Tâm bão Quảng Bình: Chồng chất nỗi lo từ những ngôi trường sập

08/10/2013 10:00 GMT+7 | Giáo dục

(Thethaovanhoa.vn) - “Với tình hình này thì dù cố gắng thế nào, trong vòng một tháng nữa, cũng không thể đảm bảo 100% trẻ em được đến trường” ông Đoàn Đức Liêm - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Quảng Bình lo lắng.

Giáo viên phải tranh thủ giờ nghỉ để sửa nhà

Theo thông báo từ Sở Giáo dục & Đào tạo Quảng Bình, ngày 3/10, học sinh bắt đầu đi học lại sau bão. Thế nhưng gần 1 tuần trôi qua, nỗi lo vẫn chất chồng. Bão số 10 đã gây ra hậu quả quá nặng nề, không thể khắc phục trong một sớm một chiều, ngành giáo dục Quảng Bình phải gánh chịu tổng thiệt hại hai trăm hai mươi tám tỷ. 100% các trường học đều bị thiệt hại, nhiều trường bay ngói, lật mái, bàn ghế gãy hỏng,…

Thầy Phạm Văn Giáp - Hiệu phó trường THCS Đại Trạch (Bố Trạch) cho biết: “Ngay sáng 1/10, tập thể giáo viên và học sinh đã được huy động đến dọn dẹp để có thể vào học sớm nhất. Các dãy nhà của trường đều bị lật mái, bàn ghế cũng ướt hết, một số bị hư hỏng. Dù đã vào học nhưng vẫn còn rất khó khăn”.

100% các trường học bị thiệt hại do bão số 10

Không chỉ các phòng học bị sập hay lật mái, khu tập thể giáo viên tại các huyện cũng thiệt hại nặng nề. Thầy Đoàn Đức Liêm buồn rầu nói: “Các khu tập thể giáo viên cơ bản là nhà tạm, nhà cấp 4, xây dựng từ hàng chục năm nay. Đến cột phát sóng hiện đại thế còn bị bão quật ngã thì khu tập thể giáo viên của chúng tôi ăn thua gì. Sau bão, người dân còn có thời gian sửa lại nhà, chứ các đồng nghiệp ở đây thì chịu. Phải đảm bảo giờ lên lớp cho học sinh nên anh chị em tranh thủ từng phút để sửa sang lại nhà cửa. Buổi trưa, học sinh nghỉ về ăn cơm thì các giáo viên trong khu tập thể phải ăn vội vàng để còn sửa nhà. Thấy thầy cô như vậy, học trò nó xót lắm, đứa nào cũng muốn giúp một tay”.

Nhiều nơi trên toàn tỉnh vẫn chưa có điện và nước sinh hoạt không đảm bảo. Thiếu điện và nước, các trường mầm non cũng khó hoạt động

Ngay sau bão, ngành giáo dục Quảng Bình đã huy động toàn bộ lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả, đi vào học sớm nhất.

Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết mình khắc phục khó khăn. Cũng không thể trông chờ cho đầy đủ hơn rồi mới vào học. Tuy nhiên phải thấy an toàn tuyệt đối mới cho học. Chúng tôi sẽ cho học bù vào thứ 7, chủ nhật để đảm bảo chương trình, trong vòng 1 tháng” - Thầy Đoàn Đức Liêm.

Trường sập và nguy cơ “đói chữ”

Mấy ngày nay, chị Vân (Chợ Công Đoàn- TP. Đồng Hới) lo lắng, không biết bao giờ con gái chị mới được đi học. Chị nói: “Ngày nào con bé cũng đòi đi học. Cô giáo cũng bảo không biết bao giờ mới đi học lại được. Ở Đồng Hới có tới 3 trường bị sập như thế này”.

Ngành giáo dục Quảng Bình đề ra nhiều phương án nhằm đảm bảo cho các em được đến trường sớm nhất: học bù, ghép lớp, học nhờ,…Nhưng các biện pháp này không giải quyết được bao nhiêu trường hợp. Vì thực tế, lâu nay học sinh đã không có đủ phòng học, chỉ đáp ứng được 45% thì việc học nhờ hay ghép lớp bây giờ là không thể.

Trường sập sẽ nhiều trẻ em Quảng Bình chưa biết ngày đến trường

Cùng ba mẹ dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, em Nguyễn Thị Lan (lớp 3, Trường tiểu học Liên Trạch, Bố Trạch) xếp gọn sách vở vào bàn học: “Con thấy các bạn chuẩn bị đi học, vui lắm. Nhưng con chưa biết bao giờ mới được đến trường, gặp lại bạn ạ. Hôm mưa bão, con vẫn cố gắng giữ sách vở khô ráo hết”.

Hiện tại, có gần 10% các trường, nếu không khắc phục ngay bây giờ thì 1 tháng nữa cũng không thể vào học được. 10% này cơ bản nằm ở cấp mầm non và tiểu học: Đồng Hới có 3 trường, Quảng Trạch 5 trường, Bố Trạch 5, Tuyên Hóa 3, Quảng Ninh 2, Lệ Thủy 3. Đó là chưa kể các điểm trường nằm ở vùng sâu vùng xa. Các trường này phải xây mới lại toàn bộ nhiều phòng học. Nếu có kinh phí mà xây ngay bây giờ thì 1 tháng nữa cũng khó đảm bảo đi học được. Huống hồ, chưa biết bao giờ, các lớp học này mới được xây lại.

Hồng Thúy

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm