Bắt đầu tìm kiếm nơi chôn cất Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti

22/09/2015 15:47 GMT+7 | Di sản

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà Ai Cập học Anh Nicholas Reeves tin rằng xác ướp của Nữ hoàng Ai Cập huyền thoại Nefertiti nhiều khả năng được chôn cùng lăng mộ với con trai bà là Pharaoh Tutankhamun.  

Do vậy, vào cuối tháng này ông sẽ tới Ai Cập để thẩm định giả thuyết của mình.

Tới nay, nơi an nghỉ cuối cùng của Nữ hoàng Nefertiti vẫn là một bí ẩn. Nổi tiếng là một trong những người phụ nữ đẹp nhất trong lịch sử, Nefertiti là người vợ đầy quyền lực của Pharaoh Akhenaton, vị Vua từ bỏ tín ngưỡng đa thần giáo của Ai cập sang một vị thần duy nhất là thần Mặt trời Aton. 

Nữ hoàng Nefertiti được cho là đóng vai trò quan trọng trong thời Ai Cập cổ đại, vào khoảng thế kỷ thứ 14 trước Công nguyên.


Nữ hoàng Ai Cập Nefertiti (Ảnh: Google)

Reeves tin ngôi mộ của bà có thể là một phòng chôn cất bí mật, nằm sát với nơi chôn xác ướp của con trai bà trong Thung lũng của các vị Vua tại Luxor, miền Nam Ai Cập.

Vào ngày 28/9 tới đây, Reeves sẽ tới Ai Cập, trình bày giả thuyết của mình và cùng Bộ trưởng Cổ Vật Mamduh al-Damati cùng các nhà Ai Cập học xuất chúng nhất trong Bộ tới thẩm định bên trong lăng mộ.

Theo kế quả nghiên cứu mới được công bố, Reeves cho rằng các bức bích họa bên trong phòng mai táng của Vua Tutankhamun có thể đang che khuất 2 cánh cửa bí mật. 


Bên trong phòng lưu giữ xác ướp Vua Tutankhamun ở Thung lũng các vị Vua, Luxor, miền Nam Ai Cập (Ảnh: Google)

Reeves nói rằng các bức ảnh có độ phân dải cao chụp những bức tranh cho thấy “bên dưới bề mặt các bức tranh có những dấu vết đặc biệt, nhiều khả năng thuộc về hai cánh cửa dẫn tới một phòng chứa chưa được khai quật". Reeves cũng tin chủ nhân của căn phòng đó có thể là Nefertiti.

Tutankhamun là vị vua trẻ Ai Cập, qua đời năm 1324 trước Công nguyên, ở tuổi 19, sau 9 năm trị vì. Ngôi mộ của ông được nhà khảo cổ Anh Howard Carter phát hiện hồi năm 1922.

Reeves tin rằng, do Tutankhamun chết sớm, nên lăng mộ của ông chưa được xây dựng. Bởi vậy người ta quyết định khai quật mộ của Nefertiti, 10 năm sau khi bà qua đời, và để xác ướp của Tutankhamun ở đó.

Ngày 1/10, ở Cairo sẽ diễn ra cuộc họp báo giới thiệu các phát hiện ban đầu và kế hoạch hành động nhằm “xác minh một cách chắc chắn" căn phòng bí mật như lời Reeves nói có tồn tại hay không”.

Các quan chức của Bộ Cổ vật Ai Cập cho biết, sau cuộc thẩm định ban đầu, họ sẽ tiến hành nghiên cứu về bức tường trong lăng mộ bằng thiết bị đặc biệt, được chuyển từ Nhật Bản tới.

Tuấn Vĩ
Theo AFP

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm