Góc Hồng Ngọc: Cảm xúc mùa giải mới: Cơn đói và sự thân thuộc

31/08/2013 19:54 GMT+7 | Hành tinh bóng đá

(Thethaovanhoa.vn) - Mùa giải bóng đá mới tại châu Âu đã trở lại sau gần ba tháng nghỉ hè. Cơn đói kéo dài là lúc người ta ăn ngấu nghiến những gì… ăn được. Đó là chủ đề của Cà phê thể thao tuần này với nhà báo Hồng Ngọc.

* Cà phê thể thao: Mùa giải mới đã bắt đầu tại tất cả các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Âu. Trên Facebook, chúng ta thấy mọi người đặt trạng thái (status) về bóng đá khắp nơi?

- Hồng Ngọc: Đó là lẽ tự nhiên. Thứ nhất, tôi và anh có quá nhiều bạn trên Facebook là những người làm thể thao, nhất là các phóng viên, bình luận viên bóng đá và những khán giả nhiệt thành của bóng đá. Thứ hai, sau cơn đói kéo dài, người ta thường ăn ngấu nghiến tất cả những gì có thể ăn được!

* Hình như anh đã quên V-League? Suốt thời gian nghỉ hè của bóng đá châu Âu, V-League vẫn diễn ra, thậm chí ở vào giai đoạn gay cấn!

- Tôi bắt đầu làm nghề báo thể thao với công việc của một phóng viên bóng đá Việt Nam. Đã có những trận đấu, những thời điểm mà dù mình là một phóng viên vẫn không tránh khỏi những cảm xúc mạnh mẽ, sự lo âu hồi hộp, hay tình cảm thiên vị đội này, đội kia. Nó đã từng là một món ăn, tuy có lúc chua cay nhưng có cả những ngọt bùi. Còn bây giờ V-League như một khúc xương vậy. Nếu không vì công việc, vì tình cảm địa phương, có người thân đang làm việc ở một đội bóng, hay không biết làm việc gì khác ngoài bật ti-vi lên với vài kênh truyền hình phổ biến, ta khó còn có thể ngồi “thưởng thức” một trận đấu V-League.

* Rõ ràng là V-League không có cùng chất lượng với các giải đấu hàng đầu châu Âu. Anh chọn xem Real Madrid - Barcelona ở La Liga hay Nice - Rennes ở Ligue 1 cùng thời điểm?

- Tôi chọn trận Việt Nam - Thái Lan nếu nó diễn ra cùng thời điểm. Chất lượng là một phần. Sự gần gũi và thân thuộc còn quan trọng hơn. Sự cuốn hút của những cái tạo cảm giác thuộc về chúng ta bao giờ cũng lớn hơn của những cái xa lạ, dù cái xa lạ kia ở trình độ cao hơn rất nhiều. Ta quan tâm đến kết quả trận đấu của con mình ở giải cờ vua của trường hơn là trận cờ vua tranh ngôi vô địch thế giới.

Tại sao một trận đấu chống xuống hạng, thậm chí một trận đấu không còn ý nghĩa quyết định ở giải Ngoại hạng Anh vẫn chật cứng khán giả, trong khi lẽ ra họ có thể ngồi nhà xem ti-vi những trận đấu có ý nghĩa tranh chức vô địch chất lượng hơn rất nhiều, đỡ tốn tiền và thời gian hơn? Chính là vì sự thân thuộc, cảm giác đó là đội bóng của mình.

Vấn đề là V-League từ khi các doanh nghiệp nhảy vào làm bóng đá, vì cách làm chộp giật và cậy thế tiền bạc, đã tước đi của những người quan tâm đến các đội bóng cảm giác đó là đội bóng của mình. Những đội bóng giàu bản sắc nhất thì giải thể hoặc bán mình, những ông chủ đến rồi đi, những cầu thủ thi đấu chỉ vì tiền… đã hủy hoại sự quan tâm của khán giả. Tôi e rằng hiện chỉ còn Sông Lam Nghệ An là giữ được cho phần lớn khán giả của họ cảm giác đó là đội bóng của mình.

Nhưng khán giả Việt Nam vẫn yêu bóng đá, và họ đã chọn các đội khác ở… châu Âu làm đội bóng của mình. Chủ yếu là ở giải Ngoại hạng Anh.

* Tại sao lại là Ngoại hạng Anh?

- Vẫn là sự thân thuộc. Chúng ta được xem giải Ngoại hạng Anh trực tiếp và miễn phí liên tục hằng tuần gần 20 năm nay trên toàn quốc vào khung giờ thuận lợi. Không có giải bóng đá nào có được sự thân thuộc như vậy. Khi giải đấu này vào Việt Nam, nó không phải là một giải đấu có chất lượng hàng đầu. Nhưng nó sớm chinh phục khán giả Việt Nam ở hai điểm: sự cao thượng trong ứng xử và sự hết mình trong thi đấu. Đó là hai điểm mà người Việt nói chung và bóng đá Việt nói riêng rất thiếu. Người ta thường khao khát và ngưỡng mộ những thứ mình không có!

* Anh có đội bóng “của mình” không?

- Dĩ nhiên rồi. Tôi từng có tình cảm đặc biệt với Arsenal và Paris Saint German, nhưng giờ tình cảm ấy chỉ còn cho Arsenal. Từ khi mới trưởng thành, tôi có chút khác biệt khi không hâm mộ những đội bóng ở trên đỉnh cao, mà thường cổ vũ một đội bóng đang thách thức kẻ thống trị. Tình cảm với Arsenal bắt đầu khi họ là thách thức chủ yếu của Manchester United, cũng như tình cảm dành cho PSG là khi họ thách thức Marseille và sau đó có vị trí nhất định ở các cúp châu Âu. Nhưng rồi tình cảm với PSG phai nhạt khi tôi không được xem họ thi đấu, tức là đánh mất sự thân thuộc.

* Tình cảm dành cho Arsenal vẫn không phai nhạt sau tám mùa giải không danh hiệu, và khởi đầu mùa giải mới bằng một trận thua bạc nhược?

- Anh bạn tôi có một câu rất hay: Hãy lựa chọn trước khi yêu, và khi đã chọn rồi thì hãy yêu sự lựa chọn của mình. Có lẽ tôi đã không lựa chọn trước khi yêu Arsenal, nhưng chọn rồi thì thật khó để từ bỏ tình yêu của mình. Con của bạn dù khiếm khuyết, dù hư đốn, bạn vẫn không thể ngừng yêu nó vì đó là con của bạn. Sau mỗi trận đấu thua, mỗi mùa giải thất bại là một lần thất vọng, nhưng rồi tới trận đấu kế tiếp, mùa giải kế tiếp lại bắt đầu niềm hy vọng mới. Tình cảm thường có sự mù quáng, và chính sự mù quáng ấy đã trao cho những người kém cỏi, những người khiếm khuyết vẫn có cơ hội yêu và được yêu, để rồi tình yêu ấy có thể quay lại thúc đẩy họ hoàn thiện mình, tiếp tục sống có ý nghĩa. Đó là sự kỳ diệu của tạo hóa. Thử hỏi một câu lạc bộ, cũng như một con người, sẽ ra sao nếu tất cả quay lưng lại với họ vì họ liên tiếp thất bại hay phạm sai lầm?

* Nhưng trong rất nhiều dịp, anh thể hiện sự mến mộ đặc biệt với Barcelona, thậm chí tôi tưởng rằng anh là cổ động viên của họ?

- Anh rất đúng khi dùng từ mến mộ. Đó là sự quý mến và ngưỡng mộ. Tôi có thể ngưỡng mộ Manchester United nhưng không quý mến họ. Tôi có thể quý mến Valencia nhưng không ngưỡng mộ họ. Ngưỡng mộ là trạng thái tình cảm đứng trước sự thành công hoặc cách hành xử đặc biệt mà chúng ta muốn đạt tới nhưng không hoặc chưa làm được. Còn quý mến là trạng thái tình cảm mà ta cảm thấy có sự đồng cảm, gần gũi với đối tượng. Nhưng thành công thì có thể qua đi. Sự đồng cảm cũng có thể qua đi, khi ta nhận thấy một hành vi nào đó của họ khác với chuẩn mực của ta. Vì thế những trạng thái tình cảm đó ít nhiều là nhất thời. Tôi từng mến mộ Real Madid thời Vicente Del Bosque, nhất là khi họ có cả Ronaldo, Zindedine Zidane, với những ngôi sao thượng hạng, lối chơi đầy lôi cuốn, gặt hái đầy thành tích mà vẫn tỏ ra khiêm nhường. Nhưng tình cảm đó cũng qua đi khi họ không còn như thế nữa. Barcelona gần như hội tụ đủ tất cả các yếu tố này, thêm cả cách họ đạt được thành công cũng tương đồng với quan niệm sống của tôi. Nhưng tôi không thể chắc chắn mình có duy trì được tình cảm này không khi họ liên tiếp thất bại như Arsenal. Đó chính là khác biệt giữa sự mến mộ và tình yêu.

* Cảm ơn anh vì đã chia sẻ những cảm xúc của mình nhân mùa giải mới!

Cà phê thể thao

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm