Nhà văn Nguyễn Đông Thức: Nghề văn làm không đủ... nhậu

01/12/2014 16:08 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Học từ mẹ - nhà văn Bà Tùng Long - tính siêng năng trong nghề viết, Nguyễn Đông Thức được xem là “lực điền trên cánh đồng chữ” của thế hệ ông. Vậy nhưng, dù viết rất nhiều ông vẫn không thể so với mẹ mình trong lao động nghề văn.

Nguyễn Đông Thức dành cho TT&VH Cuối tuần cuộc trò chuyện về nghề viết của Bà Tùng Long và của chính ông.

* Hồi ký Bà Tùng Long vừa được NXB Hội Nhà văn và Phương Nam Book tái bản có bổ sung, ông học được gì từ hồi ký của mẹ mình?

- Mẹ tôi viết hồi ký rải rác trong khoảng mười mấy năm cuối đời, viết tay, nhớ đâu viết đó. Mấy trăm trang A4, tôi biên tập lại, xếp theo chương hồi. Khi làm việc đó, tôi càng nhận ra sự lớn lao của mẹ. Mẹ học giỏi, trí nhớ vào hạng siêu, mẹ tài năng, sống đàng hoàng, ngăn nắp, mẹ yêu chỉ một người, mẹ hết lòng vì chồng con, mẹ làm việc xã hội giỏi nhưng vẫn quán xuyến việc nhà… Hầu như tôi không học được bao nhiêu, nếu không muốn nói là tôi… quá hư!

Nếu nói là học được, thì tôi chỉ cố gắng theo mẹ được (phần nào) tính cần cù làm việc mà thôi. Nhiều đêm đi nhậu về đã say ngất ngưởng, vẫn phải mở máy ra và ngồi xuống viết 2 - 3 trang cho đến khi tỉnh rượu. Không ép mình làm việc thì sẽ không xong với mấy cái kế hoạch luôn cận “deadline”.


Nhà văn Nguyễn Đông Thức và mẹ - nhà văn Bà Tùng Long

* Nếu so về lao động nhà văn, sức viết của ông có thể so được mấy phần với mẹ của mình?

- Không bao giờ dám so! Tổng kết lúc ngừng viết ở tuổi 50, mẹ tôi đã có khoảng 60 cuốn tiểu thuyết, 400 truyện ngắn, bên cạnh việc trả lời hàng ngàn bài Gỡ rối tơ lòng, đi dạy Việt văn và Pháp văn và làm Thư ký tòa soạn báo Phụ nữ diễn đàn, Phụ nữ ngày mai… Còn tôi? Thì cũng có làm báo và tới giờ (63 tuổi) vẫn còn viết, nhưng chỉ có khoảng mười mấy đầu sách, cả truyện dài và truyện ngắn, vài kịch bản sân khấu và điện ảnh. Trong khi chẳng hề động tay đến việc nhà, không đi dạy ai, vui chơi giải trí thì quá nhiều!

Có thể vì mẹ phải lo cho chồng và chín đứa con! Sáng sớm mẹ dậy là viết thực đơn trong ngày để đưa chị bếp đi chợ, uống trà sớm với chồng, ăn sáng rồi bắt đầu cày tới trưa. Ăn trưa, nghỉ một chút, uống trà trưa, lại cày tới chiều. Ăn cơm chiều xong, coi tin tức trên ti-vi, nghe đài, rồi lại cày tới khuya. Có hôm gấp, 12h khuya vẫn nghe tiếng ngòi bút của mẹ chạy rào rào trên giấy…!

* Nhà văn Đoàn Thạch Biền có người học trò tên là Tạ Hùng. Anh ấy nhiều lần nói rằng, Bà Tùng Long là người đã sinh ra Tạ Hùng lần thứ hai. Cụ thể việc này là sao thưa ông?

- Làm công việc tư vấn tình cảm (Gỡ rối tơ lòng), mẹ tôi luôn khuyên can vợ chồng hãy cố hết sức giữ sự bền vững của gia đình, chỉ khi hết cách rồi mới hãy nghĩ đến chuyện ly hôn. Tuyệt đối đừng phá thai, đừng tiền dâm hậu thú… Những điều ấy bây giờ đã… xưa như trái dưa, không mấy ai theo nữa. Nhưng vào thời đó (cách đây hơn 50 năm), những lời khuyên đó đã được nhiều người nghe theo, và tìm lại được hạnh phúc gia đình. Tôi từng thấy nhiều phụ nữ, có cả chồng đi theo, đến tận nhà cảm ơn mẹ tôi đã giúp họ vượt qua bão tố gia đình.

Hồi ký Bà Tùng Long vừa tái bản

Về anh Tạ Hùng, thật ra phải nói là nhờ lời khuyên của mẹ tôi mà anh mới được chào đời. Mẹ anh ấy đang tuyệt vọng vì bị phụ tình, hỏi mẹ tôi có nên bỏ cái mầm sống đang trong bụng hay không? Mẹ tôi cản ngăn, nói là đứa trẻ không có tội gì cả, và hãy coi đó là một món quà Thượng đế trao tặng… Mẹ anh này có kể lại câu chuyện ấy trong một dịp nào đó, và khi biết thầy mình, nhà văn Đoàn Thạch Biền là bạn thân của tôi, con Bà Tùng Long, anh đã tới tìm và tặng mẹ tôi một cái khánh vàng trong dịp sinh nhật bà 85 tuổi với lời đề tặng: “Xin cảm ơn Bà Tùng Long. Nhờ có bà mà cách đây 46 năm một đứa trẻ đã được chào đời…”.

* Bà Tùng Long đã nuôi được cả gia đình bằng nhuận bút. Còn bây giờ, nhà văn như anh có “sống được” bằng nhuận bút như thời mẹ mình hay không?

- Không chỉ viết văn, mẹ tôi còn đi dạy, làm báo, và tôi nhớ nhuận bút in sách thời đó rất cao. Mỗi lần bán được sách, mẹ tôi mua về 2 tạ gạo (bao chỉ xanh 100 kg) và cả giỏ cần xé trái cây đang mùa (nhà 11 miệng ăn, chưa kể thường có 2 người giúp việc). So với giá vàng thì bán được một cuốn sách có thể mua được 10 lượng! Nhưng tôi không hề thấy mẹ mua vàng, nên khi mất thì gia tài hầu như chẳng có gì ngoài mấy đứa con và một số đầu sách để lại.

Mấy năm nay, sách của bà tái bản lai rai, vẫn còn cho con cháu hưởng lộc, cuốn hồi ký mới tái bản cũng chia được cho chín chị em mỗi người 3 triệu, thêm ơn mẹ. Tôi chỉ sống được bằng nghề báo, còn nghề văn thì nói thật, làm không đủ nhậu. Giờ về hưu, cũng may chưa phải nhờ con, nhưng chắc là khi ra đi, tài sản cũng chỉ là mấy đứa con và vài cuốn sách để lại mà thôi!

* Hai năm gần đây, ông cùng nhà văn Đoàn Thạch Biền đi trao học bổng cho học trò nghèo khắp nơi. Động cơ nào khiến ông làm việc này và ông rút ra được điều gì sau các chuyến trao học bổng?

- Từ năm 45 tuổi tôi đã bị thoái hóa khớp nặng và thay cả hai khớp chân, sau đó 13 năm lại phải thay lần nữa! Chân tôi rất yếu vậy mà cứ thích đi, bệnh thích di chuyển đã có từ trẻ. Tôi rủ ông Đoàn Thạch Biền cũng vừa về hưu như mình đi xuyên Việt bằng mô-tô. Chợt nghĩ nếu có ít tiền cầm theo để cho mấy đứa nhỏ con nhà nghèo ở khắp nơi thì… nhất cử lưỡng tiện. Thế là đi xin bạn bè giúp mỗi người một tay. Cứ có đủ khoảng 20 triệu cho 40 cháu của một trường vùng sâu thì lên đường. Đến nay cũng đã tặng được 661.172.400 đồng tiền học bổng, chưa kể tiền mua tập, quà, sách cùng nhiều chi phí ăn ở đi lại khác của chúng tôi và bạn bè lên đến cả trăm triệu, không tính ở đây.

Miền Trung chỉ còn thiếu 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Khánh Hòa, Ninh Thuận, có một số tỉnh đã đi hai lần. Đầu tháng 12/2014 này, chúng tôi sẽ đi tiếp 3 trường ở Ninh Thuận và Khánh Hòa…

Điều rút ra sau 2 năm đi trao học bổng là… dân mình còn nghèo quá, nghèo đến mức không tận mắt thấy thì có khi không tưởng tượng được! Thật là buồn! Buồn đến nỗi ông Biền thường phát sinh… tiêu cực, nói thôi đừng đi nữa, vì chỉ như muối bỏ biển! Nhưng rồi cứ coi lại mấy tấm ảnh, nhìn ánh mắt mừng vui, nụ cười rạng rỡ của các cháu, là lại muốn khăn gói lên đường!

Điều thứ hai là lòng tốt vẫn luôn còn quanh đây trong cuộc sống. Mỗi lần… thiếu tiền, tôi post vài câu kêu gọi trên Facebook, là lập tức được mọi người, hầu hết chưa từng gặp mặt, lại chung tay đóng góp. Dân ta làm việc nghĩa đơn giản và dễ dàng, nhất là khi đã thấy tin cậy. Muốn làm được thì phải minh bạch đến từng xu, điều này tôi học từ mẹ, thêm vào đó, được ông Biền và mọi người đồng lòng, thế là đi…

Bà Tùng Long (1915 - 2006) sinh ra và học tiểu học tại Đà Nẵng, trung học tại Huế, thành danh tại Sài Gòn. Bà khởi xướng mục Gỡ rối tơ lòng trên báo Sài Gòn mới từ năm 1953. Từ năm 1935, bà kết hôn cùng nhà thơ - nhà báo Hồng Tiêu - Nguyễn Đức Huy. Bà có vài người con theo đường văn nghiệp: nhà thơ Nguyễn Đức Trạch, nhà văn Nguyễn Đức Lập, nhà văn Nguyễn Đông Thức (tên đầy đủ Nguyễn Đức Thông). Bà là tác giả nổi tiếng tại miền Nam trước 1975, dừng viết ở tuổi 50, trước tác đồ sộ.

Hoàng Nhân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm