Thư Brazil: Bóng đá chết, Samba bất tử

10/07/2014 05:46 GMT+7 | Ký sự World Cup

(Thethaovanhoa.vn) - Cuối cùng thì câu hỏi rằng nếu Brazil thất bại thì chuyện gì sẽ xảy ra ở đất nước này đã có câu trả lời. Thậm chí, thất bại 1-7 trước Đức ở bán kết lớn tới mức có thể trở thành mồi lửa cho những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra.

Nhưng câu trả lời của người dân Brazil cho tới buổi sáng ngày hôm sau trận đấu chỉ là: Hơn hai chục chiếc xe bus bị đốt phá tại Sao Paulo. Một vụ xô xát ở khu xem tập trung (Fan Fest) trên bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro. Vài vụ đốt cờ Brazil ở ngoài sân tại Belo Horizonte.

Người Brazil buồn, nhưng không hoảng loạn

Như thế có phải là kinh khủng với một đất nước từng và đội khi vẫn được miêu tả là đầy rẫy bạo lực, bất ổn? Có lẽ là không. Việc hai thanh niên (đã bị bắt) tìm mọi cách để trèo vào bãi đỗ xe để đốt 20 chiếc xe bus có vẻ là một âm mưu có sẵn và chúng chỉ chờ thời cơ để ra tay. Vụ ẩu đả trên bãi biển lại là việc đã từng xảy ra vài lần trước đó, trong các trận đấu khác, trong đó có cả những lần Brazil chiến thắng. Và đốt cờ là chuyện thường tình ở các kỳ World Cup sau mỗi thất bại.

“Anh hãy nhìn xem, hãy cho mọi người nhìn thấy những gì đã xảy ra ở đây”, Rafael do Marquinhos, đã trả lời như thế khi chúng tôi vác trên vai chiếc camera lọt thỏm giữa đám đông 4 vạn người làm phóng sự cho Truyền hình Thông tấn. “Người Brazil không phải lúc nào cũng phá phách khi giận dữ”.

Thực ra, cũng chỉ có ít người giận dữ. Đa phần là buồn. Từ những người công nhân vệ sinh cho tới những cô gái trẻ ăn mặc sexy hết cỡ đều thẫn thờ trước những gì họ chứng kiến.

Cũng nhiều người cảm thấy sốc, vì Đức như một võ sĩ đấm bốc hạng nặng ra đòn tới tấp còn Brazil từng năm lần vô địch thế giới lại đá trên sân nhà nhưng như võ sĩ hạng lông, và vì Đức ghi bàn tới tấp trong vòng nửa hiệp đấu đầu tiên. Lịch sử bán kết World Cup chưa từng có một tỉ số chênh lệch và diễn biến như thế. Chưa có đội chủ nhà nào lại thảm bại như thế. Lịch sử bóng đá Brazil cũng chưa bao giờ phải hứng một cơn mưa gôn nhiều như thế.

Nhưng những người Brazil ấy lại nhanh chóng hát. Tiếng nhạc Samba dội ra từ quán bar Sao Bento nằm ở góc phố Mourato ở khu Vila Madalena lúc nghỉ giữa hai hiệp đã có vài người nhún nhảy.

Khi trận đấu kết thúc, đám đông hò reo với nhau hãy ở lại bởi ban nhạc sống đã sẵn sàng. Màn hình TV chiếu cảnh Ronaldo “béo” trong vai khách mời bình luận đang nói gì đó nhưng không ai nghe. Hình ảnh ông Scolari xuất hiện trong phòng họp báo được truyền trực tiếp cũng không ai để ý liệu có phải ông đang xin lỗi vì là một trong những “thủ phạm” gây nên thất bại đau đớn này.

“Vẫn phải nhảy Samba chứ”

“Tôi tin là nếu như ở sân Mineirao (Belo Horizonte) có nhạc Samba, mọi người sẽ vẫn hát và nhảy chứ không có nhiều người bỏ ra về”, Escola, cô gái ăn mặc như một công chức nhưng nhảy dẻo như một vũ công dừng lại chia sẻ giữa hai bản nhạc. “Brazil không chỉ có bóng đá”.

Phải, Brazil còn có âm nhạc, còn có những bãi biển, còn có cuộc sống sôi động ở các thành phố và các trang trại đồn điền mênh mông trải dài từ những cao nguyên miền Trung kéo xuống duyên hải. Khái niệm “Pais do Futebol” đã dần thay đổi khi Brazil phát triển (đứng thứ bảy thế giới về GDP). Bóng đá không còn là con đường duy nhất để thoát nghèo nữa.

Nếu ai đã xem những phóng sự chúng tôi thực hiện và phát trên Truyền hình Thông tấn thời gian qua, chắc sẽ nhớ rằng bên cạnh những đứa trẻ chỉ biết trông ngóng có học viện bóng đá của Neymar ra đời để đăng ký thì cũng có những người Brazil cho con cái họ chơi bóng chỉ thuần túy là tập luyện thể thao.

Thật hiếm, đúng hơn chỉ đôi ba lần trong một tháng đi nhiều nơi, chúng tôi mới thấy những đứa trẻ lao ra đường đá bóng bất chấp ô tô đang lao đến từ mọi phía.

Những đứa trẻ, những gia đình như thế, những người không có nhiều cách tạo niềm vui san lấp cho thất bại của bóng đá, những người không đủ khả năng để quẹt thẻ vô tội vạ cho những ly bia và chai rượu mạnh, những người nghèo ấy họ sẽ buồn lâu hơn, vậy thôi!   

Phạm Tấn (Từ Sao Paulo)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm