Long Biên, người bạn mến yêu của tôi

19/09/2010 23:15 GMT+7 | Cầu Long Biên

(Bài dự thi) - Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội. Nhà tôi ngay phố Nguyễn Thiệp, cách cầu Long biên khoảng 500m. Khi tôi còn bé, phố xá không nhiều nhà cao tầng như bây giờ nên nếu đứng ở lan can nhà tôi cũng có thể nhìn toàn cảnh cầu Long Biên và bãi sông Hồng.

Nhà tôi ở bên này cầu, còn ông bà ngoại tôi lại ở bên kia cầu nên cứ chủ nhật là mẹ lại gò lưng đạp xe chở anh em tôi đi qua cầu Long Biên sang chơi với ông bà. Ngày trước, tôi nhớ mặt cầu Long Biên còn được ghép bằng các mảnh ván lớn, giữa các tấm ván vẫn còn khe hở, ngồi sau xe mẹ mà tim tôi cứ thót lại khi nhìn xuống thấy dòng nước cứ cuồn cuộn trôi. Tôi chỉ sợ nhỡ mình ngã rơi tòm xuống dưới sông. Nỗi sợ đó cũng vơi dần với thời gian. Bây giờ nghĩ lại tôi thấy thật buồn cười về nỗi sợ trẻ con của mình.




Nhưng trái ngược với nỗi sợ khi đi trên cầu thì anh em tôi lại hoàn toàn thờ ơ với nỗi nguy hiểm của dòng sông khi chúng tôi trốn bố mẹ ra Bãi Giữa chơi. Ngày đó chúng tôi xuống Bãi Giữa đơn giản chỉ để lội nước, đá bóng, đánh trận giả hoặc mót những củ khoai, bắp ngô còn sót lại sau mùa thu hoạch rồi nhóm lửa để nướng. Những bắp ngô, củ khoai lúc đó sao mà thơm ngon thế, vị ngon rất đặc biệt vì được nuôi dưỡng bởi đất mẹ tự nhiên mầu mỡ phù sa. Ngày đó chúng tôi cũng thả diều, đó là những con diều do tự tay chúng tôi làm, rất đơn sơ giản dị nhưng lại chở nặng muôn vàn ước mơ của chúng tôi thuở bấy giờ. Bãi Giữa lúc đó như một ốc đảo tách biệt để chúng tôi tha hồ khám phá, là một thế giới riêng để chúng tôi tha hồ bày trò nghịch ngợm mà không sợ bị người lớn nhòm ngó.



Cùng với năm tháng, anh em tôi đã lớn, đều đã trưởng thành, nhưng chỉ có cầu Long Biên, cây cầu với bề dày hơn 100 năm lịch sử là vẫn đứng đó, uy nghi mà trìu mến giữ vững nhịp giao thông kêt nối hai bờ. Mỗi khi đứng trên cầu, tôi thường nắm chặt tay vào thành cầu, cảm nhận mọi rung động của nó để hiểu được sự vất vả, sự nhẫn nại của một "con người" phi thường không bao giờ chợp mắt, không một phút nghỉ ngơi, đưa những niềm vui, nỗi buồn đi về mà không bao giờ đòi hỏi điều gì.



Cây cầu đứng đó im lìm tưởng như vô tri vô giác, nhưng nó chính là người hiểu rõ nhất những vất vả lo toan trong cuộc sống thường ngày của chúng ta.





Từ những đêm trắng của chợ đầu mối Long biên…



Rồi những xe thồ chở nặng hoa quả kĩu kịt qua cầu để kịp phiên chợ sáng.



Những giọt mồ hôi của các bác nông dân bãi giữa để có những bắp ngô nếp dẻo ngon.



Sự vất vả, lênh đênh của những người dân vạn chài.



Ngược xuôi sớm chiều của những con người vất vả mưu sinh.



Ai cũng vậy, sau những năm tháng lao động, đóng góp cho xã hội sẽ là những năm tháng nghỉ ngơi, thư giãn. Tôi thiết nghĩ, cầu Long Biên cũng đã đến lúc phải được ngơi nghỉ như ai. Hiện nay, chúng ta đã có ngày càng nhiều các cây cầu mới để gánh vác bớt những nhọc nhằn với người anh cả Long Biên, nhưng tôi thấy như vậy vẫn chưa đủ.

       

Tôi muốn cầu Long biên phải thật sự được nghỉ ngơi, sống một cuộc sống thật vui vẻ với những lễ hội...



Đoàn tàu du lịch với chiếc đầu máy hơi nước cổ và cây Cầu Long biên sẽ mãi là những người bạn tri kỉ, đưa khách du lịch trong và ngoài nước về với một miền ký ức hào hùng của Thủ đô Hà Nội.



Và những quán cóc với những món quà vặt giản dị như ổi, bưởi, chè lam, kẹo lạc, kẹo vừng…cùng bát nước vối, nước chè xanh sẽ là những điểm nhấn trên cầu để con cái chúng ta sau này vẫn có thể được nếm thử những món quà vặt mà trước đây đã từng là thứ quà bánh xa xỉ của cha mẹ chúng.







Cầu Long Biên vẫn sẽ nhộn nhịp dòng người qua lại, nhưng không phải là dòng người hối hả mưu sinh nữa, mà sẽ là những dòng người đến đây để tham quan, du lịch…





Về với một thời để nhớ…



Và hóng gió, thư giãn sau một ngày làm việc mệt nhọc…



Ngắm hoàng hôn trên sông Hồng.





Trao những lời yêu thương, những cử chỉ âu yếm…



Là điểm hẹn văn hóa cho những người con yêu Hà Nội trên khắp mọi miền Tổ quốc.



Chúng ta hãy chung tay góp sức để giữ cho cầu Long Biên được mãi mãi trường tồn và là một biểu tượng đẹp của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

                                                                                  Vũ Quang Ngọc

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm