Chuyện dài những vụ đạo thơ

22/10/2015 08:46 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Từ một nhà thơ nổi tiếng như Phan Huyền Thư đến một nhạc sĩ hay một nhân viên đánh máy bình thường cũng có thể trở thành kẻ đạo thơ dù vô tình hay cố ý. Tất nhiên, những kẻ đạo thơ thường chối quanh co hoặc “cao thủ” hơn là im lặng để.. “lâu hóa bùn”.

Vụ việc liên quan tới bài thơ Buổi sáng của nhà thơ Thường Đoan và Bạch lộ - in trong tập Sẹo độc lập, tập thơ vừa giành Giải thưởng Hội nhà văn HN, của Phan Huyền Thư - đang gây sự chú ý của dư luận suốt những ngày qua.

Nhân viên đánh máy đạo thơ của cộng tác viên

Năm 2010, nhà thơ trẻ Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang) phát hiện bài thơ Nỗi buồn đập cánh của mình in trên báo Văn nghệ TP.HCM bị một tác giả tên Quỳnh Dao “cầm nhầm” in trên tạp chí Văn nghệ quân đội. “Hai bài thơ” này giống nhau từ tên bài đến nội dung như hai đứa trẻ sinh đôi. Không thể để đứa con do mình sinh ra mang tên người khác, Nguyễn Đức Phú Thọ la làng đòi “làm cha chính chủ”.

Thể thao & Văn hóa khi đó đã phản ánh và tìm ra ai là người sinh thành đích thực của bài thơ Nỗi buồn đập cánh. Theo đó, Nguyễn Đức Phú Thọ đã gửi bài thơ này qua e-mail đến cộng tác với báo Văn nghệ TP.HCM. Cô Quỳnh Dao đang làm nhân viên nhập liệu ở báo này để đánh máy các bài viết tay của cộng tác viên gửi về và đã lấy Nỗi buồn đập cánh chỉnh sửa chút đỉnh gửi cho tạp chí Văn nghệ quân đội.


Bài thơ “Điệu lý qua cầu” của nhà thơ Bế Kiến Quốc được viết bằng máy chữ trên giấy vào năm 1984, là cảm hứng cho ca khúc “Ngẫu hứng lý qua cầu” của nhạc sĩ Trần Tiến.

Lúc đầu Quỳnh Dao cũng chối quanh co, đại ý chưa bao giờ đọc được Nỗi buồn đập cánh cũng như không quen Nguyễn Đức Phú Thọ; kiểu như Phan Huyền Thư nói chưa đọc bài thơ Buổi sáng của Phan Ngọc Thường Đoan vậy. Thế nhưng, bằng những con số thời gian xác thực đã khẳng định cô nhân viên này đã lấy thơ người khác gửi đăng báo dưới tên mình. Nhà văn Từ Kế Tường, khi đó làm Thư ký tòa soạn Văn nghệ TP.HCM, khẳng định: “Bất kỳ nhân viên nào cũng vào được e-mail của báo, vì đây là e-mail chung, những người có liên quan đều có mật khẩu, trong đó có cô Quỳnh Dao”.

Phổ thơ không ghi tên nhà thơ cũng là... “đạo thơ”?

Năm 2014, ca sĩ Phạm Hồng Phước từng dính nghi án đạo thơ khi lấy bài thơ Khi chúng ta già của nhà thơ Nguyễn Thị Việt Hà (Cà Mau) để phổ thành ca khúc cùng tên. Mặc dù bài thơ và phần nội dung của bài hát rất giống nhau, nhưng ca sĩ này chỉ ghi: nhạc và lời Phạm Hồng Phước.

Mỗi bài thơ ra đời đều có hoàn cảnh sáng tác và mang tâm trạng của tác giả. Nguyễn Thị Việt Hà kể rằng, ngày 11/4/2013 chị có trò chuyện với nhà thơ Như Phương tại Cần Thơ, khi tuổi già sẽ sống ở đâu và làm gì? Kết thúc cuộc trò chuyện, nhà thơ Như Phương sáng tác bài thơ Về già còn Việt Hà có bài Khi chúng ta già. Bài thơ này được Nguyễn Thị Việt Hà chia sẻ trên một số trang mạng xã hội.

Khi đề cập đến nghi án đạo thơ này, Phạm Hồng Phước cho biết anh sáng tác bài hát cùng tên và có nội dung giống bài thơ Khi chúng ta già là do lấy cảm hứng từ những bộ phim đã xem. So sánh bài thơ và lời bài hát của Phạm Hồng Phước sẽ thấy giống nhau đến 80% phần lời và 100% cảm xúc. 100% cảm xúc này rất thật, thể hiện từ một cá nhân khi nghĩ về tương lai tuổi già của mình chứ không thể đến từ những bộ phim để “thương vay khóc mướn” mà viết ra được.

Giới nhạc sĩ sáng tác ca khúc có nhiều người chọn thơ hoặc lấy cảm hứng từ thơ để làm phần lời bài hát và ghi rất trang trọng là thơ hoặc ý thơ của nhà thơ mà mình phổ nhạc. Nhưng cũng có nhiều nhạc sĩ quên làm việc này. Ngẫu hứng lý qua cầu của nhạc sĩ Trần Tiến có phần lời giống cảm xúc bài thơ Điệu lý qua cầu của nhà thơ Bế Kiến Quốc viết năm 1984 in trong tập Lời nói.

Bài hát Ngẫu hứng lý qua cầu của Trần Tiến quá nổi tiếng, xin trích lại nguyên văn bài thơ Điệu lý qua cầu của Bế Kiến Quốc: “Bằng lòng đi em…/ Nhưng má anh đã mất/ Mịt mù xa nam bắc khó đưa dâu/ Bằng lòng đi em…/ Nữa mai rồi cách mặt/ Chuyện tâm tình muốn nói dễ chi đâu/ Bằng lòng đi em…/ Dẫu chỉ nhờ câu hát/ Có chiếc xuồng ba lá của riêng nhau/ Bằng lòng đi em…/ Mỗi khi buồn đến khóc/ Một mình anh điệu lý qua cầu (Điệu lý qua cầu, Cao Lãnh 16/7/1984)”.

Trả lời Thể thao & Văn hóa mới đây, nhạc sĩ Trần Tiến chia sẻ:“Có những bài tôi viết, lấy cảm xúc từ bạn bè thi sĩ như Lưu Quang Vũ (bài Chim sẻ tóc xù) hoặc của Bế Kiến Quốc (bài Tùy hứng lý qua cầu) mà không có dịp để ghi tên bạn mình. Nay các bạn đã bay về miền mây trắng, không biết có giận hờn không?”...

Biến lời bài hát thành bài thơ của mình

Nhà thơ “cầm nhầm” thơ của nhau hay nhạc sĩ phổ thơ xong “lờ” nhà thơ đi cũng còn ít nhiều “tinh vi” hơn lấy lời bài hát biến thành thơ của mình. Bài hát đó lại rất nổi tiếng, nên hành động này xem ra rất ngô ngê.

Khoảng tháng 7/2014, giới văn chương tại TP.HCM chuyền tay nhau tác phẩm Bài thơ đã hứa của tác giả Lê Minh Dung. Đọc sơ qua ai cũng “té ngửa” vì “đạo thơ” ngô nghê đến khôi hài của tác giả này. Bài thơ đã hứa như bản sao bị lỗi của bài hát Anh còn nợ em (nhạc Anh Bằng, lời Phan Anh Tài). Anh còn nợ em, mở đầu: Anh còn nợ em/ Công viên ghế đá/ Công viên ghế đá/ Lá đổ chiều êm; thì Bài thơ đã hứa, mở đầu: “Anh còn nợ em/ Bài thơ đã hứa/ Bút giờ hết mực/ Biết làm sao đây”.

Cấu trúc bài thơ này rất giống bài hát của nhạc sĩ Anh Bằng, đến độ nhạc sĩ lặp lại cụm từ: Dòng xưa bến cũ/ Dòng xưa bến cũ, thì tác giả “bài thơ” cũng: Chiều mưa trước ngõ/ Chiều mưa trước ngõ. Một số nhà thơ sau khi đọc Bài thơ đã hứa, nói rằng: thơ kiểu này chắc chỉ có đọc để tán gái mới lớn mới “đạo” kiểu ấy.

Hoàng Nhân
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm