Thao trường đổ mồ hôi...

10/11/2017 17:37 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - ... Chiến trường bớt đổ máu. Thực tế là, thành công của đội bóng tại một trận đấu hay giải đấu, được quyết định từ khâu chuẩn bị, chứ không phải ngoài thực chiến.

Kỷ luật sắt cùng với việc khu biệt chức năng, là những dấu ấn đầu tiên mà tân HLV Park Hang Seo đặt lên đội tuyển Việt Nam, chuẩn bị trận đấu có ý nghĩa quan trọng với Afghanistan, trong khuôn khổ bảng C, vòng loại ASIAN Cup 2019. Trong quá khứ, các đời HLV Alfred Riedl, Henrique Calisto và gần nhất là Toshiya Miura, cũng luôn đặt kỷ luật lên làm đầu, trước khi thành công ở các mức độ khác nhau. Đấy là sự khác biệt lớn nhất đầu tiên so với các đời HLV nội.

Từ việc "phân công lao động" đến diễn biến các buổi tập đầu tiên của đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park, dễ cảm thấy thuyền trưởng xứ Kim chi khá cứng, thậm chí có chút quân phiệt. "Quân lệnh như sơn", không có ngoại lệ hay thoả hiệp. Người Việt Nam có thể không ưa điều này, nhưng nếu kỷ cương bị phá vỡ, thì đội bóng cũng dễ nát. Chúng ta hẳn còn nhớ sự cố hơn chục cầu thủ miền Trung và miền Nam "đào ngũ", tự ý rời đội tuyển, ở những năm đầu bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại.

Thủ môn Tuấn Mạnh: 'HLV Park Hang Seo yêu cầu uống nhiều sữa'

Thủ môn Tuấn Mạnh: 'HLV Park Hang Seo yêu cầu uống nhiều sữa'

Thủ môn Nguyễn Tuấn Mạnh cảm thấy thoải mái với cách huấn luyện của HLV Park Hang Seo. Đặc biệt, anh cũng có những chia sẻ thú vị về bữa ăn của đội tuyển.

Nói đến ông Park, phải kể đến tầm ảnh hưởng của huyền thoại Guus Hiddink, khoảng thời gian họ hợp tác với nhau tại đội tuyển Hàn Quốc (World Cup 2002). Chứng kiến sự tuyệt giao mà theo ông Hiddink tả lại là "như những đứa trẻ tự kỷ tập đá bóng", HLV người Hà Lan đã "kích động bạo lực", để học trò... đánh nhau. "Nếu họ không thể giao tiếp trong tập luyện và sinh hoạt, thì không thể kỳ vọng họ sẽ liên lạc với nhau trong trận đấu", HLV Hiddink kể lại. Và, phương pháp có vẻ phản khoa học đó của Guus đã phát huy tối đa tác dụng.

Phát biểu với giới truyền thông Việt Nam, HLV Park Hang Seo cũng truyền đi thông điệp tương tự. Nếu từng mắt xích làm tốt công việc của mình, thì đội bóng đương nhiên sẽ tốt lên. Không phải là không tin tưởng nhau, nhưng đừng kỳ vọng vào sự hỗ trợ của nhau theo kiểu "chị ngã em nâng". Trên sân bóng chỉ có những người đàn ông mạnh mẽ, không uỷ mị. Công Phượng nếu cứ giữ thuộc tính lối chơi khá cá nhân, tự anh sẽ tự bị đào thải, tự thải loại mình ra khỏi tập thể. Ngay cả Xuân Trường cũng được lệnh: Chuyền bóng nhanh lên, để đội bóng không bị rớt nhịp tấn công.

HLV Park Hang Seo chữa 'bệnh thụ động' cho các tuyển thủ

HLV Park Hang Seo chữa 'bệnh thụ động' cho các tuyển thủ

Trong buổi tập thứ 2 của đội tuyển Việt Nam, HLV Park Hang Seo chủ yếu hướng dẫn và chỉ dạy cho các cầu thủ cách tổ chức phòng ngự sao cho chủ động, hiệu quả.

Chưa biết bài miếng của HLV Park Hang Seo vi diệu thế nào, bởi chúng ta cần ít nhất một trận đấu để cảm nhận, nhưng sự năng động, quyết đoán của ông trên sân tập, có thể nói là khá trái ngược với phong thái - hình hài của người đàn ông tuổi "xưa nay hiếm". Trong bóng đá, câu trả lời tối ưu nhất là kết quả các trận đấu, chứ không phải làm màu ở các buổi tập hay trên cabin BHL. HLV Park chắc chắn cũng sẽ không đứng ở cabin để chụp ảnh hay lên truyền hình cho đẹp, mà ông đang cho thấy khí khái của một vị tướng sân cỏ.

Làm việc và làm việc liên tục, cật lực, nếu không muốn bị bỏ lại. Kể từ ngày qua Việt Nam nhận việc, ông Park xuôi Nam ngược Bắc "vi hành" là có lý do. Đây là công việc và cũng không phải là điều quá mới mẻ, tuy nhiên chất lượng công việc phải được thể hiện bằng thái độ làm việc trước nhất. HLV Park Hang Seo hay người tiền nhiệm Toshiya Miura chắc chắn không có nhiều điều kiện thuận lợi hơn Henrique Calisto và Alfred Riedl, ở khía cạnh hiểu biết, nên họ phải làm việc gấp bội lần cũng dễ hiểu.

Hãy chia sẻ và cổ vũ.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm