(Thethaovanhoa.vn) -
“Máu” tiểu thuyết kiếm hiệp truyền từ đời ông nội, nên Thiện Ngộ tiếp xúc với thể loại này ngay lúc còn nằm nôi (nghe qua lời kể), mê đọc năm lớp 7, thử sáng tác năm lớp 8. Tập 1 Huyết án Phiên Ngung thành (NXB Hội Nhà văn) đang được FAHASA phát hành là khởi đầu của bộ Nam quốc anh hùng truyện, gồm 3 tập, mà tác giả đang hoàn thành.Thiện Ngộ (năm nay 29 tuổi) kể rằng suốt thời học sinh, anh là một “fan cuồng” của sách kiếm hiệp. Anh đã đọc hầu hết các tác phẩm tiêu biểu của Kim Dung, Cổ Long, Lương Vũ Sinh, Ôn Thụy An, Ngọa Long Sinh, nhưng thích nhất là Kim Dung và Lương Vũ Sinh. “Tôi đọc hết truyện của Kim Dung rồi mới tới Lương Vũ Sinh nên văn phong của tôi bị ảnh hưởng bởi Kim Dung nhiều nhất (qua phong cách dịch của Hàn Giang Nhạn)” - Thiện Ngộ tâm sự. Anh cũng đọc nhiều tác giả kiếm hiệp của Việt Nam.
“Tái sinh” từ mạng
Mê và từng thử viết truyện kiếm hiệp từ nhỏ, nhưng Thiện Ngộ chỉ thật sự nhập cuộc vào năm 2006, khi mà trên mạng rộ lên phong trào in truyện kiếm hiệp. Phần lớn
Huyết án Phiên Ngung thành được viết và in “cuốn chiếu” trên các diễn đàn, sau đó mới hiệu chỉnh dần dần để thành tác phẩm. Có thể nói, nếu sách in sinh ra nguồn cảm hứng, thì mạng Internet “tái sinh” sức sáng tạo cho Thiện Ngộ.
Nhà văn trẻ Thiện Ngộ
Năm 2009, sau một thời gian làm vài nghề tại TP.HCM, Thiện Ngộ “nhận chỉ lệnh” và cảm hứng từ nhóm bạn để một mình về quê ở huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên trồng rừng. Đây cũng là quãng thời gian để anh tĩnh tâm hoàn thiện tập 1, rồi tìm phương án xuất bản phù hợp. Đến nay, anh và nhóm bạn của mình đã phủ xanh được khoảng 50ha đất trống đồi trọc mà huyện nhà giao phó. Bên cạnh đó anh cũng đã hoàn tất tập 2
Âm mưu Y Tâm giáo.Tập 1 gồm 7 hồi, điểm đặc biệt nhất là cách đặt tên ngược tính cách cho các nhân vật xấu. Ví dụ ngụy quân tử thì sẽ được đặt tên nghe rất quân tử như Thân Công Chính, nhằm tạo sự bất ngờ. Trong khi kiếm hiệp “truyền thống” thì tên khá giống người, ví dụ Nhạc Bất Quần có nghĩa là người không có bè bạn; Nhậm Ngã Hành có nghĩa người đi một mình… Bên cạnh đó, “tôi cũng cố gắng sáng tạo một số võ công mới, lịch sử và phong tục tập quán của người nước Nam, đi sâu khai thác các tôn giáo bản địa… nhằm phá vỡ lối mòn kiếm hiệp truyền thống” - Thiện Ngộ cho biết.
Trong bộ truyện, Thiện Ngộ cũng đề cập đến tể tướng Lữ Gia và hậu duệ của vua Triệu Kiến Đức - vua cuối cùng nhà Triệu (làm vua từ 112 TCN đến 111TCN). Anh chọn họ làm chính danh quân tử là nhằm tôn vinh tinh thần quật cường đến cùng, chống lại âm mưu xâm chiếm, biến nước ta thành một quận thuộc nhà Hán.
Tập 1 của bộ “Nam quốc anh hùng truyện”
Đề cao dã sử ViệtTập 3
Hợp phố, hoàn châu thì đã xong căn bản về ý tưởng. Thiện Ngộ cho biết: “Sau bộ này, tôi muốn đi chuyên về dòng dã sử Việt kiếm hiệp. Mục đích lớn lao mà tôi hướng tới là viết lại lịch sử đất nước bằng ngôn ngữ kiếm hiệp. Mảnh đất lịch sử theo tôi rất màu mỡ, quan trọng là các tác giả phải có hiểu biết đầy đủ và biết cách khai thác thì lịch sử sẽ không còn khô khan nữa. Và hy vọng tương lai không xa, văn học kiếm hiệp Việt Nam sẽ có những bứt phá ngoạn mục”.
Thiện Ngộ nói rằng, viết kiếm hiệp dã sử khó nhất là chọn được đề tài đặc sắc. Bởi sử liệu tuy nhiều nhưng lựa chọn hợp lý rất khó. Truyện dã sử hấp dẫn độc giả ở những tình tiết ngoài luồng, theo kiểu thâm cung bí sử mà chính sử khó đề cập. Do đó, khai thác được điểm này tức là dựng được cái riêng, cái thần của cốt truyện.
Trong dòng chảy văn học trẻ hiện nay, việc chọn một lối đi như Thiện Ngộ, thay vì chọn các lối dễ dàng hơn, cũng là một sự dũng cảm. Vì truyện kiếm hiệp Việt vẫn còn rất khó về đầu ra nói chung, nhất là thị trường chưa quen. Bởi nếu muốn, Thiện Ngộ vẫn có thể đi con đường khác, vì anh từng vượt qua hơn 1.200 bài dự thi để đoạt giải Ba với phóng sự
Những chuyến xe đêm tại cuộc thi
Một chuyến đi do báo
TT&VH, Let’s Việt - VTC9 và Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp tổ chức năm 2009.
VĂN BẢY
Thể thao & Văn hóa