Xứ “rừng cọ đồi chè” trong văn nghệ

17/08/2010 15:57 GMT+7 | Đọc - Xem

(TT&VH) - Về dự kỷ niệm 35 năm thành lập Hội VH-NT Phú Thọ hôm qua, 16/8, tôi đi tìm những dấu ấn văn nghệ sĩ đã in trên xứ sở “rừng cọ đồi chè” và chợt bắt gặp những điều lý thú...

Dấu ấn văn nghệ kháng chiến

Văn học sử VN hiện đại đã ghi nhận nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng đã sinh ra trên xứ “rừng cọ đồi chè” và nhiều tác phẩm bất hủ ra đời ở đây. Trong số ấy, có người con của đất này như Phạm Tiến Duật; có những người coi đây là quê hương thứ hai, như nhà thơ Lưu Quang Vũ. Nhiều tác phẩm của các nhà văn mang tên đất, tên sông nơi này.


Các văn nghệ sĩ về thăm bia di tích Trụ sở đầu tiên Hội Văn nghệ Việt Nam và tạp chí
Văn nghệ (1948) tại xã Gia Điền, huyện Hạ Hòa (Phú Thọ). Ảnh: Hồng Chính

Hạ Hòa là một huyện đặc biệt nhất Phú Thọ, nơi ra đời Hội Văn nghệ VN và tạp chí Văn nghệ (tiền thân của báo Văn nghệ) tháng 7/1948. Cũng năm này, ngày 17/4 tại thôn Chu Hưng, Lưu Quang Vũ ra đời. “Thôn Chu Hưng trăng sao rơi đầy giếng/ Nằm giữa bốn bề rừng rậm nứa lao xao/ Đường ven suối quả vả vàng chín rụng/ Cọ xanh rờn lấp lánh nước sông Thao”.

Nhà thơ Lưu Quang Thuận và bà Vũ Thị Khánh lấy nhau ở Hà Nội, lên kháng chiến Hạ Hòa. Họ sinh 3 con trai ở đây: Vũ (1948), Hiệp (1951), Điền (1953) ... Lưu Quang Thuận viết bài Con vừa 6 tháng cho con trai đầu lòng, tập thơ Quà kháng chiến, Tết quân dân. Lưu Quang Vũ trở lại nơi này cùng cha năm 15 tuổi và 1966, anh viết bài thơ Phố huyện khi hành quân qua “phố nghèo kháng chiến”.

Giải thưởng Hùng Vương lần 6

Sáng qua 16/8, Hội VH-NT Phú Thọ kỷ niệm 35 năm thành lập, nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước và trao giải thưởng Hùng Vương lần 6.

Giải thưởng Hùng Vương là giải cao nhất của UBND tỉnh cho sự nghiệp cả đời của tác giả (5 năm xét một lần). Giải thưởng Hùng Vương lần 6 được trao cho nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế (kèm kỷ niệm chương và 20 triệu đồng.

Hạ Hòa, Phú Thọ là nơi hội tụ bao tài danh, nơi ra đời những đứa con tinh thần, đứa con máu thịt của nhiều tên tuổi lớn. Tản cư lên đồi Cháy, Yên Thế, Nhã Nam, quả đồi nghệ sĩ, hai gia đình nhà văn Kim Lân, Nguyên Hồng thân thiết với nhau. Rồi hai ông được các nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi mời lên Hạ Hòa chuẩn bị lập Hội Văn nghệ VN năm 1947 và làm tạp chí Văn nghệ số 1. Kim Lân mang theo bản thảo Làng, sửa tại Hạ Hòa, rồi công bố trên Văn nghệ. Tại đây, Nguyên Hồng viết ký Ấp đồi Cháy. Sông Thao thành sông thơ, dòng cảm hứng. Bên này, trụ sở Hội Văn nghệ VN đóng tại thôn Gia Điền; bên kia sông, đoàn văn hóa kháng chiến do HS Tô Ngọc Vân phụ trách có nhà mái lá tại xã Xuân Áng, cùng các danh họa Trần Văn Cẩn, Đỗ Phồn, Bùi Trang Chước.


Đại hội lần 1 thành lập Hội Văn nghệ VN có hơn 80 văn nghệ sĩ về dự, nhiều người trong số họ đã sống, sáng tạo trên đất Tổ, như các nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, vợ chồng nghệ sĩ Thế Lữ - Song Kim dựng các vở kịch, lập Đoàn văn công Nhân dân T.Ư. Những kiệt tác bất hủ ra đời là của nỗi niềm tự hào của mỗi con người Phú Thọ. Nào Tiếng chuông nhà thờ của Nguyễn Xuân Khoát, Du kích sông Thao (1949, Đỗ Nhuận). Văn Cao có một loạt tác phẩm chói sáng. Ngày mùa, Làng tôi, Trường ca sông Lô.

Đến tên những người con của Văn Cao, Tô Hoài

Không chỉ sáng tác các tác phẩm in dấu ấn xứ sở “rừng cọ đồi chè”, con trai cả của ông bà Văn Cao là Văn Thao (1948) - được cha đặt theo tên dòng sông, nơi ông là ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ VN thuở ban đầu và thường vẽ minh họa cho báo Văn nghệ.

Con gái út của nhà văn Tô Hoài cũng mang tên sông: Nguyễn Sông Thao (1960). Ông đặt tên làng thơ mộng (cũng là quê nhà văn Hà Phạm Phú) thuộc huyện Hạ Hòa cho con gái đầu lòng là Đan Hà (1949). Ông đi chiến dịch cùng năm để viết phóng sự Ngược sông Thao, NXB Cứu quốc (và tờ báo cùng tên), ấn hành, nhà báo Xuân Thuỷ chủ nhiệm.

Hình ảnh bà mẹ Trung du tảo tần nhân hậu cũng đã trở thành biểu tượng trong thơ Tố Hữu qua Bà Bủ, Bầm ơi! Ngoài ra, Đợi anh về của K.Simonov cũng được Tố Hữu dịch nơi này.  

Rồi các tác giả Tất Vinh, Tất Đạt, Tất Thắng viết những vở kịch đầu đời ở đây.

Kế thừa thành tựu lớp trước, Hội VHNT Phú Thọ ra đời ngày 3/3/1975, nhiều tên tuổi được biết đến trong cả nước với Sao Mai, Ngô Ngọc Bội, Nguyễn Hữu Nhàn, Nguyễn Khắc Xương, Kim Dũng và Vương Chùy, Hoàng Hữu, Đặng Thị Khuê (mỹ thuật). Hội xuất bản được hơn 600 đầu sách, 36 triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh, hơn 80 trại sáng tác, 20 hội thảo, 42 đêm diễn, hơn 70 hội viên Trung ương. Phú Thọ có Phạm Tiến Duật, có Bút Tre, có nhiều NSND, NSƯT, là quê hương của nhiều nghệ sĩ...

Vi Thùy Linh (Thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm