Nhiều hệ lụy nếu V-League lùi 6 tháng

20/07/2021 08:51 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Hẳn nhiên sẽ gây ra nhiều phiền toái, nhất là với các CLB. Phiền toái cả câu chuyện chuyên môn cũng như vấn đề tài chính.

CLB phản đối, VPF  xin ý kiến hoãn V-League

CLB phản đối, VPF xin ý kiến hoãn V-League

Sau khi bị nhiều CLB phản đối về đề xuất trở lại V-League 2021 vào tháng 2/2022, Công ty Cổ phần bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã chính thức gửi văn bản cho các cổ đông (CLB) để xin ý kiến.

Đặt giả thiết, quyết định cuối cùng được đưa ra là giải đấu nghỉ hết năm nay để trở lại vào tháng 2 năm sau, rõ ràng các CLB sẽ chịu nhiều ảnh hưởng. Nếu những đề xuất trước đây, được đa phần ủng hộ và tìm ra tiếng nói chung thì phương án này gặp những phản ứng quyết liệt từ các đội bóng.

Cũng phải thôi, bởi hàng loạt lý do mà nhiều đội bóng không thể hài lòng nếu V-League đợi đến đầu năm 2022 mới thi đấu trở lại.Theo đó, kế hoạch cho thời gian đến thế nào, mua sắm chuyển nhượng, ký kết hợp đồng ra sao? Đau đầu nhất vẫn là gánh nặng tài chính sẽ tăng lên thì thời gian dôi ra ngoài dự tính. Chi phí đã bỏ ra không ít khi đi qua một nửa chặng đường. Chặng đường còn lại tiếp tục tiêu tốn tiền bạc nhưng chỉ tập và ngồi chờ. Bình thường đã khó, huống hồ dịch bệnh thế này cũng khiến nhiều nhà đầu tư hay ông chủ đội bóng “hắt hơi sổ mũi”.

Đa phần ý kiến từ các CLB vẫn mong được sẻ chia với cơ quan điều hành, tổ chức giải đấu vì khó khăn hiện nay là tình hình chung, không ai mong muốn. Tất cả vẫn mong ngồi lại với nhau để tìm được tiếng nói đồng thuận, thống nhất. Nhưng với bối cảnh này khó có thể đưa ra được giải pháp tối ưu nhất. Nếu có phương án nào đó được đưa ra cũng chỉ như kịch bản để khi nào điều kiện cho phép thì dùng đến. VFF, VPF và các CLB có thể đưa ra cách thức nhưng cách thức đó có được áp dụng hay không phải phụ thuộc vào 2 tiêu chí cốt lõi. Đó là tình hình dịch bệnh được đẩy lùi, kiểm soát và các cơ quan chức năng cho phép các hoạt động TDTT được trở lại.

Thời gian qua, cơ quan điều hành, tổ chức cùng các đội bóng vẫn luôn mong làm sao đưa được giải đấu về đích. Cho dù có ý kiến đa chiều, có tranh luận nào đi chăng nữa thì ai cũng mong muốn và chung tay vào cái chung. Bên cạnh đó, không tạo ra lấn cấn đến nhiệm vụ của ĐTQG cũng như lợi ích của các CLB. Tuy nhiên, với đề xuất tiếp tục hoãn đến tháng 2 năm sau, đã thấy quyền lợi của các CLB ảnh hưởng rất nhiều. Hay nói cách khác, sẽ có nhiều bất cập cũng như khó khăn dành cho các đội bóng nhiều hơn.

bóng đá Việt Nam, tin tức bóng đá, bong da, tin bong da, V-League, hoãn V-League 2021, VFF, VPF, HAGL, Viettel, V-League 2021 bị hoãn, dtvn, AFF Cup, vòng loại World Cup
Khó có thể tìm ra giải pháp tối ưu nhất cho V-League thời gian sắp đến. Ảnh: Trần Tuấn

Hơn 2 tháng tạm nghỉ vừa rồi, mỗi đội bóng đều phải bỏ ra số tiền không nhỏ cho việc chi tiêu, sinh hoạt hàng ngày cũng như trả lương cho cầu thủ. Nếu giải đấu chuyển sang năm 2022 thì từ nay đến cuối năm, các CLB chưa biết sẽ căn chỉnh thế nào cho phù hợp. Có thể cho cầu thủ nghỉ ngơi nhưng vẫn phải đảm bảo lương hướng theo điều khoản hợp đồng. Bên cạnh đó, chưa kể những bản hợp đồng với ngoại binh thường hết sau mỗi mùa bóng (thường vào thời điểm tháng 10-11) sẽ không biết tính sao. Tựu trung lại, đội nào cũng phải trả lương, nuôi quân trong khi “ngồi chơi” chứ không thi đấu. Đấy còn chưa kể, biết tháng 2 năm sau, mọi thứ có suôn sẻ để bóng lăn trở lại được hay chưa. Hay đến lúc đó, lại hoãn và lại chờ.

Chúng ta đều biết rằng trong bối cảnh dịch bệnh thế này, khó khăn về tài chính đối với các đội bóng là rất rõ. Đặt trường hợp, V-League dừng từ nay cho đến tháng 2 năm sau, rất nhiều cầu thủ và các thành viên liên quan sẽ ở vào thế tiến thoái lưỡng nan. Mấy hôm nay, các đội bóng đã lục tục “xả trại” nghe ngóng tình hình rồi tính tiếp. Đội không tập, giải không đá nhưng vấn đề thu nhập, chế độ vẫn phải chi tiêu dựa trên cơ sở hợp đồng. Vẫn biết, các cầu thủ hiểu, chung tay và sẻ chia những khó khăn như thế nhưng cũng chỉ giải quyết được phần nào chứ không thể rốt ráo được. Vì đơn giản, không thi đấu họ sẽ thất nghiệp và kéo theo nhiều hệ lụy. Chưa kể, có thể nảy sinh tranh chấp pháp lý với chuyện hợp đồng, nhất là cầu thủ ngoại.

Đã có ý kiến nhìn nhận rằng tại sao VPF không đưa ra nhiều phương án hơn cho V-League. Bởi, không ai dám chắc đến tháng 2/2022, mọi chuyện êm xuôi để tiếp tục giải đấu mà chỉ trông chờ vào phương án duy nhất đó. VPF cần đưa ra nhiều giải pháp hơn chứ không chỉ áp đặt phương án duy nhất, vì mọi thứ đều không thể dự đoán một cách chắc chắn. Chẳng hạn, nếu điều kiện cho phép, có thể chen vào đá mỗi tháng vài vòng đấu trong các tháng 9, 10 và 11 trước và sau lịch thi đấu của ĐTQG và U23.

Tựu trung lại để có thể có được giải pháp hài hòa nhất vừa đảm bảo nhiệm vụ của ĐTQG và lợi ích chính đáng của các đội bóng sẽ rất khó. Trong bối cảnh không biết tình hình dịch bệnh sẽ thế nào để có thể chủ động càng khó hơn.

Những ngày này, cả xã hội đang lao đao vì dịch bệnh. Tất cả đang oằn mình chống chọi với biến cố quái ác mang tên Covid-19. Bóng đá nước nhà không nằm ngoài guồng quay đó và không thể là lĩnh vực được biệt đãi. VPF và các CLB phải tuân thủ nghiêm ngặt các chỉ thị của Thủ tướng, chứ không đơn giản muốn bóng lăn là lăn. Dù sao, "nhìn xuống" quá nhiều thân phận, doanh nghiệp, lĩnh vực còn lao đao gấp bội phần hoạt động bóng banh. Nhiều người bảo lâu nay bóng đá là "đứa con cưng" của xã hội, "sướng quen rồi" nên khổ tí là kêu ca, rên xiết. Giá như LĐBĐVN, VPF có những gói hỗ trợ cho CLB lúc này, dù ít nhiều, cũng rất đáng quý.

Mong tất cả ngồi lại với nhau để tìm ra được lối đi, dù không phải tốt nhất nhưng có thể ít thiệt hại nhất cho tất cả các bên.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm