Việt Nam, Thái Lan và bài học từ bóng đá Nhật Bản

01/12/2014 12:48 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không hẹn mà gặp, cả 2 đội bóng đứng nhất bảng A và B tại AFF Cup 2014 là Việt Nam và Thái Lan đều đang sử dụng “chất xám Nhật Bản” cho nền bóng đá của mình.

Tuy nhiên, trong khi Việt Nam mới chỉ có HLV trưởng ĐTQG là người Nhật Bản thì Thái Lan thậm chí đã đi trước từ rất xa, và họ đang gặt hái quả ngọt nhờ chiến lược làm bóng đá bài bản của mình.

Chưa đầy 6 tháng ngồi vào ghế HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Olympic Việt Nam, HLV Toshiya Miura gần như đã giúp 2 đội bóng của chúng ta hoàn toàn lột xác và đạt được những kết quả hết sức tích cực.

“Nhật Bản hóa” nền bóng đá - xu hướng đang thịnh hành

Sự thành công của ông Miura trên cương vị HLV trưởng đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Olympic Việt Nam càng khiến cho VFF kiên định hơn với việc thắt chặt mối quan hệ hợp tác với LĐBĐ Nhật Bản và quyết tâm xây dựng nền bóng đá theo mô hình của bóng đá Nhật Bản.

Thế nhưng, nếu như Việt Nam mới chỉ có HLV trưởng ĐTQG là người Nhật Bản thì Thái Lan tuy không ồn ào nhưng họ đã tiến hành công cuộc “Nhật Bản hóa” nền bóng đá của mình từ rất lâu, và đang trở lại vị trí số một khu vực.

GĐKT của LĐBĐ Thái Lan (FAT) là ông Ichiro Fujita, cựu thành viên Ban Quốc tế của LĐBĐ Nhật Bản (JFA) và đồng thời cũng là một chuyên gia kỳ cựu của AFC trong lĩnh vực phổ cập và phát triển bóng đá ở những nền bóng đá còn chưa phát triển.

Và khi Việt Nam mới chỉ có trưởng BTC giải VĐQG là người Nhật Bản thì Thái Lan đã sử dụng cầu thủ và HLV Nhật Bản ở giải VĐQG của mình từ rất lâu trước đó. Ở Thai League 2014, đội bóng giành chức á quân là Chonburi vẫn đang sử dụng HLV người Nhật Bản Masahiro Wada và HLV thủ môn Yoshio Kato, cựu HLV thủ môn đội tuyển Nhật Bản, trong đó HLV Kato đã được FAT mời lên đội tuyển Thái Lan để làm HLV thủ môn.

Giải thích về lý do đưa HLV Kato vào thành phần BHL đội tuyển Thái Lan, ông Surachai Jaturapattarapong, trưởng đoàn bóng đá nước này khẳng định, ông rất ấn tượng với phương pháp huấn luyện dựa trên cơ sở mô phỏng thực tế thi đấu của HLV Kato.

Bí quyết của bóng đá Nhật Bản

Từng được theo học một khóa huấn luyện tại LĐBĐ Nhật Bản nên không có gì ngạc nhiên khi ông Surachai lại dành nhiều thiện cảm như thế cho các HLV Nhật Bản.

Ông Surachai nói: “Thông thường các HLV sẽ phát hiện nhược điểm của thủ môn trong quá trình luyện tập, và từ đấy sẽ xây dựng giáo án huấn luyện chuyên biệt cho từng kỹ năng như bắt bóng hay đấm bóng. Tuy nhiên, phương pháp huấn luyện của Kato lại hoàn toàn khác biệt, ông ấy đặt các thủ môn vào những tình huống thực tế như trong trận đấu và dạy họ cách thích ứng sao cho nhanh nhất có thể”.

Phương pháp huấn luyện của HLV Kato là rèn luyện khả năng tự phán đoán tình huống cho các thủ môn, thay vì cầm tay chỉ việc cho họ. Và kết quả công việc của HLV Kato ở Chonburi rất ấn tượng, khi thủ môn Sinthaweechai Hathairattanakool của CLB này giành giải Cầu thủ xuất sắc nhất Thai-League năm 2011 và được bầu chọn vào đội hình tiêu biểu của Thai-League năm 2012.

Khác biệt ở người thầy

Một HLV trẻ của SLNA cho biết: “Ở lứa tuổi 12, 13, cầu thủ trẻ Nhật Bản đã được dạy cách chơi bóng bằng đầu mà chưa cần chú trọng tới những vấn đề khác như phát triển cơ bắp, trong khi ở Việt Nam lại hoàn toàn trái ngược. Vì thế, dù cùng ở độ tuổi, cầu thủ Nhật Bản có thể thấp bé hơn cầu thủ Việt Nam, nhưng cách chơi bóng của các em lại rất chững chạc, già dặn, và đến lúc trưởng thành thì tư duy chiến thuật đã hoàn thiện”.

Từ 2 câu chuyện nhỏ ở trên có thể thấy rằng dù ở bất cứ cấp độ nào thì bóng đá Nhật Bản cũng luôn đặc biệt quan tâm tới năng lực tư duy của cầu thủ, và đây được xem như là kim chỉ nam trong phương pháp của các HLV Nhật Bản.

Đấy cũng là lý do giải thích vì sao cùng với thành phần cầu thủ như thế, nhưng năm ngoái đội tuyển U23 Việt Nam của HLV Hoàng Văn Phúc bị loại ngay sau vòng bảng SEA Games 27 tại Myanmar, còn HLV Miura đã đưa họ vào tới vòng 1/8 môn bóng đá nam ASIAD 17 ở Incheon (Hàn Quốc), và rất nhiều người trong số này hiện đang giữ vai trò trụ cột trong hành trình của đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2014.

“Nhật Bản hóa” bóng đá Thái Lan

- Có tới 13 trên tổng số 20 CLB ở Thai-League sử dụng cầu thủ ngoại người Nhật Bản trong danh sách đăng ký thi đấu của mình, trong đó nhiều nhất là Chiangrai United với 3 cầu thủ Nhật Bản. Tổng số cầu thủ quốc tịch Nhật Bản được đăng ký ở Thai-League trong mùa bóng 2014 là 17 người. Ngoài Masahiro Wada, cựu HLV trưởng CLB Vissel Kobe của Nhật Bản, còn có 3 HLV người Nhật Bản khác đang làm việc tại Thái Lan, và một trong số họ là Yoshiaki Maruyama, ngoại binh người Nhật Bản sau khi giải nghệ đã tiếp tục ở lại Thái Lan để khởi đầu sự nghiệp huấn luyện với Rangsit, đội bóng hạng Ba là vệ tinh của Bangkok Glass, CLB đang thi đấu ở Thai-League.

- Ở trận play-off tranh vé dự World Cup 2015, Kanjana Sung-Ngoen chính là người đã gieo sầu cho đội tuyển nữ Việt Nam khi tiền đạo này lập cú đúp giúp Thái Lan vượt qua chúng ta với tỷ số 2-1 ngay tại sân Thống Nhất(TP.HCM). Sung-Ngoen từng thi đấu tại Nhật Bản trong màu áo CLB Speranza cùng với một trụ cột khác của đội tuyển Thái Lan là Pitsamai Sornsai.

- Hiện tại, GĐKT của LĐBĐ Thái Lan (FAT) là ông Ichiro Fujita, cựu thành viên Ban Quốc tế của LĐBĐ Nhật Bản (JFA) và đồng thời cũng là một chuyên gia kỳ cựu của AFC trong lĩnh vực phổ cập và phát triển bóng đá ở những nền bóng đá còn chưa phát triển. HLV thủ môn của đội tuyển Thái Lan là ông Yoshio Kato, cựu HLV thủ môn đội tuyển Nhật Bản.


Hoàng Huy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm