V-League hay bóng đá trong rừng rậm Amazon

13/03/2016 11:35 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Khi hay tin rằng có thể CLB Hà Nội sẽ đổi tên thành CLB Sài Gòn, điều đầu tiên tôi nghĩ đến là, đây là lần thứ bao nhiêu có một phi vụ đổi tên, đổi chủ ở bóng đá Việt Nam.

Rất nhiều. Xảy ra trên khắp cả nước. Hà Nội gần đây còn có hai ông bầu khác là bầu Long và bầu Kiên thì cả hai cũng đã đều là tác giả của những phi vụ đổi tên, đổi chủ. Hải Phòng cũng từng là nơi mà đội bóng Khánh Hòa chuyển đến, đổi chủ và sau đó đổi tên. Có thêm Thanh Hóa với thương vụ lấy lại Thể Công Viettel.

Vào đến miền Nam, Sài Gòn diễn ra nhiều vụ mua bán sáp nhập nhất. Quân khu 4 xóa sổ, chuyển suất chơi V-League cho Ngân hàng Nam Việt và thế là Navibank SG ra đời. Rồi Sài Gòn Xuân Thành bỗng xuất hiện sau một đêm khi chuyển giao từ Xuân Thành Hà Tĩnh, một đội bóng có tiền thân là Ngói Đồng Tâm

Nó không giống như việc Thể Công ngày xưa đổi tên thành CLB Quân đội rồi sau đó lại lấy tên Thể Công. Việc đổi tên này không làm mất đi đội bóng của người lính mà chỉ là gắn với sự phát triển của ngành khi đất nước bước vào từng giai đoạn khác nhau.


Lịch sử sẽ ghi nhận đây là trận derby đầu tiên và cuối cùng của 2 đội bóng Hà Nội - Ảnh: VSI

Hoang dã như châu Phi

Nhưng ngay cả những việc đổi tên trong sáng như Thể Công cũng khó lòng xảy ra ở các nền bóng đá tiên tiến. Năm 2014, Hội đồng của Liên đoàn bóng đá Anh đã bỏ phiếu với tỉ lệ 66,9% từ chối đề nghị được đổi tên của CLB Hull City thành Hull Tigers.

Chỉ một yêu cầu như vậy còn không thành thì chắc chắn không thể có chuyện Arsenal một ngày nào đó chuyển đến Manchester và lấy tên là Manchester Union.

Không có một thống kê cụ thể, nhưng có hai nơi thường xảy ra những vụ đổi tên CLB, chuyển đổi chủ sở hữu, mua đi bán lại suất trụ hạng: Bên cạnh châu Á là châu Phi.

Ở Nam Phi, quốc gia được coi là châu Âu trong lòng châu Phi nhờ nền kinh tế phát triển, sự ảnh hưởng của châu Âu do dòng người di cư từ Hà Lan và Đức trong lịch sử, và là nơi duy nhất cho tới nay tổ chức World Cup chỉ trong vòng 14 năm đã có cả thảy 23 lần đổi tên CLB sau các vụ mua bán, chuyển quyền sở hữu...

Tháng 9/2011, người viết tham gia đoàn phóng viên đến từ khoảng 20 quốc gia khác nhau là khách mời của Bộ ngoại giao Đức đi xem World Cup nữ đã có một cuộc trao đổi về bóng đá ở mỗi nước. Các phóng viên châu Phi nói rằng, nếu để định nghĩa về bóng đá châu Phi thì xin kể một câu chuyện như sau: "Phóng viên được Liên đoàn thông báo rằng trận đấu cụ thể sẽ diễn ra vào chiều thứ Bảy ở một thành phố A, và phóng viên xách ba lô lên tàu. Con tàu dự định rời ga vào buổi sáng nhưng lùi lại tới buổi trưa. Phải đến gần tối nó mới tới nơi thay vì đầu giờ chiều, nhưng đến nơi thì phát hiện ra rằng trận đấu đã được rời sang thành phố B và lịch đấu là chiều Chủ nhật". Và họ khẳng định rằng, họ không đùa giỡn trong một bầu không khí không phải không nghiêm túc với sự góp mặt của cả đại diện Liên đoàn bóng đá Đức.

Tới lượt mình, để mô tả về bóng đá Việt Nam tôi đã kể rằng, có rất nhiều cầu thủ châu Phi đang chơi bóng ở đó và nếu thành lập một đội bóng của các cầu thủ nhập quốc tịch Việt Nam thì sẽ có cả những cầu thủ dự bị.

Nhưng giờ nếu có cơ hội khác thì tôi cũng sẽ chọn một câu chuyện khác: Nếu các phóng viên châu Phi đến Việt Nam để xem một trong các đại diện của CLB Hà Nội và làm phóng sự về cầu thủ người Uganda Mwesigwa Andrew thì họ sẽ lại phải bắt tàu hỏa để từ Thủ đô vào TP HCM để tìm đội bóng Sài Gòn.

Hoặc nếu ai đánh cược với nhà cái về một cái độ là FLC Thanh Hóa, một trong những ứng viên vô địch V-League 2016 chưa từng xuống hạng trong 7 năm qua thì họ có thể sẽ mất tiền oan nếu chỉ nhìn vào danh sách các đội tham dự V-League từ mùa 2010 tới nay luôn có Thanh Hóa, nhưng thực tế thì đội bóng ấy đã xuống hạng năm 2009 và được nhượng lại suất chơi ở V-League do lúc ấy Viettel quá chán bóng đá.

Chạy Trời không khỏi nắng

Sáu năm về trước, có hai cầu thủ trẻ của Viettel, là những gương mặt sáng giá của Viettel, là Ngọc Duy và Quốc Long. Họ thuộc về lứa "Thể Công 87", tức là thế hệ những cầu thủ sinh năm 1987 được đào tạo dài ngày ở Đức và Bulgaria. Cả hai đã đào thoát thành công cuộc chuyển nhà về xứ Thanh dù cho hàng loạt những tên tuổi lớn hơn đều phải nằm trong số các cầu thủ chuyển giao.

Duy và Long được ở lại với Thủ đô, khoác áo đội bóng Hà Nội T&T. Trong danh sách sau này có thêm Văn Quyết, một cầu thủ thuộc lứa Thể Công trẻ hơn, cũng được đội bóng Thủ đô mời về. Thiết tưởng chẳng có gì tuyệt vời hơn nữa, và sự nghiệp của họ cứ thế mà trôi với đầy ắp những danh hiệu.

Nhưng Duy và Long đầu mùa này đột nhiên nằm trong số những cầu thủ Hà Nội T&T tăng cường cho người anh em Hà Nội FC. Đó là một cuộc chia tay bịn rịn, dù cho ở đội bóng mới là người anh lớn Đức Thắng trong vai trò HLV thực tế cũng từng là lính Thể Công.

Thôi thì cũng là bóng đá Hà Nội, anh em lọt sàng xuống nia. Nhưng, ai tính được điều gì. Giờ thì cả Long và Duy đều có khả năng trở thành các cầu thủ của bóng đá Sài Gòn.

CLB Hà Nội sau nỗi buồn là'chiến đấu'

CLB Hà Nội sau nỗi buồn là'chiến đấu'

Nỗi buồn, hụt hẫng khi nghe tin CLB Hà Nội sẽ chuyển trụ sở, đổi tên đã dần lắng xuống. Đối với những CĐV nhiệt thành của đội, họ vẫn sẽ đồng hành cùng đội bóng nhiều nhất có thể và chỉ có một mong muốn “sau nỗi buồn là chiến đấu”.


Thượng đế cũng phải cười, nhưng FIFA thì không

Năm 2010, FIFA nhảy vào can thiệp giữa lúc Nam Phi ồ ạt đổi tên, chuyển chủ sở hữu. Đó là thời điểm 2 năm kể từ khi cơ quan quyền lực của bóng đá thế giới bắt đầu để ý tới những thương vụ tiềm ẩn đầy những nguy cơ.

Năm 2008, bóng đá Việt Nam là một trong số hơn 200 địa chỉ nhận được một thông báo để bảo vệ của tính toàn vẹn trong việc lên xuống hạng.  

Nó, cùng với những chỉ trích nội tại có lẽ là nguyên nhân của việc Quy chế bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam mỗi năm đều có sửa đổi và các điều khoản liên có vẻ ngày càng chặt hơn.

Nhưng, các Quy chế của bóng đá Việt Nam đôi khi chỉ là thứ để tôn vinh khả năng thiên tài trong việc tìm ra những kẽ hở của những người làm bóng đá đồng thời là những đại gia bao quanh bởi những chuyên gia luật hàng đầu.

Không biết, bầu Kiên, người đang bị cách ly với BĐVN nghĩ gì về chuyện này khi ông chính là người lách quy chế siêu nhất khi còn cầm đội LG.HN.ACB? 

Tính toàn vẹn của thể thao - các nguyên tắc của việc lên hạng, xuống hạng

Theo điều 2 điều lệ FIFA qui định: FIFA có trách nhiệm ngăn chặn tất cả các phương pháp hoặc thủ đoạn có thể làm tổn hại đến tính toàn vẹn của các trận đấu hoặc giải đấu hoặc làm tổn hại đến môn bóng đá.

Gần đây có một số trường hợp vi phạm tiêu chuẩn tham dự một giải đấu cụ thể và/ hoặc việc đơn giản hoá thủ tục và rút ngắn thời gian cấp giấy phép trong khuôn khổ luật định. Theo những điều khoản trong điều lệ FIFA đã được đề cập đến ở trên, thực tế này tác động xấu đến tính toàn vẹn của các giải đấu và phải bị đấu tranh ngăn chặn. Trong phiên họp vừa qua của Ban chấp hành FIFA, các quyết định sau đây đã được thông qua:

1. Tư cách tham gia thi đấu của một câu lạc bộ tại một giải vô địch trong nước sẽ phụ thuộc chủ yếu vào thành tích thi đấu. Câu lạc bộ sẽ đủ điều kiện thi đấu tại giải vô địch quốc gia trong nước nếu đang thi đấu tại hạng đó hoặc được lên hạng hay từ 1 hạng khác xuống hạng đó vào cuối mùa bóng.

2. ......

3. Việc thay đổi hình thức pháp lý và cấu trúc của CLB để thoả mãn các tiêu chuẩn về thành tích thi đấu hoặc để nhận được sự cho phép tham gia giải vô địch quốc gia và làm phương hại đến tính toàn vẹn của giải sẽ bị cấm. Ví dụ: thay đổi trụ sở chính, thay đổi tên hoặc chuyển đổi cổ phần giữa các đội bóng khác nhau. Các quyết định cấm có thể được xem xét bởi cơ quan giải quyết khiếu nại của liên đoàn.


Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm