại (NXB Thanh niên, 2020) gồm những tiểu luận có tính khai phá về thể loại này.
4 cuốn tiểu luận - phê bình của Bùi Việt Thắng trong 10 năm qua là: Thi pháp tiểu thuyết hiện đại, Hà Nội từ góc nhìn văn chương, Truyện ngắn Việt Nam hiện đại (giáo trình) và Thi pháp truyện ngắn hiện đại. Đó là chưa kể con người “trầm lặng” này còn “ủ mưu” trong suốt 10 năm để hoàn thành bản thảo 2 công trình Văn chương gương mặt nữ (sáng tác của các nhà văn nữ Việt Nam hiện đại) và Khúc bi tráng thứ tư (sáng tác văn học từ 1945 đến nay về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng).
“Người đàn ông trầm lặng”
Anh lý giải:“Người xưa nói: Nhân sinh thất thập cổ lại hy. Nay câu đó không còn phù hợp. Nhưng vấn đề không phải sống lâu (theo nghĩa tồn tại) mà là sống có trách nhiệm. Một phương diện của sống có chất lượng là tiếp tục lao động, vì lao động duy trì não bộ phát triển, vun xới tình cảm với đời, với người. Xuân Diệu có ý thơ hay “dao có mài mới sắc”. Lao động trí óc có tính đặc thù, đòi hỏi chuyên tâm, kiên trì có tính mục đích cao. Với tôi, một người làm nghề dạy văn ở bậc đại học và hoạt động văn học trong phạm vi tổ chức Hội Nhà văn Việt Nam, nên luôn có tinh thần thường trực nhập cuộc…”.
Nhiều dịp gặp nhà văn, nhà giáo Bùi Việt Thắng tại các cuộc hội họp văn chương, cảm nhận đầu tiên của tôi về anh là sự trầm lặng, khiêm nhường, luôn ẩn mình, xa lạ với ồn ào, náo nhiệt. Có một kỷ niệm vui vui của 2 anh em có chút “dây rễ” (phu nhân anh là đồng hương Quảng Ninh với tôi), anh đã viết trong cuốn sách Phái đẹp cuộc đời và cây bút của Ban Nhà văn nữ (Hội Nhà văn Việt Nam).
Đó là kỷ niệm 2 anh em cùng tham gia Trại viết lý luận, phê bình ở Cửa Lò (Nghệ An) vào tháng 8/2012. Có lẽ đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trại viết này. Bạn bè văn chương từ 8 phương, 4 hướng về đây hội tụ. Trước lạ sau quen, các nhà văn cứ tíu tít hàn huyên, tâm sự...
Nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng hẹn sẽ tặng tôi cuốn sách nghiên cứu tiểu thuyết. Vừa hay lúcanh vừa gõ cửa thì đúng lúc cả khu vực Cửa Lò mất điện. Tôi ngập ngừng sau cánh cửa…và nhắn tin ngay cho anh: “Khi nào có điện, em mời anh sang chơi”. Khoảng 10 phút sau, có điện, tôi gọi điện trân trọng mời anh sang. Tôi mở toang cửa phòng cho gió xanh từ biển tràn vào. “Người đàn ông trầm lặng” cứ nhủm nhỉm cười…
Không “nhãn mác” học hàm, học vị nhưng làm nên một “thương hiệu”
Bùi Việt Thắng sinh ngày 1/10/1951 tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Tốt nghiệp loại ưu khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, anh được giữ lại trường, trở thành giảng viên của khoa từ năm 1974 cho đến khi nghỉ hưu (năm 2011). Trong hành trình ấy, ngoài mấy năm đến “xứ sở bạch dương” (11/1987-2/1990 thực tập sinh tại khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp (MGU- Moskva), còn lại toàn bộ thời gian, Bùi Việt Thắng gắn bó với khoa Văn học của trường. Từ giảng viên lên giảng viên chính và chức vụ cao nhất là Phó Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại.
Cũng là trường hợp khá đặc biệt với một giảng viên đại học, không “nhãn mác” học hàm, học vị, nhưng nhờ uy tín chuyên môn, nội lực mạnh mẽ, sự an nhiên, tự tại của anh luôn khiến đồng nghiệp, học trò nể phục. Bùi Việt Thắng tham gia nhiều đề tài khoa học; chủ biên và đồng tác giả nhiều công trình nghiên cứu; được mời tham gia giảng dạy tại nhiều cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trên toàn quốc và nhất là cái tên nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng đã quá quen thuộc với bạn đọc gần xa.
Năm 1981, bài viết Nghĩ về truyện ngắn của một số cây bút trẻ quân đội đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (số 3-1981) đã ghi dấu mốc đầu tiên của việc nhà giáo Bùi Việt Thắng gia nhập làng lý luận - phê bình.
Từ tác phẩm “trình làng” đến cuốn sách đầu tiên Bình luận truyện ngắn (phê bình - tiểu luận, 1999) là một chặng đường gần 20 năm tích lũy, dấn thân, bền bỉ để rồi tự khoanh vùng đề tài, tự khẳng thế mạnh, tự định hình một phong cách. Từ “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy” và giờ đây vừa chạm tuổi “xưa nay hiếm”, anhvẫn bền bỉ hiện thực hóa niềm đam mê nghiên cứu tiểu thuyết, truyện ngắn để sở hữu một gia tài đáng nể gồm 1 cuốn sách chuyên luận, 5 cuốn sách tiểu luận-phê bình.
Cùng những cuốn sách của riêng mình, anh tích cực tham gia biên soạn, chủ biên, viết chung nhiều công trình nghiên cứu tổng quan văn học, tiếp cận thể loại truyện ngắn, tiểu thuyết…Chưa kể những bài nghiên cứu của anh liên tục xuất hiện trên tạp chí chuyên ngành và báo chí văn nghệ.
Nếu cuốn tiểu luận-phê bình đầu tiên mới là bình luận truyện ngắn thì những công trình sau đó, anh xuất hiện với tư cách nhà nghiên cứu tiếp cận thể loại như là phương pháp nhận thức tiến trình văn học.
Tiếp theo Tiểu thuyết đương đại (2009), Thi pháp tiểu thuyết hiện đại(2019), công trình lý luận phê bình mới nhất của Bùi Việt Thắng là Thi pháp truyện ngắn hiện đại (NXB Thanh niên, 2020), gồm 2 phần: Truyện ngắn Việt Nam hiện đại - Cảnh quan và tác giả và Những sắc cầu vồng truyện ngắn.
Thi pháp truyện ngắn hiện đại gồm những tiểu luận có tính khai phá. Trong tiểu luận Dòng chảy liên tục của truyện ngắn (về truyện ngắn Việt Nam 1945-1975), Bùi Việt Thắng đã vận dụng nhiều phương pháp nghiên cứu: So sánh, đồng đại và lịch đại, địa - văn hóa… Trên cơ sở phân tích, đánh giá, tác giả đưa ra những luận điểm quan trọng.
Cách mạng tháng Tám là một “cuộc tái sinh màu nhiệm”, nhịp sống khẩn trương “một ngày bằng 20 năm” đã hình thành một đội ngũ nhà văn hùng hậu nhiều thế hệ. Sau khi điểm danh đội ngũ, tác giả nhận định truyện ngắn thời đại mới được coi là “viên trinh sát bọc đường” tiếp cận mau lẹ đời sống bằng ưu thế phản ứng nhanh của thể loại. Vì thế, thế hệ nhà văn lớp trước “vẫn tỏ ra tráng niên, chưa xơ cứng cảm xúc, sống và viết hừng hực khí thế mới. Đề tài và cách viết có thể xen kẽ giữa cũ và mới nhưng nhiệt huyết và cảm hứng thì đã thay đổi rõ rệt”…
Trong tiểu luận Tấm gương thể loại (nhận diện truyện ngắn Việt Nam sau 1975), tác giả tiếp tục mạch chuyển từ giai đoạn trước để thấy sự kế tục làm nên một đội ngũ đông đảo các thế hệ nhà văn làm nên diện mạo truyện ngắn Việt Nam, như: Bùi Hiển, Sơn Nam, Trang Thế Hy, Anh Đức, Nguyễn Quang Sáng, Ma Văn Kháng, Nguyễn Khải, Xuân Thiều, Nguyễn Minh Châu, Hồ Phương, Nguyễn Thành Long, Vũ Bão, Xuân Cang, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Trung Trung Đỉnh, Phạm Hoa, Lê Minh Khuê, Nguyễn Huy Thiệp, Từ Nguyên Tĩnh, Khuất Quang Thụy, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Tạ Duy Anh, Phan Thị Vàng Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ…
Theo Bùi Việt Thắng, phong cách truyện ngắn đương đại có thể chia thành 3 dòng: Dòng phong cách trữ tình, dòng phong cách hiện thực và dòng phong cách kỳ ảo. Cách phân dòng theo các tiêu chí và có gương mặt đại diện… Với mỗi chân dung, tác giả chọn nét riêng được coi là “đinh nhất”. Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh trong công cuộc Đổi mới văn chương”; Nguyễn Huy Thiệp như tác giả truyện ngắn tài năng góp phần tạo nên thời kỳ mới của văn chương; Bảo Ninh ngoài tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh còn là cây bút truyện ngắn có hạng; Phan Thị Vàng Anh là “một hiện tượng truyện ngắn độc đáo…một nhân tài văn thơ, một cây truyện ngắn tương lai” tiêu biểu cho thế hệ 6x…
Đôi lúc nhà nghiên cứu khó “tiết chế cảm xúc” tự đặt mình là “tôi” trong mối quan hệ gần gũi, mật thiết với các nhà văn để “tung tẩy” khá ấn tượng: Nguyễn Quang Thiều là ngòi bút có ý thức tìm tòi và giữ gìn cái đẹp của đời sống…cái đẹp trong tác phẩm của anh mang gương mặt buồn khiến người đọc nhiều khi lòng không khỏi nao nao, nuối tiếc…”. Đọc văn Dạ Ngân không thấy bằng phẳng, trái lại gập ghềnh, có vẻ như tác giả muốn khêu gợi, thử sức người đọc một lối cảm, lối nghĩ vốn đã thành thói quen… Truyện ngắn của Nguyễn Văn Thọ “mạnh về chi tiết”, “không đặc sắc ở tính chốc lát, khoảnh khắc mà ở tính chất mầm mống của tiểu thuyết”. Văn Chinh đa tài, trải bút trên nhiều thể loại…Văn Chinh là người riết róng cả ngoài đời, cả trong văn chương…riêng tôi thích tứ truyện hơn cốt truyện, tình tiết, chi tiết, văn phong, giọng điệu, chữ nghĩa”. “Vũ Minh Nguyệt, theo tôi có cái sắc thái riêng – chậm rãi và tươi sáng cả trong sống và viết, nói theo cách của nhà thơ là chầm chậm tới mình… là người chân quê trong máu huyết và xương tủy…Tôi gọi Vũ Minh Nguyệt là ngòi bút duy tình, duy mỹ”. Võ Thị Xuân Hà - từ lúa hát đế cành phong hương. Như Bình một thời để sống, một thời để yêu.“Nguyễn Thế Hùng khởi nghiệp văn bằng truyện ngắn như nhiều cây bút trẻ khác…Anh cứ viết một cách tự nhiên, thoải mái theo lối xởi lởi trời cho” (Lộc trời và lộc văn của Nguyễn Thế Hùng). Nguyễn Trường sở hữu gần một chục tác phẩm văn xuôi nặng ký; phong cách đã định hình và phát sáng. Nếu có thể nói thì đó là phong cách tâm lý – triết luận – trữ tình”…
***
Là một nhà nghiên cứu, bên cạnh sự chỉn chu, thận trọng, nhỏ nhẹ khi đánh giá về hiện tượng văn học, chân dung, thể loại… Bùi Việt Thắng cũng là người thẳng thắn, quyết liệt, tranh luận đến tận cùng để bảo vệ chính kiến của mình. Tôi đã nhận thấy “chất lửa” tranh luận của anh không chỉ trên trang viết mà cả khi đăng đàn ở những hội nghị lý luận phê bình. Tôi cũng nhận thấy sự nhất quán của anh khi tỏ bày quan điểm kể cả viết và nói. Đó là cách “nổ” tranh luận, phản biện không đao to búa lớn, mà điểm tựa là luận cứ, minh chứng xác thực “nhẹ nhàng thôi mà sao thuyết phục”…
Bạn đọc và đồng nghiệp văn chương tin tưởng vào nội lực của nhà nghiên cứu sẽ còn tiếp tục sống với văn chương cùng thời, sẽ còn ra mắt tác phẩm mới mang dấu ấn và phong cách Bùi Việt Thắng.
Bùi Việt Thắng và các giải thưởng Sự nghiệp của nhà nghiên cứu Bùi Việt Thắng được ghi nhận bằng những giải thưởng xứng đáng: Tặng thưởng Lý luận phê bình văn học cho tiểu luận Chặng đường dài của tiểu thuyết ngắn (Tạp chí Văn nghệ Quân đội, 2013); tặng thưởng (loại B) của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho tiểu luận Sự trở lại của đề tài chiến tranh cách mạng trên văn đàn hiện nay (2017); tặng thưởng (loại B) của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương cho Thi pháp tiểu thuyết Việt Nam hiện đại (2019); Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm Hà Nội từ góc nhìn văn chương (2019). |
Tác phẩm đã xuất bản của Bùi Việt Thắng - 05 Tiểu luận - phê bình: Bình luận truyện ngắn (NXB Văn học, 1999); Tiểu thuyết đương đại (NXB Quân đội nhân dân, 2005, tái bản 2006, 2009); Thi pháp tiểu thuyết hiện đại (NXB Thanh niên, 2019); Hà Nội từ góc nhìn văn chương (Nxb Hà Nội, 2019), Thi pháp truyện ngắn hiện đại (NXB Thanh niên, 2020) - 01 Chuyên luận Truyện ngắn- Những vấn đề lý thuyết và thực tiễn thể loại, NXB Đại học Quốc gia (2000, tái bản 2007, 2011). - Biên soạn/ Văn tuyển: Bàn về tiểu thuyết (NXB Văn hoá-Thông tin, 2000); Văn học Việt Nam 1945- 1954 (NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tái bản 2007); Truyện ngắn hiện thực 1930- 1945 (NXB Văn học, 2003); Anh Đức về tác gia và tác phẩm (NXB Giáo dục, 2006, tái bản 2007); Tuyển tập tác phẩm về văn hoá ẩm thực Thăng Long- Hà Nội (đồng chủ biên, NXB Hà Nội, 2010); - Viết chung: Văn học Việt Nam thế kỷ XX (NXB Giáo dục, 2004); Truyện ngắn Việt nam: Lịch sử - Thi pháp - Chân dung (NXB Giáo dục, 2007); Từ điển tác giả, tác phẩm văn học Việt Nam (dùng cho nhà trường, NXB Đại học Sư phạm, 2004, tái bản 2012)… |
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất